DN vốn ít, nhưng vay lãi nhiều và không có khả năng đóng thuế... đang khiến ngành thuế đứng trước nguy cơ thất thu lớn. Tuy nhiên, đối với DN, thay vì đánh 25%, nên giảm xuống còn 20% là hợp lý.
DN vốn ít, nhưng vay lãi nhiều và không có khả năng đóng thuế... đang khiến ngành thuế đứng trước nguy cơ thất thu lớn. Tuy nhiên, đối với DN, thay vì đánh 25%, nên giảm xuống còn 20% là hợp lý.
Đề xuất này được các chuyên gia cảnh báo tại hội thảo "Xu hướng cải cách thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp ở các nước và tác động" do Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
"Vốn mỏng" bào mòn lợi nhuận
Chuyên gia thuế quốc tế ông Ved P.Gandhi nêu thực tế, tại hầu hết các nước châu Âu và châu Á trong những năm gần đây bắt đầu lo ngại chiêu "trốn thuế" theo cách tận dụng "vốn mỏng" của các DN. Xu hướng này đang bắt đầu nhen nhóm tại Việt Nam, khi số DN vốn ít, nhưng bằng cách này cách khác vay lãi nhiều, càng vay nhiều thì số lãi DN phải trả càng tăng. Đáng nói, số lãi vay này của DN lại được tính vào chi phí được khấu trừ khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), đồng nghĩa số thuế DN phải nộp sẽ giảm đi. "Kẽ hở này đang khiến ngân sách Nhà nước thất thu một khoản đáng kể" - ông Gandhi thẳng thắn.
Thừa nhận thực tế này, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam bày tỏ, đã đến lúc Việt Nam cần áp dụng quy định về "vốn mỏng", thức là quy định cụ thể tỷ lệ vay vốn trên vốn chủ sở hữu của các DN. Đồng thời, cần bổ sung quy định đối với khoản chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh tối đa được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
"Có thể quy định không vượt quá năm lần vốn điều lệ hay dựa trên cơ sở nào đó để bảo đảm phù hợp với thực tế và cơ quan quản lý có thể kiểm tra, kiểm soát được" - bà Cúc đề xuất.
Giảm ngay thuế TNDN về 20%
Đối với thuế TNDN, Chủ tịch hội tư vấn thuế cũng cho rằng, thay vì đánh 25%, giảm xuống còn 20% là hợp lý. Trong khi DN cho nhau vay, công ty vay thì chịu thuế 10%, nhưng khi tổ chức tín dụng cho vay thì không phải chịu thuế. Hay điều kiện khấu trừ thuế với hàng trả chậm rất bất cập.
"Cần cải cách chính sách thuế và quản lý theo hướng đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế cho ngân sách Nhà nước" - bà Cúc nói.
Cho rằng việc giảm ngay thuế TNDN về 20% là bức thiết trong bối cảnh DN trăm bề khó khăn hiện nay, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói: "Nếu thuế suất cao sẽ làm DN mất động lực tạo lợi nhuận cũng như DN không còn chi phí để tái đầu tư, lại phải quay ra vay ngân hàng. Trong trường hợp này, Nhà nước sẽ thiệt vì không thu được nhiều thuế TNDN".
Còn ông Ved P.Gandhi thì cho rằng, trong khi một số nước phát triển tại châu Âu thường hạn chế ưu đãi thuế TNDN vì gây méo mó và DN lợi dụng kẻ hở thì tại Việt Nam lại áp dụng các biện pháp giảm thuế đối với một số ngành nghề đặc biệt.
Do đó, theo vị chuyên gia này Việt Nam cần có ngay những cải cách về thuế TNDN như: không hạn chế các khoản chi sản xuất kinh doanh được trừ, hợp lý hóa ưu đãi thuế.. để có thể phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo Infonet