Thực ra việc Hàn Quốc vươn lên chiếm ngôi số 1 trong các thị trường Việt Nam nhập siêu không bất ngờ vì có mầm mống và được cảnh báo từ mấy năm trước, khi quốc gia này áp sát lưng Trung Quốc - đối tác truyền thống giữ ngôi đầu mà nước ta nhập siêu. Và, trong sáu tháng đầu năm 2017, Hàn Quốc đã soán ngôi vị đó của Trung Quốc. Xin thử giải mã hiện tượng này.
Hàn Quốc là nước dẫn đầu về cung cấp linh kiện, phụ tùng ô tô cho Việt Nam với 856,2 triệu đô la Mỹ trong năm qua, tăng 48% so với năm 2015. Ảnh: QUỐC HÙNG
Thực ra việc Hàn Quốc vươn lên chiếm ngôi số 1 trong các thị trường Việt Nam nhập siêu không bất ngờ vì có mầm mống và được cảnh báo từ mấy năm trước, khi quốc gia này áp sát lưng Trung Quốc - đối tác truyền thống giữ ngôi đầu mà nước ta nhập siêu. Và, trong sáu tháng đầu năm 2017, Hàn Quốc đã soán ngôi vị đó của Trung Quốc. Xin thử giải mã hiện tượng này.
Bức tranh so với Trung Quốc
Để giải mã hiện tượng nhập siêu từ Hàn Quốc, trước hết cần có cái nhìn hình dung đặt trong mối liên hệ với thương mại Việt Nam - Trung Quốc.
Hãy nhìn vào biểu số liệu thương mại hai chiều Việt Nam - Hàn Quốc từ năm 2015 đến sáu tháng đầu năm 2017.
Và nhìn vào biểu số liệu thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc từ năm 2015 đến sáu tháng đầu năm 2017.
Theo hai biểu (được lập từ số liệu của Bộ Công Thương) nói trên, khả năng Hàn Quốc sẽ vượt Trung Quốc về nhập siêu vào Việt Nam đã xuất hiện từ trước. Theo đó, trong năm 2015, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 32,378 tỉ đô la Mỹ, từ Hàn Quốc 18,785 tỉ đô la Mỹ, chênh 13,605 tỉ đô la Mỹ. Năm 2016, Hàn Quốc vẫn sau Trung Quốc nhưng khoảng cách ngắn lại. Nhập siêu từ Trung Quốc xuống còn 27,953 tỉ đô la Mỹ, nhập siêu từ Hàn Quốc lại tăng lên, là 20,163 tỉ đô la Mỹ, chênh lệch chỉ còn 7,790 tỉ đô la Mỹ. Nên không bất ngờ khi sáu tháng đầu năm 2017 có sự đảo chiều: nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc thấp hơn Hàn Quốc 1,8 tỉ đô la Mỹ, Trung Quốc nhường ngôi đầu cho Hàn Quốc.
So với sáu tháng đầu năm 2016, trong sáu tháng đầu năm nay, nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc tăng 51,2% trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc chỉ tăng 29,1%.
Nhìn vào số tương đối (%) thì sự “vượt mặt” của Hàn Quốc càng thuyết phục hơn. Trong cùng thời gian so sánh, tỷ lệ Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc luôn cao hơn Trung Quốc. Năm 2015, tỷ lệ nhập siêu với Trung Quốc là 190,7 %, với Hàn Quốc là 209,7%. Năm 2016 với Trung Quốc 128,1% còn với Hàn Quốc 175,1%. Sáu tháng đầu năm 2017, cặp số đó là 109% và 242,1%.
Xuất khẩu không tận dụng FTA được nhiều
Tổng kim ngạch Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc năm 2016 là 11,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 29% so với năm 2015, được góp sức từ hai nhóm hàng chính: công nghiệp và nông nghiệp.
Các mặt hàng công nghiệp đều tăng, song một vài mặt hàng đầu bảng kim ngạch chỉ ở mức độ khiêm tốn, chiếm tỷ lệ vừa phải trong tổng kim ngạch của mặt hàng đó. Điện thoại 2,7 tỉ đô la Mỹ; dệt may 2,3 tỉ đô la Mỹ; điện tử và linh kiện 1,3 tỉ đô la Mỹ... Điện thoại Việt Nam đứng thứ 4/7 các thị trường xuất khẩu chính vào Hàn Quốc nhưng thua xa vị trí số 3 là các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, càng xa số 2 là Mỹ và số 1 là EU.
Những mặt hàng nông, lâm, thủy sản là thế mạnh, hưởng nhiều ưu đãi theo Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam- Hàn Quốc (VKFTA), tuy nhiên kim ngạch vẫn ì ạch. Thủy sản 600 triệu đô la Mỹ, đồ gỗ 575 triệu đô la Mỹ. Năm 2016, xuất khẩu rau quả của Việt Nam thành công lớn với 2,4 tỉ đô la Mỹ nhưng vào Hàn Quốc chỉ có 82,6 triệu đô la Mỹ.
Được biết, năm qua sản lượng thủy sản của Hàn Quốc giảm mạnh, hiện vẫn chưa được cải thiện, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này khá lớn, song hàng Việt Nam không vào được nhiều vì chưa đáp ứng được đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng. Lại thêm, tại Hàn Quốc, thủy sản của Việt Nam bị canh tranh gay gắt chí ít là với 15 đối tác Hàn Quốc cũng có cam kết FTA, rõ nhất là với Ấn Độ, Trung Quốc và ASEAN.
Trong sáu tháng đầu năm 2017, xuất khẩu vào Hàn Quốc không có mặt hàng nào tăng đột biến, mức tăng so với sáu tháng đầu năm 2016 chỉ tương đương như mức tăng của năm 2016 so với 2015 (29,1 % và 29,0%).
Trong khi nhập khẩu ngày càng tăng
Xem xét việc Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc sẽ có nhiều con số đáng quan tâm. Năm 2016, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc 31,676 tỉ đô la, bằng 2,75 lần kim ngạch xuất khẩu.
Hàn Quốc là nước dẫn đầu về cung cấp linh kiện, phụ tùng ô tô cho Việt Nam với 856,2 triệu đô la Mỹ trong năm qua, tăng 48% so với năm 2015, trong khi nhập khẩu toàn bộ mặt hàng này của nước ta chỉ tăng 17,2%. Nhập khẩu thiết bị từ Hàn Quốc đứng thứ hai sau Trung Quốc với 5,84 tỉ đô la Mỹ, tăng 14,1% so với năm 2015, chiếm 20,5% kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này. Nhiều loại thiết bị theo chân các dự án FDI ùn ùn vào vì Hàn Quốc nằm trong tốp dẫn đầu các nhà đầu tư nước ngoài vào ta. Về xơ sợi, Hàn Quốc nằm trong nhóm ba đối tác Trung Quốc - Đài Loan - Hàn Quốc mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất (ba đối tác này chiếm tới 72,6% kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này). Với vải cũng vậy (ba đối tác này chiếm tới 85% kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này).
Hàng tiêu dùng tuy không có số thống kê song “liếc” qua thị trường cũng rõ. Hàng Hàn Quốc không chỉ đầy kệ các siêu thị của Hàn Quốc mà có đường phố, liền cả dãy nhà bán hàng xách tay từ Hàn Quốc. Ban đầu chỉ hấp dẫn giới sành điệu, nay lan sang công chúng bình dân...
So với sáu tháng đầu năm 2016, trong sáu tháng đầu năm nay, nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc tăng 51,2% trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc chỉ tăng 29,1%. Hàn Quốc soán ngôi về nhập siêu là thế!
Còn nhớ, sau khi hai bên ký kết VKFTA, ta tràn đầy lạc quan cho rằng VKFTA tạo xung lực mới cho xuất khẩu, là chiếc đũa thần để thu hẹp thế nhập siêu từ Hàn Quốc, song trước mắt, qua một năm rưỡi, tình thế lại trở nên thế này. Với vấn nạn nhập siêu, lâu nay ta canh cánh lo âu từ Trung Quốc, nay lại thêm từ Hàn Quốc. Xin nhớ, dù nhập siêu từ Trung Quốc đã nhẹ về tỷ lệ phần trăm, song trị giá cũng vẫn là “quả núi”. Khó vẫn đang chồng khó!
Nguyễn Duy Nghĩa
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn