Sự kiện hot
3 năm trước

Giá xăng giảm nhưng doanh nghiệp vận tải vẫn "chông chênh"

Doanh nghiệp cho rằng việc giảm giá xăng dầu 3.000 đồng/lít hôm 11/7 vẫn còn “chông chênh” vì ngay đầu tuần kỳ điều hành, xăng dầu thế giới bắt đầu tăng thì kỳ điều chỉnh sau sẽ lại tăng giá.

Giá xăng giảm nhưng doanh nghiệp vận tải vẫn "chông chênh"
Doanh nghiệp lo ngại, ngay đầu tuần kỳ điều hành giảm 3.000 đồng/lít xăng dầu thế giới bắt đầu tăng thì kỳ điều chỉnh sau sẽ lại tăng giá.

Mặc dù ngày 11/7 giá xăng dầu đã có điều chỉnh giảm tới 3.000 đồng/lít, nhưng ghi nhận tại các hãng vận tải vẫn chưa có sự điều chỉnh giảm theo. Đơn cử như cước vận tải taxi 4 chỗ đi trong nội thành của một số hãng vẫn ghim ở mức 20.000 đồng/1,6km đầu tiên; 1 chiều 35km đi sân bay 417.000 đồng. Giá cước taxi 7 chỗ 20.000 đồng/1,3km đầu tiên; chiều 35 km đi sân bay 517.000 đồng…

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (chủ sở hữu nhà xe Sao Việt) cho rằng, xăng dầu trong nước giảm bởi 2 yếu tố là giảm thuế bảo vệ môi trường và giá dầu thế giới giảm. Thế nhưng các doanh nghiệp cũng chưa thể điều chỉnh được lúc này.

Lý giải về việc chưa điều chỉnh này, theo ông Bằng, nếu như sau Tết Nguyên đán 2022, doanh nghiệp chỉ hoạt động được 10% nay đã đạt được 70- 80%. Thế nhưng, sau 16 lần điều chỉnh xăng dầu, doanh nghiệp chưa một lần tăng giá vé. Bởi bản thân doanh nghiệp vất vả nhưng người dân còn vất vả hơn. Hơn nữa, khi giá xăng dầu giảm 3.000 đồng/lít, ngay đầu tuần kỳ điều hành, xăng dầu thế giới bắt đầu tăng thì kỳ điều chỉnh sau sẽ lại tăng giá.

“Sau mấy năm Covid-19 bị ảnh hưởng, người dân mới được đi chơi, nếu bị đánh tiếp vào hầu bao là không ổn. Doanh nghiệp vẫn đang gồng nhiều chi phí và giá xăng dầu vẫn khó dự đoán nên giá vé chưa thể tăng hay giảm vào thời điểm này. Các doanh nghiệp chưa thể khôi phục bình thường được”, ông Bằng cho hay.

Ông Bằng chia sẻ thêm, mỗi lần điều chỉnh giá vé của doanh nghiệp là cả vấn đề. Làm hạch toán đầu vào, đầu ra gửi lên Sở Tài chính, Giao thông… các đơn vị trả lời đồng ý hay không. Khi được duyệt giá xong phải thông báo mẫu phát hành hóa đơn mới, kể cả vé điện tử, gửi thông báo phát hành hóa đơn. Nhanh mất 1 tuần sau xăng lại điều chỉnh tiếp.

Còn ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, mặc dù giá xăng dầu có giảm, nhưng mức giảm này chưa được như kỳ vọng. Trước nay, câu chuyện điều hành giá xăng như bị “sét đánh ngang tai”, tăng thì tăng phi mã còn giảm thì nhỏ giọt.

Điều quan trọng hiện nay người tiêu dùng, doanh nghiệp đang trăn trở giá xăng làm sao giữ bình ổn không bị lạm phát. Vì nếu xăng tăng, các mặt hàng khác tăng theo sẽ dẫn đến lạm phát.

Riêng với các doanh nghiệp vận tải, các kỳ điều chỉnh xăng dầu trong nước tác động rất lớn. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá cước lại không hề dễ dàng đối với doanh nghiệp vì còn liên quan đến chi phí và việc chấp hành các quy định của nhà nước.

“Theo quy định của nhà nước chúng tôi phải nộp, chạy toàn bộ bảng giá cước khi điều chỉnh. Nếu điều chỉnh giá cước lên 10% thì chúng tôi phải giải trình 10% tăng lên này vì lý do gì và gửi thông báo tới cơ quan quản lý nhà nước ít nhất 5 ngày, sau đó mới được điều chỉnh. Bên cạnh, chi phí cho vận hành điều chỉnh giá cước và toàn bộ chi phí dán tem bảng cước mới lên xe theo quy định... Vì vậy chúng tôi rất mong giá xăng có biên độ điều chỉnh phù hợp với thực tế”, ông Hùng nói.

Minh Trang
Theo Marketimes

Từ khóa: