Với mục tiêu hàng đầu là thu hồi được nợ và giảm số lượng nợ xấu, Ngân hàng đã phải thiết lập ra nhiều phương thức khác nhau để thu hồi nợ ngay từ khi chưa quá hạn đến khi phải thực hiện những biện pháp "cứng" đối với khách hàng.
Gian nan trăm kế thu nợ của Ngân hàng (Ảnh minh hoạ)
Thu hồi nợ là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động cho vay của các ngân hàng hay các tổ chức tài chính có hoạt động tín dụng. Bất cứ ngân hàng nào cũng mong muốn việc thu nợ của mình được diễn ra thuận lợi, khách hàng trả đúng hạn hay đồng nghĩa với việc không phát sinh nợ xấu.
Tuy nhiên, thực tế không dễ dàng và đơn giản như vậy, khách hàng chây ỳ, thanh toán nợ không đúng hạn, gặp khó khăn về tài chính,… là những nguyên nhân khiến cho việc thu nợ của ngân hàng gặp nhiều trắc trở. Cho dù là nguyên nhân khách quan (thiên tai, bệnh tật, khủng hoảng,…) hay nguyên nhân chủ quan từ phía khách hàng thì kết quả đối với ngân hàng cũng là như nhau, đều không thu hồi được nợ.
Đây cũng là một vấn đề nan giải và làm đau đầu những nhà quản trị. Thông thường, ngân hàng sẽ có một bộ phận quản trị rủi ro hoạt động tín dụng nhằm đảm bảo cho tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng không vượt quá ngưỡng kế hoạch đề ra. Đồng thời, họ cũng tạo ra những công cụ cảnh báo đến các bộ phận kinh doanh trực tiếp tiếp xúc với khách hàng để quản lý các khoản vay một cách chủ động và hiệu quả. Nhân viên tín dụng là đội ngũ đầu tiên trong công tác thu hồi nợ của ngân hàng.
"Dày mặt" thu nợ những khách hàng chây ỳ
Như đã nói ở trên, ngân hàng luôn muốn bằng mọi cách thu được nợ đúng hạn để các khoản vay không bị chuyển thành nợ xấu. Do đó, đối với những khách hàng chây ỳ nhất, nhân viên ngân hàng cũng phải dày mặt sử dụng nhiều biện pháp "phục vụ" khác nhau. Nếu phương thức nhắc, thúc nợ qua nói chuyện không có hiệu quả nhân viên sẽ đến tận nơi làm việc, nhà hay địa chỉ kinh doanh để trực tiếp thu tiền, có khi là từng chút một.
Mặc dù vậy, không phải đối với bất kỳ khách hàng nào ngân hàng cũng đều "xuống nước". Đối với những khách hàng có ý thức trả nợ kém, không trung thực, ngân hàng chấp nhận tăng số dư nợ xấu chứ không thể thoả hiệp.
Thoả hiệp với các bên liên quan để có thể thu nợ
Trong quá trình thu hồi nợ, ngân hàng không chỉ tiếp xúc với chỉ duy nhất bên vay để thu nợ mà trong nhiều trường hợp còn phải trao đổi với cả bên bảo lãnh để tăng áp lực gián tiếp lên bên vay. Nhiều trường hợp trong thực tế, nhờ tác động từ bên sở hữu tài sản đảm bảo bởi lý do sợ mất tài sản của mình mà các khoản vay được nhanh chóng thu hồi.
Đối với những khoản vay trong hạn, quá hạn và cả trong quá trình xử lý tài sản thu hồi nợ, việc tiếp xúc với bên bảo lãnh là điều ngân hàng luôn thực hiện để lường trước những rủi ro có thể xảy ra. Quá trình này hỗ trợ nhiều nhất trong xử lý tài sản khi bên vay không còn khả năng trả nợ.
Mặt khác, trong nhiều trường hợp phát sinh với cùng một con nợ hoặc một tài sản bảo đảm có nhiều chủ nợ khác nhau không chỉ riêng ngân hàng. Các khoản tín dụng đen, vay ngầm ở bên ngoài với những điều khoản đơn giản nhưng lãi suất cao và luôn có những ràng buộc nhất định về pháp lý. Điều này không những tạo áp lực trả nợ nặng nề lên người vay mà còn gây cản trở cho quá trình khởi kiện hay xử lý tài sản sau này. Do vậy, trong nhiều trường hợp, để có thể thu hồi được khoản nợ ngân hàng phải là chủ động đứng ra thoả hiệp với các chủ nợ khác để cùng nhau san sẻ giá trị tài sản.
Sử dụng dịch vụ thu nợ ngoài
Nhiều dịch vụ thu nợ ngoài bị biến tướng (Ảnh minh hoạ)
Dịch vụ thu nợ ngoài là biện pháp nhiều ngân hàng sử dụng khi những cách thu nợ đơn giản thông thường của nhân viên không thành công. Ngân hàng sẽ thuê dịch vụ thu nợ từ một tổ chức bên ngoài.
Báo chi từng phản ánh, một số công ty đòi nợ thuê vì lợi nhuận cao, có kết quả ngay “biến tướng” dịch vụ của mình bằng cách thông cầu sang đám “anh-chị” có số má đi đòi nợ thuê rồi ăn chia. Thực tế đã có trường hợp một số công ty thu nợ sử dụng một số "biện pháp mạnh" để thu giữ tài sản, ép người vay phải trả tiền.
Khởi kiện ra toà
Khi hầu hết các phương pháp áp dụng để thu nợ không mang lại kết quả như mong muốn, ngân hàng sẽ tiến hành khởi kiện đối với bên vay ra toà án. Về nguyên lý thì hầu như kết quả thắng kiện sẽ thuộc về ngân hàng, tuy nhiên, công cuộc khởi kiện đối với một vụ thu hồi nợ không đơn giản như vậy.
Nhiều trường hợp bên vay bỏ trốn, bên bảo lãnh không hợp tác, rắc rối về tranh chấp tài sản bảo đảm,… khiến cho thời gian thực hiện việc khởi kiện một vụ kéo dài, vừa mất thêm chi phí, công sức, trong nhiều trường hợp giá trị tài sản bảo đảm cũng giảm đi nhiều theo thời gian.
Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng là một trong những đòn bẩy giúp cho quá trình xử lý nợ được nhanh chóng hơn khi tạo điều kiện cho việc thu giữ tài sản của ngân hàng được thuận lợi hơn.
Bán nợ cho VAMC
Đối với một số khoản vay được xác định không thể thu hồi hoặc khó đòi, ngân hàng cân nhắc việc bán nợ cho VAMC và nhận về trái phiếu đặc biệt. Thông thường, trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, lãi suất bằng 0% và được khấu trừ 20% mỗi năm. Hình thức này làm giảm ngay số liệu về nợ xấu trên báo cáo tài chính của ngân hàng nhưng lại làm tăng chi phí trích lập dự phòng hàng năm. Hết thời gian 5 năm nếu không được mua lại toàn bộ giá trị khoản nợ sẽ được trích lập dự phòng hoàn toàn.
Bán nợ cho VAMC không đồng nghĩa với việc ngân hàng chối bỏ hoàn toàn trách nhiệm. Ngân hàng vẫn phải tiếp tục cùng với VAMC tham gia quá trình đốc thúc thu hồi nợ. Do đó, những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp thường không ưa thích việc bán nợ cho VAMC.
Trong thời gian qua, Vietcombank và Techcombank là hai ngân hàng đã mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC để tiếp tục xử lý. Ngoài ra, ACB và VietinBank cũng lên kết hoạch lại mua nợ xấu từ VAMC. Sacombank hợp tác trong việc mua bán nợ với VAMC, thu về tiền mặt thay vì trái phiếu.
Diệp Bình
Theo KTTD, Vietnambiz