Sự kiện hot
12 năm trước

Giám sát cơ chế để ngăn chặn tham nhũng tiền tỉ

Tại Hà Tĩnh, ngày 4-12, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức hội thảo hoàn thiện cơ chế giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

Tại Hà Tĩnh, ngày 4-12, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức hội thảo hoàn thiện cơ chế giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.


PGS.TS Nguyễn Thanh Hải: số vụ tham nhũng được phát hiện và xử lý là rất nhỏ và hoàn toàn không tương xứng với thực tế - Ảnh: Lê Kiên

Nhiều đại biểu Quốc hội có chung nhận xét công tác giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng là khâu yếu trong hoạt động của Quốc hội, nhiều cuộc giám sát lớn nhỏ đã được tiến hành nhưng không truy đến cùng để làm rõ sai phạm và trách nhiệm.

Giám sát chưa “thiêng”

Theo quy định của pháp luật, Ủy ban Tư pháp có chức năng giám sát công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Nhưng theo ông Lê Mạnh Hùng - Viện Khoa học xét xử (TAND tối cao), hoạt động giám sát của Ủy ban Tư pháp còn dàn trải, chưa đi vào chiều sâu, nhất là trong giám sát khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được dư luận đặc biệt quan tâm.

“Nhiều vụ án lớn gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước nhưng không phát hiện hành vi tham nhũng, hoặc ban đầu khởi tố điều tra về hành vi tham nhũng nhưng sau này lại chuyển sang các tội danh khác nhẹ hơn như cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là tình trạng làm nhân dân bất bình, bức xúc, nhiều đại biểu Quốc hội phản ứng nhưng công tác giám sát chưa làm rõ, cụ thể hóa trách nhiệm” - ông Hùng nói.


TS Phạm Ngọc Kỳ: đại biểu Quốc hội không có trình độ và bản lĩnh thì không thể giám sát được - Ảnh: Lê Kiên

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải - ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng - cho rằng mọi người chỉ hay chú ý các vụ án lớn như Vinashin, Vinalines nhưng ít nghĩ tới tham nhũng trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục bởi coi đó là tham nhũng nhỏ.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga:

Không ngạc nhiên “cảnh sát giao thông tham nhũng nhiều nhất”

Vừa rồi, một báo cáo đã đánh giá cảnh sát giao thông là một trong bốn lĩnh vực tham nhũng nhiều nhất. Tôi cho rằng khảo sát và đánh giá này không làm dư luận ngạc nhiên vì ai cũng có thể nhìn thấy tình trạng đó. Nhưng ông Trần Đức Lượng - phó tổng Thanh tra Chính phủ - nói rằng đánh giá đó chỉ mang tính chất tham khảo.

Vì phát ngôn này, ông Nguyễn Văn Tuyên - cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - có phát biểu gây xôn xao dư luận rằng “cảnh sát giao thông chỉ nhận dăm, ba chục, một vài trăm ngàn đồng mà gọi là tham nhũng thì không thỏa đáng. Đây chỉ là tiêu cực chứ không thể nói là tham nhũng”.

Giới luật học đã thấy sốc trước phát biểu của ông Tuyên.

Bà Hải cho rằng tham nhũng ở các lĩnh vực này tuy không lớn nhưng xảy ra khá phổ biến, trong khi đó báo cáo tổng kết năm năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng của Bộ Giáo dục và đào tạo thì chỉ có 23 vụ việc được phát hiện, xử lý. Báo cáo của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cho thấy trong năm năm đã phát hiện và thu hồi cho ngân sách nhà nước hơn 340 triệu đồng, xử lý kỷ luật hành chính bảy cá nhân. “Có thể nhận thấy số vụ tham nhũng trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục được phát hiện, xử lý là quá nhỏ và hoàn toàn không tương xứng với thực tế” - bà Hải nhận xét.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền dẫn ra ví dụ cụ thể tại khóa XII, Quốc hội tổ chức giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhưng không phát hiện sai phạm, điều trớ trêu là gần như ngay sau đó lại phát hiện các vụ Vinashin, Vinalines.

“Nếu giám sát không tốt thì kết quả giám sát lại để tráng men, hợp thức hóa các sai phạm, tham nhũng. Giám sát không làm thay các cơ quan chức năng trong đấu tranh phát hiện, xử lý tham nhũng nhưng phải góp phần chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan này” - ông Quyền bình luận.

Ông Quyền đề nghị báo cáo giám sát của các ủy ban của Quốc hội không nên kết luận chung chung, giám sát phải chỉ ra những vấn đề cụ thể và phải giám sát cả những vụ việc cụ thể để “truy kích” đến cùng.

Đói thông tin

Đề cập những khó khăn của công tác giám sát, ông Nguyễn Thanh Hồng, ủy viên Ủy ban Quốc phòng - an ninh, cho biết: "Là đại biểu Quốc hội nhưng chỉ yêu cầu cung cấp thông tin cũng gặp khá nhiều rào cản về thủ tục hành chính, rồi về quy định bí mật nhà nước. Không ít cơ quan, đơn vị đã né cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không trung thực cho đại biểu Quốc hội".

TS Phạm Ngọc Kỳ - Văn phòng Chủ tịch nước - cho rằng muốn có cơ chế chống tham nhũng hoạt động hiệu quả phải quan tâm đến con người. Đó là bản thân các đại biểu Quốc hội, các cơ quan phục vụ của Quốc hội. Giám sát phát hiện, xử lý tham nhũng là giám sát những người có chức có quyền, nếu đại biểu không có bản lĩnh và trình độ thì không làm được. TS Kỳ cảnh báo tham nhũng nhiều nhất là từ chính sách, pháp luật, vì những kẽ hở của nó đã làm phát sinh cơ chế xin - cho.

“Tham nhũng từ người dân chỉ vài triệu, tham nhũng từ cơ chế mới có tiền tỉ, nhiều tỉ. Như vậy giám sát trước hết là giám sát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và quá trình thực hiện nó, phát hiện những kẽ hở để bịt lại” - ông Kỳ nói.

Lê Kiên
theo TTO

Từ khóa: