Sự kiện hot
8 năm trước

Giải cứu 5 dự án đang 'hấp hối' của ngành dầu khí: Không có tiền thì làm được gì?

Ngày 7.7, chủ trì cuộc họp tháo gỡ khó khăn, xây dựng phương án xử lý 5 dự án thuộc ngành dầu khí trong số 12 dự án thua lỗ, phải tạm dừng đầu tư hoặc đóng cửa của ngành Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định: “Trong thời gian tới, nếu các dự án không chuyển biến thì nhân sự phải chuyển biến”.

Bộ Công Thương họp bàn phương án xử lý tồn tại của 5 dự án thua lỗ ngành Dầu khí. Ảnh: Đ.T

Rập rình tháo chạy

Theo Bộ Công Thương, 5 dự án thuộc ngành dầu khí với tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỉ đồng, hiện vẫn đang loay hoay không tìm ra lối thoát bởi những vướng mắc của cơ chế, pháp luật và dòng tiền để tái đầu tư.

Đó là các dự án Xơ sợi Đình Vũ, dự án Ethanlo Dung Quất, dự án Ethanol Phú Thọ, dự án Ethanol Bình Phước, nhà máy đóng tàu Dung Quất.

Dự án xơ sợi Đình Vũ (PVTex) có vốn đầu tư 7.000 tỉ đồng, nhưng lỗ 1.700 tỉ đồng, âm vốn 3.500 tỉ đồng, nợ ngân hàng hơn 400 tỉ đồng không có khả năng trả nợ, và mới đây nhất là đối mặt với quyết định của Tòa án nhân dân quận Hải An (Hải Phòng) về việc phải thi hành án với mức tiền hơn 72 tỉ đồng khiến dự án đang trong cái khó nằm “đắp chiếu” lại càng khó hơn.

Còn 3 dự án Ethanol Dung Quất, Ethanol Phú Thọ, Ethanol Bình Phước, mỗi dự án có vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng, thì hai đang trong tình trạng “hấp hối” chờ khai tử, một dở dang tình trạng “bệnh nan y” vô phương cứu chữa.

Trong khi đó, dự án nhà máy đóng tàu Dung Quất là nhà máy từ Vinashin chuyển về cho Tập đoàn Dầu khí quản lý từ năm 2010 khi Vinashin bên bờ vực phá sản.

Theo báo cáo tài chính, tại thời điểm chuyển giao về PVN (30.6.2010), nhà máy đóng tàu Dung Quất có lỗ lũy kế lên tới 1.235 tỉ đồng và tổng khoản nợ phải trả là 7.440 tỉ đồng, trong đó vay ngân hàng 4.800 tỉ đồng (70% vay bằng ngoại tệ).

Tuy nhiên, một điểm chung giữa các dự án này đều trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” bởi sự vướng mắc về cơ chế “vốn nhà nước” sẽ không được tiếp tục đầu tư để giải cứu những dự án này.

Khẳng định điều này, mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thẳng thắn chỉ đạo “kiên quyết xử lý theo cơ chế thị trường với 2 điểm là tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp và Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, nhà máy.

Kiên quyết xử lý sớm vướng mắc pháp lý của các dự án. Ưu tiên bán dự án, nhà máy cho các nhà đầu tư ngoài nhà nước, cho phép giải thể các dự án không có khả năng, thu hồi tối đa tài sản...”.

Nhìn chung, đại diện các tổ xử lý tồn tại của các dự án đều trong tâm lý sẵn sàng “tháo chạy” khỏi dự án, với cách báo cáo hiện tại, phần nhiều cho thấy họ nghiêng về phương án thoái vốn và chấp nhận phá sản.

Đi cũng dở, ở không xong

Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, “liên quan tới các dự án này, tới nay vẫn chỉ là những thảo luận, báo cáo. Chứ trên thực địa chưa có chuyển biến gì.

Việc khởi động lại các dự án rất khó khăn bởi dòng tiền để triển khai không còn nữa. Ngay cả việc thuê tư vấn định giá tài sản để chuyển nhượng hoặc thoái vốn cũng khó, bởi không có tiền thì chẳng thuê được ai”.

Đại diện các tổ xử lý tồn tại của các dự án cũng đồng loạt kêu khó, bởi không thể vay được vốn ngân hàng do tình trạng thua lỗ nặng nề của các dự án trên, việc lôi kéo các đối tác nước nước ngoài tham gia nhằm khởi động lại dự án cũng rất nan giải bởi có nhiều đối tác đã không còn mặn mà, thậm chí không còn liên hệ nữa.

Thậm chí, giờ muốn giải quyết bằng chuyển nhượng hay phá sản thì tình hình thực tế còn bi đát hơn thời gian trước bởi càng để lâu, chi phí càng tăng lên bởi số tiền duy trì bảo dưỡng nhà máy.

Ngay cả khi rót thêm vốn để tái khởi động, được nhà nước cho cơ chế ưu đãi như khoanh nợ, tác động các doanh nghiệp trong nước bao tiêu sản phẩm… cũng không có gì đảm bảo sẽ có lãi trong tương lai gần.

Bởi vậy, phải nói thẳng, nói thật rằng, hiện tại các dự án này không thể nói có cái tốt mà đều xấu cả, chỉ có thể chọn phương án ít xấu nhất để xử lý mà thôi. Khi Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chất vấn khởi động lại cần chi phí gì, bao nhiêu? Đại diện Tập đoàn Dầu khí báo cáo chưa có con số cụ thể mà cần tính toán lại.

Ông Nguyễn Việt Sơn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng thẳng thắn chỉ rõ, “dự án Ethanol Phú Thọ và nhà máy đóng tàu Dung Quất chắc chắn chỉ còn phương án cho phá sản, bởi càng để lâu thì công trình, tài sản càng trở thành sắt vụn”.

Ông Sơn cũng tham vấn Tập đoàn Dầu khí cần có văn bản chính thức, báo cáo Bộ những khó khăn về cơ chế, hiểu rõ, hiểu đúng về khái niệm “vốn Nhà nước” để giải cứu các dự án trên.

Đồng thời, các dự án cũng phải có báo cáo lộ trình như cần rót thêm vốn thì rót thêm bao nhiêu, xử lý được thế nào, lỗ trong bao lâu, bao giờ có thể sản xuất kinh doanh hiệu quả… và quan trọng nhất là Tập đoàn Dầu khí phải bảo đảm cho các dự án này nếu được rót thêm vốn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Hoàng Quốc Vượng chỉ đạo, đối với các dự án Ethanol Dung Quất, Sinh học Bình Phước, PVTex cần phải thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị là tìm ra phương hướng phù hợp, liên doanh liên kết với đối tác nước ngoài khởi động lại dự án, sau đó dần thoái vốn sau khi đã dự án đi vào hoạt động, có như vậy mới giảm bớt thất thoát tài sản của Nhà nước.

Đối với hai dự án Ethanol Phú Thọ và Nhà máy đóng tàu Dung Quất thì chấp nhận phương án phá sản nhưng phải thực hiện xong các vướng mắc đang tồn tại.

Đức Thành
Theo Lao Động

Từ khóa: