Sự kiện hot
7 năm trước

Giám đốc ảo và công ty ‘sân sau’ của Phạm Công Danh

Phạm Công Danh đã sử dụng chiêu lập các công ty sân sau, hoặc nhờ người quen mượn tên pháp nhân các công ty để đứng tên, làm thủ tục vay tiền.

Ông Phạm Công Danh sử dụng các công ty sân sau đứng tên vay vốn, sau đó rút tiền sử dụng cá nhân Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trong thủ đoạn đi vay tiền, chiếm đoạt tài sản, Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng VN - VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) đã sử dụng chiêu lập các công ty sân sau, hoặc nhờ người quen mượn tên pháp nhân các công ty để đứng tên, làm thủ tục vay tiền.

Số phận của 6 giám đốc "ảo"

Như Thanh Niên ngày 2.8 đã thông tin, từ cuộc gặp gỡ giữa Trầm Bê và Phạm Công Danh ngày 19.4.2013 về khoản vay 1.800 tỉ đồng, tiếp đó chỉ sau 7 ngày làm thủ tục, ông Trầm Bê đồng ý cho giải ngân trước với 6 công ty sân sau của ông Danh, còn các chứng từ sử dụng vốn đầy đủ được bổ sung sau khi giải ngân (!). 6 công ty thành viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh của ông Danh gồm: Công ty TNHH MTV TMDV Nhất Nhất Vinh, Công ty TNHH MTV XD KD nhà Quốc Thắng, Công ty TNHH MTV XDĐTPT địa ốc Bảo Gia, Công ty TNHH MTV XD & KD nhà Đại Long, Công ty TNHH MTV TMDVXD Hương Việt, Công ty TNHH MTV TMDV Thành Thành Công. Thực tế, sau khi giải ngân xong, 1.800 tỉ đồng này đều chuyển vào tài khoản của ông Danh.

Cụ thể, Nguyễn An Vinh (Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Nhất Nhất Vinh) là nhân viên kỹ thuật phim 3D, nhưng Vinh là chồng của Bùi Thị Hà Thu (nhân viên văn phòng của Tập đoàn Thiên Thanh) nên được ông Danh đề nghị đứng tên làm giám đốc.

Thực tế Vinh không có vốn góp thành lập công ty, không quản lý con dấu và giám sát hoạt động của công ty. Trong vụ án này, Vinh ký các thủ tục, giúp sức Phạm Công Danh rút 250 tỉ đồng của VNCB dưới hình thức vay tiền của Sacombank và được ông Danh trả lương tùy theo từng thời điểm, lúc 5 triệu đồng, lúc 10 triệu đồng.

Còn Nguyễn Ngọc Thái (Giám đốc Công ty TNHH MTV XDKD nhà Quốc Thắng) và Nguyễn Hồng Dũng (Giám đốc Công ty TNHH MTV XD & KD nhà Đại Long) đều là nhân viên bảo vệ của Tập đoàn Thiên Thanh, được nhờ đứng tên làm giám đốc, nhiệm vụ chính là ký giấy tờ. Trong việc vay 660 tỉ đồng của Sacombank, Thái và Dũng đã ký hàng chục thủ tục giúp ông Danh vay được tiền. Thái đã nhận 410 triệu đồng, còn Dũng nhận được 150 triệu đồng tiền lương.

Trong khi đó, Lê Duy Lương (Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Thành Thành Công) là nhân viên lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh, đã ký khống hồ sơ vay vốn giúp Phạm Công Danh rút 250 tỉ đồng của VNCB dưới hình thức vay tiền của Sacombank đến nay không có khả năng chi trả. Lương đã nhận lương khoảng 260 triệu đồng.

Công ty TNHH MTV TMDVXD Hương Việt do Nguyễn Thị Kim Vân làm giám đốc, Vân cũng là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh. Công ty Hương Việt không có bất cứ hoạt động kinh doanh nào theo giấy phép kinh doanh. Vân đã ký khống hồ sơ vay vốn giúp Phạm Công Danh rút 300 tỉ đồng. Vân được nhận lương khoảng 300 triệu đồng.

Trong số 6 giám đốc "ảo", bên cạnh các nhân viên lái xe, bảo vệ... chỉ có Lê Đài (Giám đốc Công ty TNHH MTV XDĐTPT địa ốc Bảo Gia) là phó phòng kinh doanh Tập đoàn Thiên Thanh. Tuy đứng tên làm giám đốc nhưng mọi hoạt động của công ty, Đài không được biết đến. Các loại giấy tờ sổ sách của công ty, Đài cũng không biết. Đài đã ký giấy tờ vay vốn giúp Phạm Công Danh rút 340 tỉ đồng, Đài được nhận lương 210 triệu đồng nhờ việc "kêu là ký".

Đa số các bị can đứng tên làm giám đốc công ty sân sau của ông Danh đều khó khăn nên không có tiền nộp khắc phục hậu quả. Hiện 6 giám đốc này đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì đã giúp sức cho ông Phạm Công Danh.

Nhờ 11 công ty quen biết!

Theo kết quả điều tra, tháng 5.2013, Phạm Công Danh chỉ đạo Phan Thành Mai, Phó tổng giám đốc VNCB, tìm cách rút tiền ra khỏi VNCB để chuyển về Tập đoàn Thiên Thanh, Công ty TNHH MTV Trung Dung (gọi tắt Công ty Trung Dung) nhằm có tiền chi “chăm sóc khách hàng” và tăng vốn đầu tư.

Do các công ty được ông Danh thành lập đã đứng tên vay tại các tổ chức tín dụng khác nên không thể tiếp tục vay tiền, vì vậy Mai đã bàn bạc với Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc Công ty cổ phần quản lý quỹ Lộc Việt), nhờ Hà mượn giúp pháp nhân các công ty khác, đi vay tiền TPBank, dùng tiền vay này để mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh, Công ty Trung Dung, VNCB sẽ đứng ra bảo lãnh các khoản vay nói trên.

Bàn bạc xong, Hà đã đi mượn giúp pháp nhân của 11 công ty có mối quan hệ quen thân với Hà trước đó, nhờ giám đốc các công ty này ký hồ sơ, đứng tên trên các khoản vay của TPBank.

Sau đó, Hà đến “đàm phán” với Đặng Thị Bích Thủy (lúc đó là Phó giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp) và Đinh Việt Cường (Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp của TPBank) cùng tìm các doanh nghiệp đứng ra vay vốn ở TPBank để đầu tư trái phiếu tại Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung.

Sau khi bàn bạc, Thủy đồng ý với Cường và sẽ đề xuất cho các doanh nghiệp vay tiền. Đáng chú ý, lãnh đạo 11 công ty vay vốn tại TPBank đều biết rõ ký hồ sơ vay chỉ là thủ tục, tiền vay vốn họ không được tự quyết mà đều chuyển hết cho Tập đoàn Thiên Thanh, Công ty Trung Dung nhưng họ vẫn đặt bút ký. Phạm Công Danh đã rút toàn bộ tiền do các cá nhân này ký vay vốn của TPBank sử dụng hết, đến nay không có khả năng thu hồi, gây thiệt hại cho VNCB.

Cơ quan điều tra cũng xác định các thành viên HĐTD, Ủy ban Tín dụng TPBank, Chủ tịch HĐQT, Phó chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc đã đồng ý phê duyệt cấp tín dụng cho 11 khoản vay của các công ty, khi phê duyệt các lãnh đạo TPBank đã tin tưởng giá trị trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung, đồng thời có tài sản đảm bảo các khoản vay là tiền gửi của VNCB tại TPBank nên đánh giá khoản vay an toàn và quyết định đồng ý. Tuy nhiên, hành vi này thực hiện chưa đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước VN.

Ngọc Lê
Theo Thanh Niên

Từ khóa: