Hiện nay, nhiều địa phương gặp không ít khó khăn trong vấn đề trùng tu tôn tạo các di tích cổ, làm sao vừa đảm bảo giữ được nguyên trạng giá trị của di tích vừa đáp ứng nhu cầu không gian sống của người dân.
Du khách quốc tế tham quan phố cổ Hội An. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Trong khi đó, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, từ 10 năm qua đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác bảo tồn khu đô thị cổ Hội An, Di sản Văn hóa Thế giới đã được UNESCO công nhận.
Quần thể kiến trúc khu phố cổ Hội An gồm hơn 1.100 nhà cổ và di tích chủ yếu được làm bằng gỗ với niên đại hàng trăm năm, lại nằm trong môi trường khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt nên các di tích có nguy cơ xuống cấp rất lớn.
Từ năm 2009, Thành phố Hội An đã triển khai đề án cho vay 100% vốn đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích trong khu phố cổ, nhờ đó đến nay 46/64 di tích nhà cổ sở hữu tư nhân có nguy cơ sụp đổ đã được trùng tu tôn tạo.
Nhà cổ Quân Thắng, số 77 đường Trần Phú là di tích đặc biệt nằm trong quần thể phố cổ Hội An. Đây là một trong những ngôi nhà cổ đẹp nhất Hội An được xây dựng vào cuối thế kỷ 17. Đây là một điển hình của loại nhà trệt thông hai mặt đường, mang nhiều đặc trưng kiến trúc cổ.
Ngôi nhà đã bị xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay, nửa sau của ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng. Kinh phí để tu bổ công trình này lên tới hàng tỉ đồng, nên dù được Nhà nước hỗ trợ tới 75% thì gia chủ vẫn không đủ vốn đối ứng để tiến hành tu bổ. Vì vậy, ngôi nhà này vẫn là nơi ở của 4 thế hệ với 15 thành viên trong gia đình.
Có tới hơn 80% di tích nằm trong khu phố cố Hội An thuộc sở hữu tư nhân và tập thể. Với những di tích thuộc sở hữu tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chủ di tích chưa thống nhất về kinh phí đối ứng cho việc tu bổ như trường hợp nhà bà Hiền, Thành phố Hội An đã đề ra giải pháp là Nhà nước đầu tư 100% kinh phí tu bổ công trình.
Sau khi hoàn thành sẽ tạm thời quản lý gian nhà trước và tổ chức đấu giá công khai cho thuê mặt bằng nhằm thu hồi phần vốn chủ di tích lẽ ra phải đóng góp.
Sau khi thu hồi đủ sẽ bàn giao lại cho các đại diện chủ sở hữu tính toán phương án quản lý, sử dụng.
Ngoài ra, thành phố Hội An cũng nghiên cứu, đầu tư nghiêm túc các khâu từ nguyên vật liệu, kỹ thuật thi công và thống nhất với chủ di tích để công tác trùng tu tôn tạo đảm bảo giữ được những giá trị cơ bản và chất lượng công trình kiến trúc nguyên gốc.
Bên cạnh đó, Hội An cũng triển khai quyết liệt các giải pháp bố trí tái định cư để giãn dân trong khu phố cổ, song song với định hướng phát triển du lịch bền vững, khôi phục các làng nghề truyền thống và tạo ra các sản phẩm du lịch mới, từ đó tạo nguồn lực chủ động từ phía nhà nước và người dân trong việc đầu tư cho lĩnh vực bảo tồn di sản, để giá trị của Di sản văn hóa Thế giới này mãi trường tồn với thời gian.
theo Vietnam+