Sự kiện hot
7 năm trước

Gỗ Trường Thành: Chuyện cơ cấu lại nợ và bí ẩn 2 cá nhân cho vay hàng trăm tỷ đồng

Việc cơ cấu các khoản vay của Gỗ Trường Thành trong quý II/2017 thực chất chỉ là việc lấy nợ dài hạn để nuôi các khoản nợ ngắn hạn, đáng chú ý là khoản cho vay từ 2 cá nhân lên tới hàng trăm tỷ đồng...

Gỗ Trường Thành vừa báo lãi trở lại trong quý II sau 4 quý lỗ liên tiếp

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2017 của CTCP Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã: TTF) vừa được công bố, bên cạnh việc báo lãi trở lại sau 4 quý lỗ liên tiếp, công ty cũng cho thấy sự thay đổi nhất định trong cơ cấu vay nợ của mình.

Nợ ngắn hạn giảm hơn 1.580 tỷ đồng do phân loại lại

Cụ thể, tính đến 30/6 khoản vay nợ ngắn hạn từ 2.637 tỷ giảm mạnh xuống còn 1.054 tỷ đồng, tương ứng con số giảm là 1.584 tỷ đồng chủ yếu do phân loại lại các khoản vay ngắn hạn. Trong đó đáng chú ý có 1.592 tỷ đồng được phân loại lại, và 300 tỷ đồng tăng thêm trong kỳ.

Thay đổi các khoản vay ngắn hạn của TTF trong quý II/2017. Đvt: VNĐ

Xem xét khoản vay ngắn hạn ngân hàng của TTF có thể thấy, các khoản này gần như không có sự thay đổi so với con số đầu năm. Kết thúc quý II/2017, khoản vay vẫn đang là 918 tỷ đồng, chỉ giảm đi 16 tỷ.

Chi tiết khoản vay ngắn hạn của TTF tại các ngân hàng. Đvt: VNĐ

Các khoản vay lớn nhất phải kể đến vay Ngân hàng TMCP Việt Á Chi nhánh Bình Dương 527 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đông Á 124 tỷ đồng, Agribank Chi nhánh Buôn Mê Thuột 103 tỷ đồng.

Thay đổi đáng kể nhất là vay bên liên quan, vào đầu kỳ khoản là 1.367 tỷ đồng song đến cuối kỳ đã không còn.

Theo ghi nhận từ báo cáo kiểm toán 2016 thì TTF có khoản vay các bên liên quan 1.367 tỷ đồng, bao gồm khoản vay từ CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát 1.032 tỷ đồng và Tập đoàn Vingroup số tiền 335 tỷ đồng. Thực tế, Tân Liên Phát lại là công ty con mà Tập đoàn Vingroup nắm 75% vốn cổ phần.

Khoản vay các bên liên quan đầu năm 2017 của TTF. (Đvt: VNĐ).

Một thay đổi nữa là vay đối tượng khác, mà cụ thể là vay của bà Ngô Thị Lan Phương 300 tỷ đồng. Trong kỳ khoản vay này tiếp tục tăng thêm 300 tỷ đồng và cuối kỳ còn lại 100 tỷ đồng.

Lật lại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, TTF có đôi dòng thông tin về khoản vay này: “Đây là khoản cho vay tín chấp từ một cá nhân, là một cổ đông của Nhóm Công ty có kỳ hạn trả gốc và lãi vào ngày 22/6/2017 và chịu mức lãi suất 7%/năm”.

Thực tế nợ chỉ chuyển từ ngắn hạn sang dài hạn

Câu hỏi được đặt ra lúc này, 1.592 tỷ đồng tiền nợ ngắn hạn phân loại lại đã đi đâu?

Báo cáo tài chính quý II/2017 cho thấy, TTF phát sinh khoản vay dài hạn vừa đúng 1.592 tỷ đồng, bao gồm 1.092 tỷ đồng vay tổ chức khác và 500 tỷ đồng vay cá nhân.

Cơ cấu các khoản vay dài hạn của TTF tính đến 30/6/2017. (Đvt: VNĐ).

Cụ thể, vay tổ chức khác chính là 60 tỷ đồng từ Vingroup, 1.032 tỷ đồng từ Tân Liên Phát và bằng với con số hồi đầu năm nêu trên. Trước đó vào tháng 4, Tân Liên Phát đã bán 36,2 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu xuống còn 7 triệu cổ phiếu, tương ứng sở hữu 4,84% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn của Gỗ Trường Thành.

Do đó mà mối quan hệ giữa TTF và Tân Liên Phát thay đổi và được thể hiện trong báo cáo tài chính quý II/2017 của công ty.

Khoản vay cá nhân trị giá 500 tỷ đồng cũng rất đáng chú ý, nó đến từ ông Bùi Hồng Minh và hiện diện ở cuối kỳ.

Khoản vay dài hạn của TTF tính đến 30/6/2017. (Đvt: VNĐ).

Mặt khác, khoản vay ngắn hạn trong kỳ tăng thêm 300 tỷ đồng (không có thuyết minh), trong khi đó dự nợ cuối kỳ của bà Lan Phương còn lại là 100 tỷ đồng. Như vậy, TTF đã thanh toán cho bà Phương 200 tỷ đồng nợ trong kỳ; đồng thời hoặc bà Phương tiếp tục cho TTF vay 100 tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra là TTF lấy tiền ở đâu để thanh toán cho bà Phương, liệu có phải từ ông Bùi Hồng Minh trên hay đối tượng nào khác?

Như vậy, việc cơ cấu lại nợ của TTF thực chất là chuyển nợ từ ngắn hạn sang dài hạn để tránh được nguy cơ tài chính trước mắt.

Kết thúc quý II/2017, dư nợ ngắn hạn đối với các ngân hàng là 918 tỷ đồng, TTF nợ ngắn hạn bà Ngô Thị Lan Phương 100 tỷ đồng; và nợ dài hạn ông Bùi Hồng Minh 500 tỷ đồng, ngoài ra khoản nợ đối với Tân Liên Phát vẫn được bảo lưu 1.032 tỷ đồng.

Vậy ông Bùi Hồng Minh và bà Ngô Thị Lan Phương là ai mà có thể cho TTF vay đến hàng trăm tỷ đồng với lãi suất ưu đãi? Liệu nguồn tiền này có cứu cánh được trong cơn khủng hoảng?

Hồi đầu tháng 8, Gỗ Trường Thành công bố danh sách 8 cá nhân đăng ký mua 70 triệu cổ phần riêng lẻ, tuy nhiên đều không có tên bà Phương và ông Minh.

Bạch Mộc
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: