Mặt bằng lãi suất (huy động ngắn hạn dưới 12 tháng tối đa 9%/năm, cho vay 13% đối với các lĩnh vực ưu tiên) đang ở mức hợp lý. Dư địa để điều chỉnh lãi suất thêm nữa không còn nhiều, nếu không muốn nói là đã hết. Tăng trưởng tín dụng bây giờ phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và giải quyết nợ xấu ngân hàng.
Mặt bằng lãi suất (huy động ngắn hạn dưới 12 tháng tối đa 9%/năm, cho vay 13% đối với các lĩnh vực ưu tiên) đang ở mức hợp lý. Dư địa để điều chỉnh lãi suất thêm nữa không còn nhiều, nếu không muốn nói là đã hết. Tăng trưởng tín dụng bây giờ phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và giải quyết nợ xấu ngân hàng.
Phút nói thật
Có lẽ Ngân hàng Nhà nước (NHNN)thấu hiểu hơn ai hết sức ép dư luận đang đổ dồn lên mình khi các tổ chức tín dụng dư thừa vốn, còn doanh nghiệp thì không thể vay tiền với lãi suất vừa sức chịu đựng. Công khai tỷ lệ nợ xấu ngân hàng 10%, minh bạch 180.000 tỉ đồng đã bơm ra thị trường qua ngả mua vào ngoại tệ, 60.000 tỉ đồng phục vụ chương trình nông nghiệp - nông thôn và 30.000 tỉ đồng cứu các tổ chức tín dụng mất thanh khoản là việc cuối cùng phải đến. Tất cả số tiền này đã giúp giảm tỷ lệ cho vay trên vốn huy động (hay còn gọi là hệ số sử dụng vốn) từ mức nguy hiểm 116% xuống 90% và còn cách chuẩn mực mà cơ quan quản lý ngành ngân hàng mong muốn khoảng 10 điểm phần trăm nữa.
Đáng tiếc dòng tiền ra lớn như vậy đã không lan tỏa được vào nền kinh tế vì ngân hàng còn phải lo cho bản thân trước. Khối nợ xấu với số tuyệt đối 12-14 tỉ đô la Mỹ làm cho giá thành đồng vốn đầu vào của ngân hàng đội lên rất cao và cứ sòng phẳng mà trích cho đủ dự phòng rủi ro, hẳn bức tranh lợi nhuận ngân hàng không nhiều gam màu sáng như hiện tại. Các ngân hàng đã tận dụng hiệu quả sự hào phóng trong bơm tiền của NHNN để làm lợi cho chính mình.
Ngay cả khi khối nợ xấu được đặt sang một bên, các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận lãi suất 13%/năm một cách đại trà. Lãi suất tiền gửi mới giảm được ba tháng và cần 4-5 tháng nữa ngân hàng mới trung hòa được lượng vốn huy động lãi suất cao. Thêm từng ấy thời gian, chắc doanh nghiệp phải có thêm nhiều kho bãi để chứa hàng tồn đọng!
Mừng một lo ba
Hệ số sử dụng vốn tụt xuống, nợ xấu đang được tìm cách gỡ, ngân hàng sẽ có điều kiện cho vay và doanh nghiệp khi đã giảm nợ, sẽ bắt đầu chu kỳ sản xuất mới. Đấy là điểm mừng của lãi suất hạ, tiền bơm ra nhiều.
Tuy nhiên mừng một, mà lo tới ba. Một bảng cân đối tài chính đẹp, không còn nợ, không có nghĩa là từ nay doanh nghiệp sẽ tự động làm ăn hiệu quả, sản xuất ra hàng hóa có sức cạnh tranh cao.
Nền kinh tế Việt Nam từ trước đến nay chủ yếu tăng trưởng bằng vốn, không phải bằng công nghệ và vốn một thời gian dài không tạo nên sức bật cạnh tranh cho sản phẩm. Điều này có thể nhìn thấy rõ từ nông sản. Vốn bơm cho nông nghiệp - nông thôn bao giờ cũng ưu đãi, nhưng hàng nông sản chủ yếu vẫn xuất khẩu thô nên số lượng nhiều mà giá trị thu về vẫn thấp.
Vì thế giải quyết nợ xấu phải đi đôi với tái cơ cấu ngân hàng, đẩy nhanh cải cách doanh nghiệp. Nhân tình trạng suy giảm sản xuất, trì trệ của kinh doanh, phải tận dụng ngay "cơ hội" để tái cấu trúc cả hai đầu doanh nghiệp - ngân hàng. Có thể vì tái cấu trúc, trạng thái suy giảm còn kéo dài, cơ thể cần thời gian nhiều hơn để ngấm thuốc, nhưng khi phục hồi là khỏe hẳn, không còn nay yếu mai đau.
Ngành ngân hàng đã bắt đầu đi theo hướng này và NHNN tỏ ra kiên trì dù nhiều ý kiến cho rằng quá trình hợp nhất, sáp nhập chậm chạp. Trong khi đó, cải cách doanh nghiệp hầu như giậm chân tại chỗ vì đụng chạm đến những tập đoàn, tổng công ty nhà nước quá to, quá chủ lực. Với những đối tượng tầm cỡ này, giải quyết nợ là không đủ. Thay đổi quản trị, tầm nhìn mới là vấn đề tâm gan.
Với thực trạng như vậy, giảm lãi suất là liều thuốc hạ sốt, cần thiết, nhưng không thể dùng quá liều, trong khi tác dụng phụ của nó lại không thể không cân nhắc. Có những kiến nghị lãi suất phải giảm thêm 1% nữa, thậm chí 2-3% vì nhìn lại quá khứ, đầu những năm 2000, lãi suất tiền gửi chỉ 5-7%/năm. Người ta dường như đã quên sự đầu cơ của nền kinh tế hiện nay tăng hơn trước nhiều và nó len lỏi vào khắp mọi ngóc ngách.
Có thể vì người dân chưa có nhiều kênh đầu tư, nên lãi suất thấp họ vẫn gửi tiết kiệm? Suy diễn kiểu đó dễ dẫn tới sai đường. Sự đầu cơ đã trỗi dậy mạnh kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, đặc biệt trong năm 2009-2010 khi giá vàng biến động, lãi suất tiền đồng không hấp dẫn và ngoại tệ có sức hút riêng. Niềm tin vào sự ổn định của tiền đồng mới chỉ nhú mầm. Nay lãi suất hạ, niềm tin ấy sẽ chịu tác động ít nhiều. Trước tháng 10 năm ngoái, lãi suất tiết kiệm còn thỏa thuận 17-19%/năm (dù vẫn tồn tại trần). Từ tháng 10-2011 đến đầu tháng 3-2012 nó ở mức 14%/năm và nay là 9%/năm. Chưa đầy chín tháng, lãi suất tiền gửi giảm hơn 35%. Đừng nói người dân không tính toán khi mức sinh lời của tài sản giảm hơn một phần ba!
Bài toán giữ ngoại tệ, vàng hay tiền đồng thêm một lần sẽ được đặt ra. Lãi suất huy động đô la Mỹ tối đa chỉ 2%/năm, nhưng hiện một số ngân hàng vẫn lách, lên tới 3-5% tùy số tiền gửi. Cộng thêm sự linh hoạt của tỷ giá có thể diễn ra từ nay đến cuối năm 2-3% nữa, chênh lệch lãi suất tiết kiệm đô la Mỹ - tiền đồng hẹp lại còn tầm 2%/năm - mức độ đủ làm cho sự kiên định giữ tiền đồng bị ảnh hưởng.
Lãi suất là quan trọng, nhưng tầm quan trọng của tỷ giá không thể đặt dưới. Vì thế sẽ là quá đà nếu dồn lên lãi suất tất cả sức nặng của tăng trưởng tín dụng. Xử lý hài hòa các yếu tố để tín dụng dương, khơi dậy sức hấp thụ vốn đòi hỏi cả gói giải pháp tổng thể. Những bài học quá khứ nặng lãi suất, nhẹ tỷ giá hay ngược lại chưa thể mất đi giá trị của chúng!
Theo TBKTSG