Sự kiện hot
3 năm trước

Giao dịch Condotel thấp thảm hại

Thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, hiện lượng condotel bán trên thị trường sản phẩm chủ yếu là hàng tồn với hơn 18.000 sản phẩm. Trong 9 tháng đầu năm 2020, thị trường giao dịch condotel gần như đóng băng.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, du lịch là ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh. Hiệu quả kinh doanh ngành du lịch trong nước sụt giảm nghiêm trọng. Hầu hết các cơ sở du lịch đều hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa. Hiện tượng trên là một trong những nguyên nhân khiến bất động sản du lịch năm 2020 kém hiệu quả trong việc thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, do còn nhiều vấn đề về pháp lý nên chưa tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào bất động sản du lịch. Nhiều dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại các địa phương cũng đang gặp phải những vướng mắc về pháp lý nên chưa thể khởi động đầu tư xây dựng.

Thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, hiện lượng condotel bán trên thị trường sản phẩm chủ yếu là hàng tồn với hơn 18.000 sản phẩm. Trong 9 tháng đầu năm 2020, thị trường giao dịch condotel gần như đóng băng. Quý IV/2020, thị trường bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, một số dự án đã bắt đầu giao dịch nhưng lượng giao dịch không đáng kể, cả năm giao dịch khoảng 120 sản phẩm.

giao dich condotel thap tham hai
Ảnh minh họa

Còn theo số liệu thống kê của Bộ phận R&D DKRA Vietnam, trong tháng 11/2020 phân khúc condotel toàn phía Nam chỉ chào đón 1 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 102 căn. Và tỷ lệ tiêu thụ thấp chỉ là 15 căn. Trước đó, tháng 6/2020, toàn thị trường bất động sản biển phía Nam chỉ có 8 sản phẩm mở bán với một sản phẩm được bán ra thành công. Trong khi đó tháng 7 và 8/2020 thì không có sản phẩm nào được bán và cũng không có tiêu thụ. Tới tháng 9/2020, có 152 sản phẩm được bán ra tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận với 59 sản phẩm được bán thành công, tới tháng 10 thì lượng hàng bán ra chỉ 25 sản phẩm và lượng tiêu thụ chỉ 15 sản phẩm.

GS. Đặng Hùng Võ cho biết, trong giai đoạn từ 2019 - 2020, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng đã có thanh khoản rất thấp kể từ khi căn hộ condotel tại đại dự án Cocobay vỡ trận. Sau đó, một số dự án condotel khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, các nhà đầu tư dự án không trả được lợi nhuận như đã cam kết...

Lý giải vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng nguyên nhân bởi loại hình này phát triển nhưng thiếu khung pháp luật về đất đai, về quản lý và vận hành các bất động sản du lịch đa công năng. Cộng thêm ngành du lịch đóng cửa hoàn toàn trong một thời gian dài để phòng dịch Covid-19. Đầu năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư và thời hạn vẫn là 50-70 năm. Tuy nhiên, đến nay, khung pháp luật vẫn chưa được hình thành. Đất đai từ cam kết miệng được sử dụng dài hạn như đất ở, nay phải chuyển sang sử dụng theo thời hạn 50-70 năm, khiến cho các nhà đầu tư thứ cấp rời bỏ sản phẩm condotel.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế. Đặc biệt, đối với thị trường bất động sản, phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. “Lượng giao dịch hàng hoá trên thị trường sụt giảm, lượng cung ra thị trường chỉ đạt xấp xỉ 50% so với các năm trước đó. Lượng giao dịch quý I/2020 chỉ còn trên 10%, quý II nhích lên 20%, quý III có sự cải thiện nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các năm trước”, ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ.

Một số chuyên gia bất động sản cảnh báo, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì việc các doanh nghiệp đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tuyên bố đóng cửa sẽ không còn là chuyện hiếm.

Điểm sáng của thị trường bất động sản ven biển là lượng cung biệt thự nghỉ dưỡng, Villas, shophouse năm 2020 đạt gần 15.000 sản phẩm. Tỷ lệ hấp thụ xấp xỉ 8%. Thời điểm cuối năm, thị trường biệt thự nghỉ dưỡng, Villas, shophouse thực sự sôi động trở lại khi một số chủ đầu tư lớn bắt đầu truyền thông mạnh mẽ và tung sản phẩm ra thị trường.

Trong giai đoạn cuối năm, một số dự án đại đô thị du lịch nghỉ dưỡng có chất lượng tốt, có khả năng khai thác kinh doanh tốt như: Sun Premier tại Hạ Long, FLC Grand Hotel Quy Nhơn, Sonasea Vân Đồn, Sun Grand City, Vinpearl Grand World Phú Quốc… đang dành được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trên cả nước.

Dự báo thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, ngành du lịch sẽ phục hồi trở lại một phần nhờ hoạt động kích cầu du lịch nội địa. Chính phủ khóa mới sẽ quan tâm hơn đến chính sách pháp lý cho bất động sản du lịch, sẽ tạo niềm tin tốt hơn cho các nhà đầu tư. Nhiều dự án bất động sản du lịch có quy mô lớn, đa dạng dịch vụ, chất lượng cao, nhiều đại đô thị du lịch hoành tráng được hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2021. “Điều này chắc chắn sẽ tạo động lực thúc đẩy hiệu quả ngành kinh tế du lịch cho Việt Nam, tạo một lực hút mạnh các nhà đầu tư quay trở lại với thị trường bất động sản du lịch”, ông Nguyễn Văn Đính kỳ vọng.

Hải Yến
Theo Thời báo Ngân hàng

Từ khóa: