Tính đa dạng trong sản phẩm gia vị mở ra cho Việt Nam nhiều tiềm năng trong sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu gia vị và hương liệu. Đặc biệt, gia vị và hương liệu hữu cơ được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới.
Việt Nam được xem là một trong những thế mạnh có nhiều tiềm năng mở rộng thị trường với nhiều loại sản phẩm gia vị khá phong phú và đa dạng. Việt Nam hiện có các loại gia vị như: Quế, hồi, thảo quả, thanh trà, nước mắm, muối, dấm, mẻ, thính gạo... Để nâng cao giá trị sản phẩm gia vị, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã dựa vào công nghệ để đầu tư, nghiên cứu đổi mới sản phẩm đưa ra thị trường hàng loạt sản phẩm mới và được người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ngoài ra, một số doanh nghiệp Việt Nam còn phát triển thêm những sản phẩm gia vị bằng việc phối trộn kết hợp từ nhiều loại gia vị khác nhau để cho ra những loại gia vị mới với hương vị đặc trưng, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng.
Sức hấp dẫn của thị trường gia vị đã thu hút hàng loạt tập đoàn quốc tế vào Việt Nam như: Unilever, (Anh), Ajinomoto (Nhật Bản), Miwon (Đài Loan), Nestlé (Thụy Sĩ)... Thậm chí, các nhà bán lẻ như: Co.opmart, Big C cũng có những dòng sản phẩm riêng. Điều này đang tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các công ty đa quốc gia và các sản phẩm ngoại nhập. Chỉ riêng sản phẩm nước mắm đã có sự tham gia của hàng loạt thương hiệu như: Thuận Phát, Nam Ngư, Chinsu, Liên Thành, Hạnh Phúc, 584 Nha Trang, Hồng Hạnh...
Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu gia vị lớn trên thế giới. Hiện, Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu; đứng thứ 3 thế giới về sản lượng và số 1 thế giới về xuất khẩu quế; đứng thứ 3 thế giới về sản xuất và thứ 2 thế giới về xuất khẩu hoa hồi... Ngoài ra, các mặt hàng gia vị khác cũng chiếm vị trí khá quan trọng như: Ớt, đinh hương, gừng, bạch đậu khấu, nhục đậu khấu... Năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu của hồ tiêu và gia vị Việt Nam đạt hơn 1,4 tỷ USD; tăng 0,02% so với năm trước. Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam còn nhiều dư địa cho phát triển các sản phẩm gia vị. Nền kinh tế đang hồi phục cùng với đó là các ngành chế biến thực phẩm, nhà hàng, khách sạn khôi phục và phát triển trở lại chính là những thay đổi đem lại những tín hiệu tốt cho sản phẩm gia vị của Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Không chỉ khẳng định vị thế ở thị trường nội địa, nhiều thương hiệu gia vị của Việt Nam đã vươn ra thế giới. Đặc biệt, nhiều sản phẩm gia vị của Việt Nam đã xuất khẩu vào các thị trường lớn và còn ẩn chứa nhiều tiềm năng lớn.
Theo Bộ Công Thương, riêng đối với cây quế, diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Hiện Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc. Với cây hồi là loài cây bản địa rất ít quốc gia sở hữu, chiếm phần lớn là Việt Nam và Trung Quốc. Các mặt hàng, sản phẩm từ quế, hồi và cây dược liệu đang ngày càng được quan tâm và mở rộng thị trường xuất khẩu do những thay đổi trong nhận thức, quan điểm và thị hiếu của người tiêu dùng đối với lối sống xanh, sạch, tốt cho sức khỏe và hỗ trợ tăng miễn dịch.
Hiện nay, quế hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh Châu Âu - EU. Trước xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… cùng nhiều Hiệp định thương mại tự do được ký kết, sản phẩm quế, hồi Việt Nam có thêm động lực, thời cơ phát triển.
Bà Nguyễn Thị Huyền - Tổng Giám đốc công ty Quế hồi Việt Nam (Vinasamex) cho biết, quế hồi là sản phẩm tiềm năng của Việt Nam. Hiện nay quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực. Riêng những sản sản quế hồi của Vinasamex đang xuất khẩu tới 20 quốc gia trên thế giới, đặc biệt là đối tác uy tín của các khách hàng tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, châu Âu là một trong những khu vực nhập khẩu gia vị và hương liệu hàng đầu, chiếm khoảng 1/4 tổng lượng nhập khẩu của thế giới. Năm 2021, châu Á là thị trường nhập khẩu gia vị và hương liệu hàng đầu với 45% thị phần, tiếp theo là châu Âu (28%). Trong đó, hơn 95% hàng nhập khẩu từ bên ngoài châu Âu đến từ các nước đang phát triển.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, do đặc thù của thị trường châu Âu và ngành thương mại, chế biến, các thị trường chính nhập khẩu gia vị được dự báo sẽ giữ nguyên trong những năm tới. Cơ hội cho các loại gia vị và hương liệu của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng cung cấp của doanh nghiệp về số lượng, chất lượng, giá cả và chứng nhận.
Các quốc gia châu Âu mang lại nhiều cơ hội nhất là Đức, Anh, Hà Lan và Tây Ban Nha. Dựa trên số liệu thống kê nhập khẩu, các loại gia vị và thảo dược có thị phần và hiệu quả tốt nhất tại thị trường châu Âu là gừng, nghệ, hồ tiêu, quế, húng tây và nhục đậu khấu. “Nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại gia vị được sản xuất bền vững, nguồn gốc mới, việc sử dụng gia vị, hương liệu trong ẩm thực quốc tế là những xu hướng hàng đầu mở ra cơ hội cho các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển. Ngược lại, yêu cầu ngày càng tăng của người mua và những thay đổi về luật pháp có thể là mối đe dọa đối với các nhà cung cấp từ các nước đang phát triển, đặc biệt là các nhà cung cấp mới chưa quen với các yêu cầu này. Các loại gia vị ngày càng được kiểm tra về chất gây dị ứng, độc hại và tính xác thực, vì vậy điều quan trọng là phải theo kịp các động lực thị trường này để duy trì vị thế là nhà cung cấp cạnh tranh cho thị trường châu Âu”, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết.
Hầu hết các yêu cầu bắt buộc khi nhập khẩu hương liệu, gia vị (và thực phẩm nói chung) đều liên quan đến an toàn thực phẩm. Thực phẩm nhập khẩu vào EU phải chịu sự kiểm soát thực phẩm chính thức. Những biện pháp kiểm soát này bao gồm việc kiểm tra thường xuyên có thể được thực hiện khi nhập khẩu (tại biên giới) hoặc sau đó, khi thực phẩm đã được phân phối lưu thông tại EU, chẳng hạn như tại cơ sở của nhà nhập khẩu. Việc kiểm soát nhằm kiểm tra xem sản phẩm có đáp ứng các yêu cầu hợp pháp hay không. Việc không tuân thủ luật thực phẩm của châu Âu được báo cáo thông qua Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF). Đặc biệt, nếu việc nhập khẩu một sản phẩm nhất định từ một quốc gia cụ thể liên tục cho thấy sự không tuân thủ luật thực phẩm của châu Âu thì tần suất kiểm tra chính thức tại biên giới sẽ tăng lên.
Theo đánh giá của chuyên gia, thập kỷ tiếp theo dự kiến sẽ được đánh dấu bằng sự tăng trưởng ấn tượng của các loại gia vị và hương liệu hữu cơ, phù hợp với xu hướng thực phẩm hữu cơ đang phát triển nhanh chóng trên thế giới.
Hương Trà
Theo Kinh tế và Đồ uống