Sự kiện hot
12 năm trước

Giảm lãi suất ngân hàng chỉ tác động tâm lý?

Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) giảm lãi suất cơ bản lúc này có thể đem lại một số hỗ trợ về mặt tâm lý, tuy nhiên tác động thực tế sẽ không đáng kể khi cả khu vực công và tư nhân đều đang trong quá trình giảm nợ vay triệt để.

Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) giảm lãi suất cơ bản lúc này có thể đem lại một số hỗ trợ về mặt tâm lý, tuy nhiên tác động thực tế sẽ không đáng kể khi cả khu vực công và tư nhân đều đang trong quá trình giảm nợ vay triệt để.

Đây là nhận định của ngân hàng HSBC sau khi NHNN thông báo cắt giảm lãi suất và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 26/3/2013. Theo đợt cắt giảm mới, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 9% xuống 8%; tái chiết khấu từ 7% xuống 6%. Trần lãi suất huy động tiền đồng giảm từ 8% xuống 7,5%.

Theo HSBC, động thái giảm lãi suất lần này phản ánh những nỗ lực của NHNN để hỗ trợ nền kinh tế mặc dù chỉ mang lại hiệu quả về mặt tâm lý hơn là thực tế. Thống đốc Nguyễn Văn Bình gần đây phát biểu rằng ông muốn các ngân hàng hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ các lĩnh vực kinh doanh đang suy yếu, và Thống đốc tin rằng nợ xấu và lãi suất cho vay cao là những rào cản chính mà các doanh nghiệp đang phải chịu đựng từ nền kinh tế phát triển chậm chạp.

Đối với vấn đề nợ xấu, gần đây Chính phủ đã cho biết về việc thành lập một công ty quản lý tài sản (AMC) vào cuối tháng 3 do NHNN quản lý. AMC có thể có số vốn ban đầu là 4,78 triệu đô la Mỹ để mua các khoản nợ xấu trong hệ thống (ước tính vào khoảng 11,2 tỷ đô la Mỹ dựa trên số liệu của NHNN về tỷ lệ nợ xấu 8,6%) từ các tổ chức tín dụng, thông qua việc phát hành chứng khoán. Việc cắt giảm lãi suất chính sách từ 26/3 là để góp phần giải quyết vấn đề lãi suất cho vay cao.

Tuy nhiên, SHBC nhận định, cả công ty quản lý tài sản AMC và việc giảm lãi suất có thể chỉ mang lại hiệu quả về mặt tâm lý chứ không tác động đáng kể đến nhu cầu nội địa. Chi tiêu và đầu tư công giảm phản ánh ưu tiên của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô vốn đòi hỏi giảm chi tiêu vào những dự án đầu tư công lãng phí cũng như giảm hỗ trợ đối với các doanh nghiệp Nhà nước kém hiệu quả. Chính phủ có thể duy trì chính sách này, có nghĩa là không bơm tín dụng giá rẻ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp kém hiệu quả. Tiêu dùng tư, trong khi giảm do lãi suất cao, cũng sẽ tiếp tục giảm do các cá nhân và doanh nghiệp tìm cách trả bớt nợ. Lãi suất qua đêm tương đối thấp cũng như tăng trưởng nhập khẩu yếu phản ánh nhu cầu nội địa trì trệ.

Lạm phát tháng 3 giảm đáng kể là nhờ vào giá lương thực thực phẩm giảm nhưng lạm phát cơ bản vẫn còn tăng. Trong vòng ba tháng tới, lạm phát toàn phần có thể sẽ tăng tới 7%. Nếu các áp lực cơ bản vẫn còn cao và nhu cầu nội địa đang có dấu hiệu hồi phục do điều kiện tín dụng sáng sủa hơn, dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng trưởng tốt, doanh thu bán lẻ được cải thiện nhờ các biện pháp giảm giá và thu nhập tăng từ xuất khẩu thì áp lực lạm phát đang trên đà tăng.

Rủi ro từ nới lỏng tiền tệ

Mặc dù đánh giá về đồng Việt Nam đã trở nên lạc quan hơn, nhưng HSBC cũng lưu ý những rủi ro từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Việc cắt giảm lãi suất mới nhất cũng bao hàm rủi ro tiền đồng có thể tăng giá dù là khá nhẹ. Rủi ro này tới từ hai kênh là cán cân thương mại và dòng tiền gửi nội địa.

Cán cân thương mại đã được cải thiện trong năm vừa qua, góp phần cải thiện cán cân vãng lai và hỗ trợ tiền đồng. Tăng trưởng nhập khẩu đã giảm nhẹ do tăng trưởng tín dụng và chính sách tiền tệ bị thắt chặt. Nếu chính sách tiền tệ chuyển qua hướng tích cực thúc đẩy cầu nội địa thì cán cân thương mại sẽ bị áp lực thêm khi hoạt động nhập khẩu bắt đầu phục hồi.

Về dòng tiền gửi nội địa, vấn đề chính là lãi suất huy động mà người dân Việt Nam đang nhận và niềm tin của những nhà đầu tư nội địa vào tiền đồng. Với lãi suất huy động giảm từ 9% vào tháng 12 năm ngoái xuống 7,5% như hiện nay, một vài nhà đầu tư nội địa sẽ xem xét lại danh mục tài sản của mình. SHBC cho rằng, mặc dù vẫn có chênh lệch lớn về lãi suất (ví dụ, trần lãi suất đô la Mỹ là 2%), nếu các nhà đầu tư dự đoán sẽ có cắt giảm lãi suất huy động thêm nữa, chúng ta sẽ thấy việc gửi tiền đồng sẽ có dấu hiệu chuyển đổi ngày càng tăng. Điều này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu những quan ngại về tiền đồng giảm giá lại trỗi dậy.

Báo cáo của HSBC cũng nêu, vào thời điểm này tiền đồng sẽ không tiếp tục giảm giá. NHNN gần đây đã cam kết không giảm giá tiền đồng và cũng đã trích lập một khoản dự trữ ngoại hối lớn hơn để có thể xử lý trong trường hợp có áp lực giảm giá. Nhưng nếu lãi suất tiếp tục bị cắt giảm, những lo ngại về tính ổn định của đồng tiền sẽ nổi lên khiến tiền đồng chịu nhiều áp lực hơn.

Tăng trưởng chậm lại phản ánh ưu tiên của Chính phủ đối với tăng trưởng bền vững cũng như quá trình giảm nợ vay của khu vực tư nhân - một thực tế sẽ mất vài năm để khôi phục. Vì áp lực lạm phát đang trên đà tăng trên cơ sở nền kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục mặc dù còn chậm, sẽ khó có thêm đợt cắt giảm lãi suất nào trong quý II/2013. Với một hiệu ứng cơ bản tốt có thể diễn ra vào quý III, Chính phủ có thể cân nhắc giảm lãi suất vào giai đoạn sau đó.

Dương An
theo VnMedia

Từ khóa: