Bên cạnh các giải pháp của bộ NN&PTNT, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành chăn nuôi của Việt Nam cần khắc phục những nghịch lý vẫn tồn tại bấy lâu nay mới có thể giải quyết được tận gốc vấn đề.
Chưa bao giờ người chăn nuôi lại đứng trong tình cảnh khóc dở, mếu dở như hiện nay, khi giá thịt lợn thấp kỷ lục. Trước tình cảnh giá thịt lợn giảm thê thảm, Bộ Nông nghệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã kêu gọi ‘giải cứu’ giá thịt lợn cho người nông dân. Thế nhưng trước khi các biện pháp được thông qua, thị trường trong nước vẫn đang tồn tại những nghịch lý nếu không giải quyết, người nông dân sẽ còn khóc ròng...
Trong khi người nông dân khóc ròng vì giá thịt thấp thì người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao.
Các hộ chăn nuôi trong nước đang “khóc dở, mếu dở” vì giá thịt lợn (heo) giảm thê thảm. Giá thịt đang đứng ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trước tình hình giá thịt lợn giảm sâu, Bộ NN&PTNT trình Chính phủ kế hoạch giải cứu giá thịt lợn. Nguyên nhân được các cơ quan chức năng đánh giá do mất cân bằng cung cầu và thị trường đầu ra bấp bênh.
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), giá thịt lợn hơi giảm mạnh và ở mức thấp do mất cân bằng cung - cầu.
Theo ông Chinh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng dư thừa vẫn là do không chủ động được thị trường, phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Thế nên, khi Trung Quốc ngừng mua, siết chặt việc xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch thì lợn Việt Nam bị ách tắc đầu ra và giá giảm mạnh.
Cùng nhận định, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, cho biết, số lượng thịt nhập về Việt Nam chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng thịt lợn trong nước. Hiện tại đàn lợn của Việt Nam đã lên tới số lượng 29 triệu con. Tính trung bình, cứ 3 người Việt sẽ nuôi 1 con lợn. Bên cạnh đó, ông Vang cũng cho biết, thực tế thì thịt lợn Việt Nam hiện nay chưa chính thức được bán đi nước ngoài theo đường chính ngạch.
Trước đây, lợn chủ yếu được bán sang Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch. Trong năm 2016, Việt Nam đã bán sang Trung Quốc nửa triệu con lợn, tuy nhiên, thị trường kiểu như vậy vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá thịt lợn hiện nay giảm nguyên nhân chủ yếu do một số tỉnh Trung Quốc không nhập khẩu thịt lợn từ Việt Nam khiến nguồn hàng khó tiêu thụ và xuống giá thấp như vừa qua.
Thực tế, câu chuyện phụ thuộc của chăn nuôi hay trồng trọt Việt Nam vào thị trường Trung Quốc đã là câu chuyện “xưa như Diễm”. Tuy nhiên, không hiểu sao câu chuyện này vẫn lặp đi lặp lại nhiều năm. Dù thực tế, như ông Vang cho biết, Việt Nam và Trung Quốc chưa hề có hiệp định chính thức nào về việc mua bán thịt lợn.
Bên cạnh đó, trong khi các giải pháp của Bộ NN&PTNT còn phải chờ Chính phủ phê duyệt, nhiều tồn tại nghịch lý vẫn đang xuất hiện đối với giá thịt lợn trong nước. Trong khi người chăn nuôi đang điêu đứng thì thông tin thịt lợn nhập đổ về với giá siêu rẻ không khác gì cái tát đau đớn cho những người chăn nuôi.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 3, cả nước đã nhập khẩu gần 7.800 tấn thịt lợn các loại. Con số này tăng gần 16% về lượng và 21% về trị giá so với cùng kỳ. Theo giá bình quân, mỗi kg thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam có giá chỉ 27.000 đồng/kg.
Cũng theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2016, lượng thịt lợn các loại được nhập khẩu về Việt Nam đạt 39.400 tấn, trị giá 44 triệu USD. Trong đó, chủ yếu là phụ phẩm sau giết mổ của lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh với giá bình quân 21.000 đồng; thịt lợn tươi giá khoảng 35.900 đồng/kg.
Nếu nhìn vào những con số trên thị trường hiện nay, có thể thấy thịt lợn Việt đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ thịt lợn các quốc gia khác. Bộ NN&PTNT vừa kiến nghị Chính phủ xem xét dừng hoạt động nhập khẩu thịt lợn, lục phủ ngũ tạng về Việt Nam theo hình thức tạm nhập, tái xuất.
|
Sản phẩm đơn điệu, không có tích lũy sản phẩm đang làm người chăn nuôi thêm bấp bênh.
|
Tuy nhiên, theo ông Vang nhận định thì cho số lượng thịt nhập khẩu về Việt Nam chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ so với thị trường trong nước, do đó nếu có tác động cũng không lớn đến giá thịt.
Còn một nghịch lý tồn tại gần như nghiễm nhiên trong các siêu thị hiện nay đó chính là việc người tiêu dùng vẫn phải mua với giá rất cao. Trái với kỷ lục tạo đáy, thịt được bán tại các chợ, theo khảo sát của PV, ở một số siêu thị Hà Nội, giá thịt lợn vẫn dao động trong khoảng 70.000-120.000 đồng.
Lý giải vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú cho biết, để xảy ra tình trạng nghịch lý như vậy có thể thấy rõ ràng rằng hệ thống phân phối của chúng ta đang có quá nhiều vấn đề. Không chỉ thịt lợn, nhiều sản phẩm của người chăn nuôi để ra được siêu thị phải qua quá nhiều khâu trung gian.
Thịt lợn đến được với người tiêu dùng phải qua ít nhất ba khâu trung gian: thương lái, giết mổ và các bà bán thịt ngoài chợ. Các khâu trung gian liên tiếp tiến hành nâng giá, ăn chiết khấu... Do đó người chăn nuôi thì khóc mếu vì giá rẻ, còn người tiêu dùng thì vẫn phải mua giá cao.
Một nghịch lý nữa đang tồn tại trong ngành chăn nuôi nói chung và nuôi lợn nói riêng đó chính là tích lũy. Các sản phẩm tiêu thụ cho ngành chăn nuôi hiện nay vẫn là bán thịt tươi, không có thành phẩm. Ông Phú cho rằng đây chính là nghịch lý tồn tại nhiều năm của ngành chăn nuôi Việt Nam. Không có nước nào có ngành chăn nuôi phát triển nóng như ở ta lại không có các sản phẩm tích lũy. Nếu như khủng hoảng giá thịt lợn như hiện nay qua đi, câu chuyện cũ rất dễ lặp lại là người nông dân bỏ chuồng, giá thịt lợn lúc đó tăng cao nhưng lại không có hàng để bán. Thấy thịt lợn giá cao người nông dân lại ào vào nuôi lợn. Lúc đó bi kịch cũ lại lặp lại.
"Nếu như ta có sản phẩm tích lũy, lúc dư thừa ngành chăn nuôi có thể tích lũy các sản phẩm để cân bằng giá. Tạo ra sự ổn định cho thị trường". ông Phú kết luận.
Song song với kế hoạch “giải cứu” giá thịt lợn trong nước, có lẽ ngành chăn nuôi cùng cần phải giải quyết các nghịch lý tồn tại của thị trường trong nước. Cùng với đó là phải có một chiến lược bài bản hơn để phát triển sản xuất trong nước đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Trần Phương
Theo Người đưa tin