Sự kiện hot
13 năm trước

Giải pháp tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ thông tin (CNTT), các doanh nghiệp được “hưởng lợi” rất nhiều khi kịp thời ứng dụng các giải pháp công nghệ cho việc điều hành công ty. Trong thời điểm kinh tế suy thoái và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay thì đây là một giải pháp nâng cao tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN).

Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ thông tin (CNTT), các doanh nghiệp được “hưởng lợi” rất nhiều khi kịp thời ứng dụng các giải pháp công nghệ cho việc điều hành công ty. Trong thời điểm kinh tế suy thoái và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay thì đây là một giải pháp nâng cao tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN).

Những thách thức của các DNVVN

Nước ta có hơn 500.000 DNVVN, đóng góp hơn 60% GDP hàng năm vào cơ cấu nền kinh tế. Có thể nói, các DNVVN đang chiếm tỷ trọng vô cùng quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế. Song với đặc thù nhỏ gọn, đối tượng này dễ bị tổn thương khi môi trường kinh doanh bất lợi. Trong vài năm trở lại đây, tình hình kinh tế ảm đạm khiến những khó khăn chồng chất lên vai các DNVVN. Theo thống kê, chỉ riêng quý 1.2012, có 2.200 DNVVN phải giải thể và 9.700 doanh nghiệp loại này ngưng hoạt động, nguyên nhân chính do thiếu vốn để sản xuất kinh doanh.

DNVVN là đối tượng có những hạn chế nhất định như thiếu tri thức về ngành, tập trung vào ngắn hạn, đầu tư nhỏ, nhân sự yếu kém. Ngoài ra, các hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng là một nguyên nhân làm cho các DNVVN khó trụ được để tiếp tục phát triển. Những đợt hạ lãi suất cho vay gần đây của chính phủ là những tín hiệu vui, tuy vậy nhìn chung các con thuyền DN vẫn tròng trành trong cơn bão suy thoái.

Câu hỏi đặt ra là làm sao để các DNVVN có thể vượt qua được khủng hoảng để trụ vững trên thị trường? Những nghiên cứu cho thấy, để tồn tại và phát triển, DNVVN phải giải quyết được ba thách thức lớn sau:

1. Phát triển khách hàng mới  

2. Gia tăng doanh thu

3. Tối đa hóa lợi nhuận

Giải pháp ứng dụng CNTT để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ

Một trong những công cụ tối ưu giúp các DNVVN giải quyết được 3 thách thức trên với chi phí hợp lý nhất trong thời điểm hiện nay chính là nhờ vào việc ứng dụng CNTT. Thông qua các công cụ CNTT như website, phần mềm bán hàng, phần mềm quản lý thông tin khách hàng… DNVVN có thể nhanh chóng cung cấp thông tin sản phẩm, tạo ra các dịch vụ mới, sản phẩm mới để tiếp cận một thị trường mới, khách hàng mới hay chăm sóc các khách hàng cũ tốt hơn với chi phí thấp nhất. Cũng thông qua các phần mềm quản lý sản xuất, phân tích giá thành, lợi nhuận… DNVVN có thể tìm ra các chi phí không cần thiết hay các sản phẩm sinh lời cao, từ đó thực hiện việc tối ưu hóa sản xuất, tối ưu hóa công tác quản lý để có thể tối đa hóa lợi nhuận của mình.

Điển hình như mới gần đây Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng kết hợp với Intel thực hiện chương trình mang tên “Doanh nghiệp kỳ diệu” nhằm đưa ra những phần mềm và giải pháp tổng thể, hỗ trợ việc tạo nên những bước đột phá cho việc quản lý và vận hành DNVVN.

Trong chương trình này là các gói phần mềm giải pháp phong phú cho DNVVN bao gồm: phần mềm ký số và giao dịch điện tử, lập sổ sách kế toán theo Luật kế toán, phần mềm dùng để tự in hóa đơn, cổng thanh toán và nộp thuế cho doanh nghiệp, hỗ trợ sao lưu dự phòng, chia sẻ dữ liệu. Với các gói giải pháp này VCCI và Intel thực sự mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tạo nên một nền tảng hoạt động vững chắc và tăng cường hiệu quả kinh doanh trong giai đoạn khó khăn như hiện nay

Tuy nhiên, đáng tiếc là vẫn còn có rất nhiều các DNVVN chưa ứng dụng được lợi ích to lớn của CNTT trong việc phát triển doanh nghiệp. Nguyên nhân là vì hầu hết các DNVVN đều không đủ thời gian để cập nhật các kiến thức CNTT cũng như các tri thức quản trị khác do phải dồn toàn bộ sức lực vào việc sản xuất kinh doanh hàng ngày. Các DN này cũng chưa tiếp cận được các nguồn thông tin tư vấn cần thiết để tham khảo, vì vậy họ không có được các thông tin đầy đủ về việc ứng dụng CNTT cũng như đánh giá được nhu cầu của công ty mình trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm CNTT hiện nay có xu hướng cung cấp các hệ thống CNTT phức tạp hơn so với nhu cầu của các DNVVN, nên việc áp dụng CNTT vào một doanh nghiệp nhỏ là điều khó khả thi. Ngoài ra, sự đánh giá chưa đầy đủ cũng như sự hỗ trợ chưa hiệu quả của các cơ quan lãnh đạo trong lĩnh vực CNTT ở cấp nhà nước đối với nhóm DNVVN cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc chưa khai thác được các lợi thế của CNTT đối với DNVVN.

Thiết nghĩ, để hỗ trợ các DNVVN ứng dụng và khai thác CNTT như một công cụ hữu hiệu giúp gia tăng sức cạnh tranh và tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cần có sự tham gia từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Trước hết, chúng ta nên phân loại các nhóm DNVVN theo đặc thù ngành và quy mô, từ đó quy hoạch, hỗ trợ các nhà cung cấp giải pháp, sản phẩm CNTT xây dựng các gói giải pháp CNTT đặc thù cho từng nhóm DNVVN nhằm khai thác tối đa các lợi thế của các nhóm DNVVN; Xây dựng các kênh thông tin, các diễn đàn, hội thảo… tạo kênh thông tin hỗ trợ ứng dụng CNTT cho các DNVVN; Kêu gọi sự hỗ trợ từ các tập đoàn lớn để xây dựng các quỹ đào tạo, chuyển giao kiến thức CNTT cho các DNVVN.

Bên cạnh đó, chính bản thân các DNVVN cũng cần chủ động tiếp cận, áp dụng của công nghệ thông tin để gia tăng vị thế cạnh tranh của mình. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ của các tập đoàn công nghệ, các nhà cung cấp giải pháp CNTT, các tổ chức chuyên môn ngành và chính phủ cũng rất cần thiết để hỗ trợ DNVVN ứng dụng hiệu quả CNTT vào các hoạt động của mình.

Theo Thanhnien

Từ khóa: