Sự kiện hot
4 năm trước

Giải pháp nào hạn chế bất cập đối với hình thức chỉ định thầu trong mua sắm thiết bị y tế?

Trong thời gian qua, trên khắp cả nước, đặc biệt là các cơ sở y tế công lập thực hiện hàng loạt những gói thầu mua sắm thiết bị y tế bằng hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng hình thức này vẫn còn nhiều bất cập...

Ngày 22/4/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội) thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan.

Câu chuyện mua sắm máy xét nghiệm COVID-19 bị thổi giá là hồi chuông báo động về hình thức “chỉ định thầu” và đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần giám sát chặt chẽ hình thức này cũng như có biện pháp xử lý cương quyết, nghiêm minhvới việc trục lợi ngân sách nhà nước để tư lợi.

Giải pháp nào hạn chế bất cập đối với hình thức chỉ định thầu trong mua sắm thiết bị y tế? - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh… phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó, tập trung thanh tra các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế, hóa chất vật tư tiêu hao; nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thời gian gần đây, việc mua sắm máy thở phục vụ trong công tác phòng chống dịch Covid-19 lại tiếp tục khiến dư luận xôn xao.

Quyết định phê duyệt nhà thầu Ánh Sao và nhà thầu Tài Lộc tại bệnh viện Chợ Rẫy
Quyết định phê duyệt nhà thầu Ánh Sao và nhà thầu Tài Lộc tại bệnh viện Chợ Rẫy

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2020 sản phẩm máy thở là thiết bị y tế được các địa phương mua sắm nhiều nhất để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Trong đó, các doanh nghiệp trúng thầu nhiều là Cty TNHH Đầu tư phát triển Tùng Bách, Cty CP Thiết bị y tế Ánh Sao, Cty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật Tài Lộc. Hầu hết các gói thầu đều được công ty thực hiện qua hình thức chỉ định thầu. Ngoài  ra, cùng một sản phẩm nhưng lại có sự chênh lệch về giá.

Đơn cử, Công ty CP Thiết bị y tế Ánh Sao, trúng 30 gói thầu với tổng giá trúng thầu là 15,84 tỷ đồng.

Dòng máy mà Ánh Sao có tần suất trúng thầu nhiều nhất là máy thở xách tay kèm van PEEP 2 bộ dây model Falco 202 EVO, hãng Siare (GE Healthcare), xuất xứ Italia, với 27 gói thầu. Ngoài ra còn có máy thở chức năng cao model Carecape R860, hãng GE Healthcare (Datex Ohmeda Inc.,) của Mỹ, xuất xứ Mỹ.

Đơn giá trúng thầu của Ánh Sao tại các đơn vị mua sắm cũng có sự khác biệt. Đơn cử như máy thở xách tay kèm van PEEP 2 bộ dây model Falco 202 EVO, hãng Siare (GE Healthcare), xuất xứ Italia, giá trúng thầu phổ biến tại các cơ sở y tế của Hà Nội là 480 triệu đồng/cái. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, đơn giá trúng thầu khi mua loại máy này với số lượng 2 cái là 438 triệu đồng/máy.

Đối với máy thở chức năng cao model Carecape R860, hãng GE Healthcare (Datex Ohmeda Inc.,) của Mỹ, xuất xứ Mỹ, đơn giá trúng thầu của Ánh Sao tại các cơ sở y tế tại Bệnh viện Bạch Mai mua 10 cái với đơn giá 640 triệu đồng/cái; Bệnh viện Chợ Rẫy mua 3 cái với đơn giá 850 triệu đồng/cái. Cả hai đơn vị này cùng mua sắm vào cuối tháng 3/2020. Cũng loại máy này, trước đó, vào tháng 1/2020, Bệnh viện Đà Nẵng đấu thầu rộng rãi mua 10 cái với đơn giá 685 triệu đồng/cái...

Nhà thầu Ánh Sao trúng thầu chủ yếu tại Hà Nội. Trong đó có Bệnh viện đa khoa tại 12 quận, huyện và 15 cơ sở y tế khác.

