Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: Đến thời điểm hiện nay đã có 59 dự án (D.A) đủ điều kiện vay vốn, với tổng vốn vay là gần 6.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đã có văn bản giới thiệu sang Ngân hàng Nhà nước; 150 khách hàng vay với tư cách cá nhân để mua nhà ở, lượng vốn cho vay 46 tỷ đồng và con số này đang tăng lên từng ngày.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, sau 2 tháng chính thức giải ngân gói 30 nghìn tỷ đồng, các ngân hàng đã cho một số doanh nghiệp (DN) vay như: Cty Cổ phần Tư vấn Thương mại và Dịch vụ Hoàng Quân (TP Hồ Chí Minh) vay 540 tỷ đồng. Cty Cổ phần Vicoland (chủ đầu tư D.A nhà ở xã hội tại Huế) vay 117 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân 34 tỷ đồng. Tại Hải Phòng có 2 D.A đã được vay là D.A khu chung cư An Đồng của Cty PG và D.A nhà ở dành cho người thu nhập thấp Bắc Sơn của Cty Cổ phần Xây dựng và Phát triển đầu tư Hải Phòng (CDI).
Đối với các hộ cá nhân, gia đình, các ngân hàng đã cam kết cho vay 150 khách hàng với số tiền 46,2 tỷ đồng, đã giải ngân được 33,5 tỷ đồng cho 139 khách hàng.
Kết quả trên cho thấy, gói cho vay 30 ngàn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi theo Nghị quyết 02 của Chính phủ nhằm góp phần thúc đẩy phát triển quỹ nhà ở xã hội, chuyển đổi D.A, giải quyết chiến lược nhà ở cho người dân, đồng thời tạo sự chuyển động nhất định cho thị trường BĐS là khá chậm, không đạt được tiến độ đề ra.
Nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân gói 30 nghìn tỷ đồng được Bộ Xây dựng chỉ ra là do việc chuyển đổi các D.A nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để vay vốn ưu đãi tại các địa phương đặc biệt là tại hai thị trường lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chuyển động rất chậm.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, đối với các DN phải có đủ 3 điều kiện: Một là, phải có D.A được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hai là, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ba là, có giấy phép xây dựng, Bộ Xây dựng xem xét rồi gửi danh sách sang ngân hàng đề nghị cho vay. Tuy nhiên, 3 thủ tục trên mới là điều kiện “cần” cho việc vay vốn. Điều kiện “đủ” còn do phía ngân hàng xem xét qua các tiêu chí: DN vay vốn đó có năng lực trả nợ hay không; có vốn đối ứng không; có nợ xấu không... Tất cả những vấn đề này đều được thẩm định trước khi quyết định cho vay, để tránh sự gia tăng nợ xấu, đây là khâu mất nhiều thời gian nhất.
Đối với cá nhân có nhu cầu vay vốn, sở dĩ còn ít trường hợp đủ hồ sơ theo quy định để được vay vốn là do vướng mắc ở khâu xác nhận về tình trạng nhà ở của người đó, hộ đó, có đúng đối tượng được vay vốn ưu đãi mua nhà hay không. Việc này thuộc thẩm quyền của UBND cấp phường, xã. Nếu khâu này không được đẩy nhanh, cộng với các đơn vị xây dựng nhà ở xã hội không bảo đảm khối lượng, không ký được hợp đồng mua nhà thì việc cho vay vốn sẽ chậm lại.
Theo phản ánh của một số DN và người dân, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính rườm rà không cần thiết dẫn đến việc DN và người dân khó tiếp cận được nguồn vốn 30 nghìn tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói 30 nghìn tỷ đồng cho vay BĐS theo tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có một loạt văn bản gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành liên quan tháo gỡ các vướng mắc. Tuy nhiên, các địa phương chưa thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Xây dựng nên tốc độ giải ngân cho các D.A và cho người dân vay mua nhà vẫn chậm. Mới đây, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo T.Ư về chính sách nhà ở và thị trường BĐS cho phép thành lập tổ công tác để kiểm tra công tác thực hiện gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng.
Trần Quý
theo Thanh tra