Thị trường vàng trầm lắng trước áp lực giảm giá trong ngắn hạn. Giá vàng hôm nay tiếp tục giảm nhẹ trong bối cảnh đồng USD được hưởng lợi từ quyết định của FED.
Tại thị trường trong nước, đóng cửa phiên giao dịch tuần qua, giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,82 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội.
Giá vàng SJC tại TPHCM, chiều bán ra là 56,80 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua vào - bán ra được đơn vị này niêm yết ở ngưỡng 620.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 56,25-56,77 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Chênh lệch giá mua - bán vàng 550.000 đồng/lượng.
Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng niêm yết ở mức 56,15-56,75 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Chênh lệch giá mua – bán vàng 600.000 đồng/lượng.
Nhìn chung, giá vàng trong nước hiện vẫn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 7,16 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, 6h sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đang giao dịch ở ngưỡng 1.768 USD/ounce, tăng 5 USD/ounce so với cuối tuần qua.
Giá vàng đã trải qua 1 tuần nhiều biến động khi “bốc hơi” hơn 100 USD/ounce.
Tuần qua, giá vàng lao dốc sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo lãi suất cơ bản của đồng USD sẽ tăng ít nhất 2 lần, mỗi lần tăng 0,25 điểm phần trăm, tới năm 2023. Cho tới lần họp tháng 4 vừa qua, Fed vẫn dự báo sẽ không nâng lãi suất trước năm 2024. Cơ quan này cũng tăng triển vọng tăng trưởng kinh tế khi GDP của Mỹ lên mức 7% trong năm nay.
Đồng USD tăng giá trong hai phiên 16 và 17/6 sau cuộc họp của Fed cũng là một nguyên nhân khiến các hàng hóa bị bán ra. Chỉ số USD đo giá trị của đồng bạc xanh so với sáu đồng tiền mạnh khác tăng 0,3% trong phiên 18/6.
Ngày 17/6, trong báo cáo việc làm hàng tháng, Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia (NFIB) cho biết gần 50% số chủ doanh nghiệp nhỏ của Mỹ thông báo tình trạng chưa tuyển được lao động trong tháng Năm, tăng so với mức 44% trong tháng 4/2021.
Ánh Tuyết
Theo KTDU