Đối với nhà thầu Tùng Bách, tần suất trúng nhiều hơn với tổng số 35 gói thầu cung cấp máy thở xâm nhập và không xâm nhập (XN&KXN), máy thở chức năng cao, máy thở xách tay kèm van PEEP, 2 bộ dây với tổng giá trúng thầu là 52,845 tỷ đồng. Trong đó, số lượng gói thầu tại Hà Nội mà công ty trúng được tổng cộng giá trị 41,386 tỷ đồng. Trong đó có bệnh viện đa khoa (BVĐK) 15 quận/huyện và 12 BVĐK khác. Còn lại là bệnh viện do các bộ, ngành quản lý nằm trên địa bàn Thành phố (Bệnh viện E, Bệnh viện K, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba).

Ngoài Hà Nội, Tùng Bách còn trúng thầu cung cấp máy thở ở các địa phương khác như: Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình...

Về giá trúng thầu của nhà thầu Tùng Bách cũng có sự chênh lệch, chẳng hạn như: Cùng một dòng máy thở XN&KXN Puritan Bennett 840 Ventilator system, Covidien của hãng Medtronic, xuất xứ Ireland, sản xuất từ năm 2019 trở đi, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình mua 10 cái với giá trúng thầu là 800 triệu đồng/cái, trong khi Bệnh viện Bắc Thăng Long mua 3 máy với giá trúng thầu là 814 triệu đồng/cái.

Quyết định phê duyệt nhà thầu Tùng Bách và nhà thầu Ánh Sao tại BVDK huyện Mỹ Đức
Quyết định phê duyệt nhà thầu Tùng Bách và nhà thầu Ánh Sao tại BVDK huyện Mỹ Đức

Hay cùng mua 1 máy thở model e360C/e360E, Covidien của hãng Medtronic – Mỹ, xuất xứ Ireland, sản xuất từ năm 2019 trở đi (dòng máy thở mà Tùng Bách trúng thầu nhiều nhất), nhiều cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội mua với đơn giá 751 triệu đồng/cái, còn Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc mua với đơn giá 739 triệu đồng/cái...

Xếp sau hai nhà thầu Tùng Bách và Ánh sao, nhà thầu Tài Lộc cũng khá thành công trong lĩnh vực này khi trúng nhiều gói thầu có giá trị lớn tại các cơ sở y tế công lập.

Đơn cử, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Công ty Tài Lộc cung cấp máy thở Model Savina 300, của hãng sản xuất Dragerwerk AG & Co. KGaA sản xuất tại Đức với đơn giá 549 triệu đồng. Tổng giá trị gói thầu 8.235.000.000VNĐ.

Còn tại bệnh viện Bạch Mai Cung cấp máy thở xách tay kèm van PEEP, 2 bộ dây Model  Z Vent ( dòng máy 731 series) của hang sản xuất Zoll Medical xuất xứ tại Mỹ cung cấp với số lượng là 20 cái với tổng giá 9,900 tỉ đồng. Đơn giá 495 triệu/cái.

Ở bệnh viện Trung ương Huế, nhà thầu Tài Lộc cung cấp Máy thở xách tay kèm van PEEP, 2 bộ dây HT70 Plus (HT70PM-SY-EU); Newport-Conviden (Thuộc Tập đoàn Medtronic xuất xứ Ireland với giá 492,9 triệu/cái.

Theo các chuyên gia, việc mức giá khác nhau do liên quan đến cấu hình, đời máy, xuất xứ... Với cùng hệ thống, nhưng có loại thường, loại bán tự động và tự động. Tuy nhiên, nếu sản phẩm cùng thương hiệu, cấu hình và trong thời gian khá sát nhau lại có giá chênh lệch là điều khó hiểu.

Trao đổi với báo chí, TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Chuyên ngành III cho biết: “Thanh tra, kiểm toán sẽ vào cuộc tiến hành hậu kiểm việc mua sắm các gói trang thiết bị y tế sau khi dịch bệnh qua đi. Tuy nhiên, đây là thời điểm cần nêu cao trách nhiệm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh. Chúng ta cũng cần lên án trách nhiệm, đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp trong việc báo giá, nâng giá bán để kiếm lời từ nguồn kinh phí ít ỏi phục vụ phòng chống dịch bệnh".

"Trong lúc cả nước chống dịch, toàn Đảng, toàn quân và từng người dân chung sức chung tay, góp sức chống dịch, mà những cán bộ y tế trực tiếp làm nhiệm vụ mua sắm và doanh nghiệp kinh doanh trang thiết bị y tế lại bắt tay, trục lợi là hành vi không tốt, khó có thể chấp nhận cần xử lý nghiêm”, TS. Lê Đình Thăng chia sẻ.

Huy Đức
Theo KTDU

Từ khóa: