Cuối cùng, một đòi hỏi bức thiết của DN sản xuất kinh doanh là “được giảm lãi suất cho những món nợ cũ” đã được giới ngân hàng đáp ứng sau khi Thống đốc NHNN yêu cầu từ ngày 15/7/2012 các NHTM phải có quyết định hạ lãi suất các món vay cũ xuống dưới 15%/năm.
Cuối cùng, một đòi hỏi bức thiết của DN sản xuất kinh doanh là “được giảm lãi suất cho những món nợ cũ” đã được giới ngân hàng đáp ứng sau khi Thống đốc NHNN yêu cầu từ ngày 15/7/2012 các NHTM phải có quyết định hạ lãi suất các món vay cũ xuống dưới 15%/năm.
Chờ đợi và hoài nghi
Tuy nhiên, làm sao để cộng đồng DN hưởng được ưu đãi này cũng là chuyện không đơn giản… Bởi có một điều chắc chắn, ngân hàng sẽ không giảm vô điều kiện. Vì thế, không phải DN nào muốn cũng được giảm lãi suất nợ cũ.
Qua tìm hiểu một số NHTM, chúng tôi được biết dù sẵn sàng tuân thủ theo yêu cầu của NHNN để tiến tới thực hiện vấn đề này, giới ngân hàng vẫn bắt buộc phải tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản: ngân hàng không thể miễn giảm lãi suất đối với những doanh nghiệp (DN) đang nợ quá hạn, tài sản thế chấp không đảm bảo tính pháp lý.
Hơn thế, để có thể giảm các món nợ cũ về mức dưới 15%/năm, sắp tới ngân hàng sẽ phải cắt giảm chi phí vận hành, chi phí vốn, tìm cách tăng thu nhập từ dịch vụ… Đó là chưa kể tới một nguyên do cơ bản nhưng vì “tế nhị” nên các NHTM ít đề cập đến: đối với các món vay cũ, bản thân ngân hàng cũng phải huy động với lãi suất cao (có khi trên cả 15%/năm) nay cho hạ lãi suất dưới 15% thì ai bù lỗ cho họ?
Ông Nguyễn Việt Hải, giám đốc một công ty chuyên về ngành xây dựng, có trụ sở tại quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: sau khi có thông tin này, đơn vị đã điện xuống hỏi một số NHTM nhưng được phản hồi là cần phải đợi!
Nhưng ông không tin rằng các món nợ cũ của đơn vị lại được hưởng lãi suất về dưới 15%/năm khi bản thân các món vay mới của công ty ông trong thời gian gần đây vẫn phải chịu mức lãi suất ngất ngưởng là 18,5%/năm. Tuy nhiên, ông Hải thắc mắc: Ai chẳng biết trước đây các NHTM cũng phải huy động vốn với lãi suất cao để cho vay cao, nhưng mấy tháng nay lãi suất huy động đã lùi về mức thấp (9%), việc giảm lãi suất cho các món vay mới và cũ cũng là điều hoàn toàn nằm trong khả năng có thể của các ngân hàng thương mại...
Trong khi đó, ông Trịnh Ngọc Sơn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CPTM Nghệ An cho biết: “Đây là một thông tin đáng phấn khởi cho cộng đồng DN trong bối cảnh hiện nay bởi với việc giảm lãi suất cho vay cho các khoản nợ cũ đương nhiên sẽ giúp DN giảm chi phí để trả nợ các món cũ và vay món mới để sản xuất kinh doanh”.
Đơn vị của ông Sơn thường chỉ vay các khoản vốn ngắn hạn và trả ngay sau khi hoàn thành các thương vụ mua bán nên hầu như không có khoản nợ cũ nào. Tuy không trực tiếp được hưởng lợi từ chính sách mới của ngân hàng nhưng theo ông Sơn, về gián tiếp đơn vị cũng được hưởng lợi từ các đối tác làm ăn với đơn vị, hay các DN vệ tinh cung ứng hàng hóa phân phối sản phẩm. Các đơn vị này được giảm gánh nặng lãi suất đương nhiên cũng sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực đối với công ty trong thanh toán hàng hóa, tránh được tình trạng ứ đọng vốn trong lưu thông, sản xuất…
Khó dễ tùy thuộc ngân hàng
Tuy nhiên, đến nay, cả giới ngân hàng và bản thân cộng đồng DN sản xuất kinh doanh vẫn chung nhận định: lãi suất không phải là khó khăn lớn hiện nay vì nhiều ngân hàng sẵn sàng cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp. Vấn đề là giải quyết khó khăn trong khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp.
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhìn nhận: Có thể nói, việc hạ lãi suất các món vay cũ là một sáng kiến rất hay của Thống đốc NHNN. Tuy nhiên, thực hiện được hay không thì còn tùy vào các NHTM, vì đây chỉ là một yêu cầu mang tính “hành chính”. Vì thế, NHNN không có cơ sở pháp lý nào để buộc các NHTM phải thay đổi các hợp đồng vay mượn mà các NHTM và các DN đã ký kết trước đây.
Ông Thành lý giải: “Đó là chưa kể tới những trường hợp các hợp đồng vay mượn này thường khá phức tạp, ngoài các điều khoản cam kết về lãi suất cho vay còn có những điều khoản khác ví như cam kết nộp phạt khi chậm thanh toán... Trong trường hợp này, không còn cách nào khác, các NHTM và các DN phải ngồi lại với nhau xem xét những hợp đồng cũ đã ký kết để có thể thương thảo và đồng thuận với nhau về việc sẽ hạ lãi suất vào thời điểm nào, với món nợ nào và mức hạ là bao nhiêu”.
Những giải pháp có thể đưa ra sau những cuộc trao đổi này là có thể ký kết những hợp đồng vay mới để DN có thể trả nợ cũ hay thảo luận để cho vay thêm từ những món nợ cũ được giảm lãi suất. Tất cả đều phụ thuộc vào thiện ý của ngân hàng, còn DN không dễ có phản ứng nào”.
Cũng theo ông Thành, nếu NHTM và DN đồng thuận được với nhau thì sẽ có những ích lợi từ nhiều phía: DN thì bớt được gánh nặng lãi suất, ngân hàng thì tìm ra phương thức để giải quyết nợ xấu và nền kinh tế sẽ tránh được những “cục máu đông” gây tắc nghẽn. Tuy nhiên, hiệu quả của việc gặp gỡ này ra sao phụ thuộc rất nhiều vào những giải pháp mang tính sáng tạo của giới ngân hàng và cộng đồng DN sản xuất kinh doanh, chứ không chỉ phụ thuộc vào những “yêu cầu” của cơ quan chủ quản là NHNN.
Tuy nhiên, ông Thành cũng cho rằng việc chính của cơ quan điều hành thị trường tiền tệ là NHNN cũng như các NHTM không chỉ là tập trung vào việc giải quyết các món nợ xấu, nợ cũ mà quan trọng hơn còn là tạo nên những kênh dẫn vốn mới cho nền kinh tế và cộng đồng DN sản xuất kinh doanh. Để qua đó, họ có thể phá băng được những khoản nợ cũ, đồng thời cộng đồng DN vẫn có thể có thêm những đồng vốn mới có mức lãi suất ưu đãi để vận hành và sản xuất kinh doanh trong hiện tại và lâu dài
Tâm Thời
Theo Vietnamnet