Việc đánh thuế kinh doanh trên mạng đang là một đề tài nóng, không chỉ riêng ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Các thượng nghị sĩ Enzi, Durbin, Alexander và Heitkamp cuối tháng 4 vừa qua đã trình Quốc hội Mỹ bản dự luật mang tên “Marketplace Fairness Act of 2017” theo đó mở đường cho các chính quyền địa phương được thu thuế nơi người kinh doanh trên mạng theo tinh thần một đạo luật đã được Thượng viện thông qua hồi năm 2013.
Việc đánh thuế kinh doanh trên mạng đang là một đề tài nóng, không chỉ riêng ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Ảnh minh họa.
Bản dự luật “Marketplace Fairness Act of 2017” nhắm đến việc cho phép các chính quyền địa phương tính thuế, thu thuế và sử dụng tiền thuế từ các hoạt động kinh doanh trên mạng Internet theo tinh thần dự luật đã được thông qua hồi năm 2013 mà không cần phải chờ ý kiến của Washington. Thông tin trên tờ The Economist, các nhà phân tích cho rằng đây là một bước tiến mới nhằm định hình một thị trường kinh doanh trên mạng có trách nhiệm, sòng phẳng, quy củ như những gì đang áp dụng cho các siêu thị, cửa hàng hay cửa hiệu trong thực tế.
Xuất phát từ yêu cầu công bằng của thị trường
Hằng năm nền kinh tế Mỹ bị thất thu thuế từ các hoạt động kinh doanh trên mạng lên đến con số kỷ lục, mà theo những người soạn thảo “Marketplace Fairness Act of 2017” thì vào khoảng 26 tỉ đô la Mỹ. Trong bản dự luật, Thượng nghị sĩ Enzi cho rằng hàng ngàn doanh nghiệp kinh doanh thực thể đang chịu bất công vì họ phải đóng thuế, còn những công ty bán hàng trên mạng thì không. “Với việc bảo đảm cho các nhà bán lẻ trên mạng cũng chịu mức thuế tương đương như các doanh nghiệp địa phương, Marketplace Fairness Act of 2017 đưa ra các biện pháp giúp cho các doanh nghiệp nhỏ, vốn là nơi tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội, có các công cụ hữu hiệu để cạnh tranh thành công,” theo lời Thượng nghị sĩ Durbin.
Trao đổi với báo giới, Thượng nghị sĩ bang Tennessee, ông Alexander tin tưởng rằng Thượng viện sẽ thông qua dự luật mới này với số phiếu thuận cao hơn cả lúc thông qua đạo luật năm 2013. “Marketplace Fairness Act of 2017 nhắm đến sự công bằng và tính trung thực trong môi trường kinh doanh trên Internet, và ở đó chỉ có chính quyền địa phương ra quyết định thu thuế hay không thu thuế đối với những khoản thuế đã được luật định cho bang mình”. Thượng nghị sĩ Heitkamp, người từng phụ trách việc thu thuế tại bang North Dakota, mong muốn rằng “sẽ không có doanh nghiệp địa phương nào tại North Dakota phải đóng cửa vì sự bất công về thuế làm cho năng lực cạnh tranh của họ bị suy giảm so với các công ty kinh doanh trên Internet.”
Về căn bản, Marketplace Fairness Act of 2017 nhằm mở đường cho chính quyền các tiểu bang được quyền áp hay không áp thuế đối với những người bán hàng qua mạng hay qua catalogue, và chọn cách thức thu thuế cũng như mức độ thu cho mỗi nơi. Trên thực tế, hiện tại chính quyền các tiểu bang ở Mỹ vẫn chưa thể thu thuế từ những nhà bán hàng từ xa, nghĩa là những người kinh doanh trên mạng và không đặt cơ sở kinh doanh tại nơi họ bán hàng. Các nhà lập pháp cho rằng đây là một lỗ hổng trong chính sách thuế vụ, và đáng tiếc là điều này tạo nên sự bất bình đẳng nghiêm trọng giữa những thực thể kinh doanh trong các cửa hiệu truyền thống và những thực thể kinh doanh trên Internet. Có khoảng 350 tổ chức đã bày tỏ sự ủng hộ đối với dự luật này. Trong khi đó các tác giả của bản dự luật lại nhấn mạnh rằng luật mới này không đặt ra thêm các khoản thuế mới cũng không làm tăng khoản thuế nào so với những gì đã được quy định trong luật thuế áp dụng ở Mỹ.
Các điều kiện thực thi quyền thu thuế kinh doanh trên mạng
Để thực hành dự luật Marketplace Fairness Act of 2017, việc đầu tiên là mỗi tiểu bang phải luật hóa việc đóng thuế kinh doanh trên mạng theo đặc thù của địa phương mình, bao gồm các sản phẩm và dịch vụ được miễn trừ thuế ghi trong đạo luật. Song song với đó là việc thiết lập một cơ quan để trông coi về thuế và hoàn thuế đối với các loại hình kinh doanh trên Internet. Tại Chương 2 về Thẩm quyền thu thuế và sử dụng thuế còn ghi rõ việc phải cung cấp thông tin về các sản phẩm và dịch vụ phải đóng thuế và việc áp dụng miễn trừ. Một điểm rất đáng lưu ý là cơ quan nhà nước phải cung cấp miễn phí phần mềm phục vụ việc tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế cho các thực thể kinh doanh trên mạng Internet và phải cập nhật biểu thuế thông qua phần mềm này. Và, đi kèm với phần mềm này là những giải pháp liên kết từ việc chứng thực chữ ký đến việc thực hành trách nhiệm đối với những sai sót do cơ quan thuế gây ra. Nhưng, có một điểm rất đáng ghi nhận là dự luật này đưa ra quy định miễn trừ thuế đối với doanh nghiệp nhỏ mà theo đó các bang sẽ không thu thuế kinh doanh trên mạng đối với các nhà bán lẻ có doanh số từ 1 triệu đô la trở xuống.
Trên thực tế, pháp luật về thuế ở mỗi quốc gia đều rất phức tạp trong khi hoạt động kinh doanh trên mạng hay thương mại điện tử lại có thể liên quan đến nhiều tiểu bang, nhiều nền kinh tế và nhiều quốc gia, từ nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính đến các văn phòng đại diện và những thị trường mà doanh nghiệp vươn ra. Ngay cả các giới chức nhiều khi cũng lúng túng, và tờ The New York Times đã từng đề cập đến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump phàn nàn rằng nhà thương mại điện tử khổng lồ Amazon đã không đóng thuế kinh doanh trên mạng mà ở đây ông gọi là “Internet Tax”. Nhưng, The New York Times cũng cho biết Amazon đã nộp những khoản thu thuế từ các nhà buôn trên nền tảng thương mại điện tử của mình từ năm 2012 tại California, Texas, Pennsylvania và các tiểu bang khác. Hơn nữa, tập đoàn này đang đi đầu trong việc thúc đẩy các đối thủ cùng thu thuế nơi các nhà bán lẻ trực tuyến và nộp thuế cho cơ quan thuế vụ. Với hệ thống thu thuế ở Mỹ hiện nay thì người bán hàng trên nền tảng của Amazon phải chịu thuế trong khi Amazon chịu trách nhiệm trích thuế bán hàng ngay trên mỗi hàng hóa, dịch vụ được bán ra.
Việc tranh đấu cho một nền tảng thuế công bằng là điều không dễ dàng khi mà về mặt nguyên tắc một công ty không có cơ sở hay văn phòng tại một địa phương nào đó thì không phải đóng thuế cho địa phương đó. Việc kinh doanh trực tuyến có khi chỉ hiện diện trên môi trường Internet mà không cần sự hiện diện của những cơ sở hạ tầng trong thực tế. Mạng Internet nay đang cung cấp cho người kinh doanh tất cả những công cụ cần thiết, bao gồm cả những công cụ và giải pháp thanh toán, phân phối được cung cấp bởi các pháp nhân khác. Buộc được Amazon, công ty thương mại điện tử lớn nhất ở Mỹ, phải đóng thuế thực ra là cả một quá trình. Trong xu thế các công ty thương mại điện tử đang phát triển các kho chứa hàng lớn nằm gần nơi tiêu thụ để thực hiện chiến lược giao hàng trong ngày, cơ quan thuế đã nhắm vào đặc điểm này để yêu cầu doanh nghiệp phải đóng các khoản thuế pháp định như các nhà bán lẻ truyền thống khác ở địa phương.
Để việc thu thuế kinh doanh trên mạng đi vào thực tế
Tờ The Economist cho biết vào năm 2011, một kho chứa hàng của Amazon tại Texas đã phải ngừng hoạt động sau khi bị truy thu thuế lên đến 270 triệu đô la. Cuộc chiến chống thất thu thuế nổ ra từ đó và nhắm vào các công ty thương mại điện tử khác như eBay và lan ra bên ngoài nước Mỹ. Nhưng cùng lúc này các tập đoàn bán lẻ truyền thống như Walmart, Macy cũng bắt đầu đưa sản phẩm của mình lên mạng, và vì thế các nhà lập pháp ở Mỹ thấy rằng việc đánh thuế phải nhắm vào cả thị trường mạng nơi việc kinh doanh diễn ra, thay vì chỉ dựa vào hạ tầng cơ sở, và đó cũng là nguyên nhân ra đời của đạo luật Marketplace Fairness Act được thông qua từ năm 2013 và nay là cơ sở cho dự luật Marketplace Fairness Act of 2017 nhằm trao quyền quyết định về thuế kinh doanh trên Internet cho các tiểu bang.
Những sự chuyển động về thuế tại Mỹ có ảnh hưởng rất lớn tại các nước khác nơi mà lĩnh vực thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ và đang tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà bán lẻ trực tuyến và nhà bán lẻ truyền thống. Trang tin Channelnewsasia.com cho rằng hầu hết các dịch vụ trên mạng tại Singapore không bị đánh thuế mà nguyên nhân là ngành chức năng rất khó để theo dõi những hoạt động tại đó. Và hiện tại, đảo quốc sư tử này đang bắt đầu áp thuế Dịch vụ và Hàng hóa (GST) lên những giao dịch trực tuyến này. Theo các cuộc thống kê, mỗi năm Singapore thất thu thuế kinh doanh trên mạng khoảng 5 tỉ đô la Singapore (khoảng 3,67 tỉ đô la Mỹ), và chính phủ đang hướng tới việc sẽ thực hiện việc áp thuế vào thị trường mạng một cách chặt chẽ. Một ví dụ được đưa ra là doanh thu trò chơi điện tử trong năm 2015 tại Singapore vào khoảng 250 triệu đô la Mỹ, và mức tăng trưởng bình quân mỗi năm là 9%, nhưng cũng như các dịch vụ trực tuyến khác, chúng không bị đóng thuế.
Ở Việt Nam, từ cuối tháng 6, Cục Thuế TP. Hà Nội đã gửi tin nhắn SMS tới 13.422 chủ tài khoản Facebook để hướng dẫn việc truy cập trang thông tin của cơ quan thuế để tiến hành kê khai. Theo đó, chủ tài khoản nhận được tin nhắn là những người mà tài khoản Facebook của họ đã có các hoạt động quảng cáo và bán hàng qua mạng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nội dung tin nhắn yêu cầu chủ tài khoản nhận được tin nhắn truy cập vào trang http://hanoi.gdt.gov.vn sau đó kê khai thuế. Thông tin hướng dẫn có nêu rõ công dân Việt Nam (cư trú tại Việt Nam) có hoạt động kinh doanh phải thực hiện việc đăng ký thuế và nếu doanh thu bán hàng hóa trên ngưỡng doanh thu chịu thuế (ngưỡng doanh thu quy định hiện hành là từ 100 triệu đồng một năm trở lên) có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân vào ngân sách nhà nước.
Đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử qua mạng hoặc có thu nhập từ kinh doanh thương mại điện tử qua mạng tại Việt Nam thì thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam.
Trước đó, các chi cục thuế tại TPHCM cũng đã gửi thư mời khoảng 13.500 chủ tài khoản kinh doanh trên Facebook đến làm việc để thực hiện việc kê khai nộp thuế.
Hoàng Việt
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn