Sự kiện hot
7 năm trước

Giọng ca Opera cũng hát Bolero có nên coi là 'thụt lùi'?

Giọng ca được mệnh danh là “Nữ hoàng Opera” Lan Anh vừa hát “Duyên phận” đã lập tức gây tranh cãi như khi Trần Thu Hà hát “Anh cứ đi đi” của Hari Won và ngay lập tức bị coi là “Diva phá đền đài”, “hạ mình để hát những ca khúc ít giá trị nghệ thuật”…

Bước qua “đền đài”

Hai sự việc diễn ra cùng một thời điểm đã mang đến sự đối chọi thú vị: Lệ Quyên ra Hà Nội giới thiệu album nhạc Trịnh Công Sơn và tuyên bố tạm xa dòng nhạc Bolero - địa hạt mà cô được mệnh danh là “nữ hoàng”- để lần đầu thử sức nhạc Trịnh.

Trong khi đó, giọng ca Lan Anh cũng tạm bỏ ngôi vị “nữ hoàng Opera” để thử sức với Bolero. Khác nhau ở chỗ, Lệ Quyên có vẻ được khán giả, truyền thông điềm nhiên đón nhận, còn Lan Anh thì khiến không ít người “sốc nặng”, đồng nghĩa với việc khó chấp nhận khi cô vốn là người hát nhạc hàn lâm, nay chọn dòng nhạc bình dân để hát thì khác gì đang “hạ mình”?

Các ca sĩ Lan Anh và Trần Thu Hà. Ảnh: TL

Điều này tương tự với trường hợp của Trần Thu Hà, khi cô hát hit của Hari Won “Anh cứ đi đi”. Trước đó, ca khúc từng được rất nhiều ca sĩ nổi tiếng trong nước cover lại vì giai điệu dễ hát, dễ nghe và đạt lượng nghe kỷ lục trên YouTube thời điểm đó. Cover thành công nhất phải kể đến phần thể hiện của ca sĩ hải ngoại Thanh Hà, dù cô chỉ hát “chơi chơi” với phần đệm ghita mộc mạc tại nhà. Phần trình bày ngẫu hứng là thế, nhưng sau đó, cô nhận được khá nhiều lời đề nghị hát trên sân khấu chính. Đến lượt Trần Thu Hà cover thì câu chuyện trở thành đề tài tranh luận. Có tờ báo cho rằng, Diva đang “phá đền đài”, là “hạ mình” để hát những cái người khác yêu cầu, bất kể nó bị coi là “ít giá trị nghệ thuật”.

Mặc người ngoài cuộc nghiêm trọng hóa, chủ nhân bản cover “Anh cứ đi đi” lại coi chuyện này nhẹ bẫng: “Đó cũng chỉ là một bản nhạc tình mùi mẫn, có gì đâu mà đao to búa lớn… Tôi có thể kể tên rất nhiều bài hát nổi tiếng được bao nhiêu người hát đi hát lại của các nhạc sĩ dòng nhạc lãng mạn trước 1975 cũng mùi mẫn, bùi tai chẳng khác gì một số ca khúc đang bị xếp hạng "nhạc thị trường" bây giờ. Sự phân bì đẳng cấp, danh hiệu ở Việt Nam dường như đã bị đưa đẩy đi quá đà”.

“Anh cứ đi đi” chỉ là một ví dụ nhỏ nhưng ẩn chứa đằng sau đó là một nỗ lực “bước qua đền đài” của các giọng ca được cho là mẫu mực của nhạc Việt chính thống. Ca khúc tầm thường hay một số người cho nó là tầm thường, khi mà phần đông khán giả thấy thích? Trần Thu Hà không phải là ca sĩ có chất giọng đặc biệt nhưng cô vẫn xứng tầm Diva ở cách xử lý ca khúc rất tinh tế, mới mẻ và đầy lạ lẫm kể cả ở ca khúc đã quá quen. “Anh cứ đi đi” - một ca khúc xét ra không có gì đặc biệt về ca từ, giai điệu, nhưng qua cách xử lý của một giọng ca đẳng cấp, ca khúc cũng được nâng tầm.

Không có bài hát tồi, chỉ có người hát làm cho nó tồi đi hay trở nên tuyệt phẩm là vì thế. Hà Trần bảo: "Sự sang trọng hay rẻ tiền thiết nghĩ nằm ở người hát, không nằm ở bài hát hay thể loại âm nhạc".

Không thay đổi mới là thụt lùi

Thế nhưng, không phải ai cũng có đủ bản lĩnh để “bước qua đền đài” được giống như Trần Thu Hà. Còn nhớ khi Tùng Dương đang được tung hô với phong cách quái qua các album “Li ti”, “Những ô màu khối lập phương”, “Độc đạo”… nhưng khi anh ra album “nịnh” tai khán giả hơn với “Tùng Dương hát tình ca” đã khiến “phe” nghệ thuật phật ý, cho rằng anh thiếu kiên định, thiếu lập trường theo đuổi dòng nhạc kén khán giả của mình mà.

Hẳn nhiên ở dòng nhạc nào, thay đổi nào của nghệ sĩ cũng đều có đối tượng khán giả riêng, nhưng một bầu show từng có mấy chục năm trong nghề tổng kết một câu “xương máu” rằng, hễ sản phẩm nào của nghệ sĩ mà được báo chí, giới chuyên môn khen là… hỏng. “Hỏng” ở đây là về doanh thu. Ở góc độ nghề, họ thích được khán giả khen hơn. Không chỉ vì giá trị kinh tế mang lại mà còn vì khán giả chẳng phải là mục tiêu cuối cùng để nghệ sĩ hướng đến hay sao? Vì báo chí, chuyên môn khen nhưng có bao giờ bỏ tiền mua vé hay “cày view” cho họ?

Trần Thu Hà, Lan Anh bây giờ mới chuyển hướng còn bị coi là muộn, khi mà đến Anh Thơ, Trọng Tấn đắt show như vậy, ca khúc dòng “nhạc đỏ” có “đất dụng võ” ở khắp các sự kiện như vậy nhưng đã chuyển “hơi hướng” sang Bolero từ lâu. Thế nên, sẽ không lấy gì làm ngạc nhiên khi một ngày nào đó, Thanh Lam, Mỹ Linh rũ bỏ “tượng đài” Diva của mình để hát Bolero, như điều mà Lan Anh hay nhiều ca sĩ trước đó đang làm hiện nay.

Ngay bản thân Tùng Dương vốn mạnh mẽ tuyên bố “già trẻ, bé lớn đều đắm đuối với Bolero là thụt lùi” thì trong một đêm nhạc mới đây, anh vẫn ngẫu hứng hát một đoạn trong ca khúc “Hai mùa Noel”. Cách luyến láy Bolero của Tùng Dương dù bị cho là giống như hát… cải lương nhưng thật lạ là tràng pháo tay anh nhận được còn lớn hơn cả những ca khúc “tủ”. Thế mới biết trong nghệ thuật, cái hay đôi khi không “đắt” bằng cái bất ngờ.

Từ câu chuyện về sự nhìn nhận của Tùng Dương với Bolero cũng như của nhiều nghệ sĩ chuyên hát dòng nhạc chính thống khiến cho rất nhiều ca sĩ không dám thể nghiệm bản thân sang các dòng nhạc khác. Như ca sĩ Tân Nhàn mới vừa ra mắt album đã khẳng định “chắc nịch” rằng mình không hát được Bolero. Ca sĩ Bolero có thể không hát được Opera, không hát được nhạc đỏ, nhưng những ai đã từng hát được dòng nhạc này thì không có lý gì không hát được Bolero.

Trái lại, chính những khả năng đào tạo qua trường lớp của các ca sĩ này biết đâu sẽ đưa Bolero lên một “tầm” mới, như Trần Thu Hà đưa “Anh cứ đi đi” từ “thị dân” lên “thị thành” nhờ cách hát đầy kỹ thuật và tinh tế. Ca sĩ Lệ Quyên từng chia sẻ rằng, khi cô đang theo đuổi dòng nhạc pop Ballad, nhiều người không nghĩ cô sẽ hát được Bolero nhưng rồi cuối cùng, cô được coi là “nữ hoàng” của dòng nhạc này. Nói không hát được hay đánh giá nghệ sĩ thiếu kiên định với dòng nhạc sở trường của mình chính là tự giới hạn bản thân. Vượt qua được giới hạn ấy đôi khi cần đến bản lĩnh nhiều hơn là tài năng.

Thảo Nguyên
Theo Gia đình và xã hội

Từ khóa: