Xử lý hàng tồn kho, xử lý nợ và lãi vay, cải thiện năng suất lao động... là những việc Ban lãnh đạo Gỗ Trường Thành đang cố gắng thúc đẩy, hoàn tất.
Gỗ Trường Thành (TTF) còn nhiều việc cần làm trong quá trình tái cấu trúc toàn diện (Ảnh: Khổng Chiêm)
Xử lý tồn kho
Ông Mai Hữu Tín, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã: TTF) cho biết một điều vô cùng bất ngờ: Công ty có một lượng tồn kho quá lớn, có gỗ tồn kho tới 10 năm. Theo ông Tín, đây là điều không thể chấp nhận được với bất kỳ nhà máy sản xuất nào.
Hàng tồn kho chính là "tử huyệt" của TTF khi báo cáo tài chính do E&Y kiểm toán không thể xác định được thời điểm phát sinh khoản chênh lệch thiếu hàng tồn kho (gần 1.052 tỷ đồng được ghi nhận năm 2016) phát sinh vào năm báo cáo nào. Lợi nhuận các năm 2015 và 2016 của TTF đều ở mức âm, lần lượt âm 98 tỷ đồng và âm 1.295,5 tỷ đồng.
Ông Tín nói muốn xử lý ngay lượng hàng tồn kho nhưng không làm kịp vì chắc chắn sẽ lỗ. Nếu TTF tiếp tục có một năm kinh doanh thua lỗ thì sẽ rơi vào án hủy niêm yết. Vì vậy, lượng hàng tồn kho của TTF sẽ được xử lý ngay trong đầu năm 2018 và năm này chấp nhận lỗ lớn. Tuy nhiên, đây sẽ là lần lỗ cuối cùng của TTF - ông Tín khẳng định.
Trên báo cáo kiểm toán của E&Y năm 2016, giá trị tồn kho được xác định là 1.784 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Tín nêu quan điểm đây chỉ là giá trị sổ sách, còn thực tế khi thanh lý sẽ tính trên giá thị trường và phụ thuộc vào hàng thực có trong kho. Khi thanh lý xong mới có thể biết được giá trị thực là bao nhiêu, lỗ bao nhiêu.
Tái cơ cấu tài chính toàn diện, thu xếp dòng tiền
Theo ông Tín, năm 2017, TTF dự lãi 35,46 tỷ đồng trên kết quả lỗ nhìn tỷ đồng từ năm trước đó là một sự cố gắng, nỗ lực lớn từ Ban điều hành. Để đạt được điều này, TTF sẽ buộc phải giảm số lao động, loại bỏ đầu tư ngoài ngành, tập trung vào kinh doanh lõi, giảm chi phí lãi vay...
Về đầu tư ngoài ngành, hiện TTF có rừng trồng tại Đak Lak. Ông Hồ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT TTF cho biết diện tích trồng rừng hơn 33.000 ha, trong đó trồng thực gần 10.000 ha. Giá trị định giá phần rừng trồng sẽ được làm việc ngay sau ĐHCĐ và bàn thảo với khách hàng tiềm năng, đảm bảo thoái sẽ không lỗ.
Đối với khu đất 52 ha tại Nhơn Trạch, phần vốn góp của TTF là 41,49% tương đương 99 tỷ đồng. HĐQT sẽ lên phương án thoái vốn cho khoản đầu tư này. Phần đất này có 18 ha là đất trong dự án, còn 12,5 ha là đất ngoài dự án.
Để giảm lãi vay và trả nợ gốc, TTF quyết định phát hành 100 triệu cổ phần riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phần. Thừa nhận sẽ có nhiều cổ đông e dè về phương án phát hành này khi nhìn vào kế hoạch kinh doanh năm 2017 và 2018, cộng với thị giá hiện tại của TTF nhưng ông Tín vẫn bày tỏ phải phát hành để chấm dứt việc trả lãi 11%/năm. Ông Tín nêu năm 2016, chi phí lãi vay của TTF lên tới 273 tỷ đồng.
Mục tiêu của TTF là kéo lãi vay về mức 5 - 6%, do đó TTF phải làm việc với các ngân hàng lớn, bản thân công ty phải sạch sẽ, không còn nợ, ông Tín nói. Theo báo cáo tài chính hợp nhất tại ngày 31/3, tổng nợ phải trả của TTF là 3.432 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính 2.562 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc TTF nói trong đợt phát hành 1.000 tỷ đồng, nếu cổ đông bên ngoài còn e ngại và không mua, ông cùng ông Hồ Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT sẽ mua. Theo dự kiến, việc phát hành thực hiện trong quý III/2017 và tới tháng 10/2017, TTF sẽ hết nợ ngân hàng nhờ phát hành, bán tài sản đầu tư ngoài ngành.
Về phần kinh doanh lõi, trước hết TTF sẽ thay đổi đầu tư về thiết bị, con người và quản trị. Trước đây, để sản xuất 1m3 ván ép, TTF cần 7 người trong khi bình quân ngành chỉ cần 2 người. Điều này cho thấy TTF thua thị trường về năng suất và giá thành.
Do đó, TTF dự định giảm 300 lao động trên tổng số 1.300 lao động hiện có của công ty; đầu tư thêm máy móc, dây chuyền hiện đại bằng chuẩn mực Đông Nam Á... Theo ước tính của ông Tín, TTF chỉ cần đầu tư thêm khoảng 100 tỷ đồng là mọi thứ sẽ êm xuôi, con số đầu tư không lớn hơn. Tuy nhiên, đó là việc sau khi trả hết nợ.
Về định hướng đầu ra cho sản phẩm, bước đầu, Tập đoàn Vingroup là khách hàng của TTF với thỏa thuận nguyên tắc trị giá 16.000 tỷ đồng. Ông Tín nói TTF cũng vừa ký thỏa thuận chiến lược với Tập đoàn Đất Xanh. Sắp tới, công ty sẽ không ngừng tìm kiếm khách hàng mới và sẽ mở rộng sang các đơn vị phát triển bất động sản khác. Đối với mảng xuất khẩu, TTF tiếp tục giữ lại các khách hàng tốt vì TTF có lợi thế về mảng này.
Trong dài hạn, theo ông Tín, KCN Nam Tân Uyên có hệ thống kho chứa đồ gỗ lớn nhất trên thế giới. Nếu hình dung 100 đơn vị bán lẻ đồ gỗ lớn nhất thế giới thì hơn 50% đang chứa hàng trong các kho đó. Trong 3 năm tới, doanh số xuất khẩu gỗ của Việt Nam là 10 tỷ USD, trong đó khu Nam Tân Uyên, Bình Dương sẽ đáp ứng được 60% doanh số này. Do đó, ông Tín cùng nhiều doanh nghiệp ngành gỗ sẽ thành lập trung tâm sản xuất gỗ của Việt Nam tại đây, đảm bảo đạt chuẩn thế giới.
Ông Tín cho biết, điều quan trọng của nhóm cổ đông mới tham gia điều hành công ty là sự nỗ lực làm thực. Vì vậy, con số lãi năm 2017 sẽ là lãi thực, và quý II đến quý IV/2017, TTF sẽ có lãi và sẽ thoát khỏi diện kiểm soát.
Xuyên suốt thời gian tổ chức Đại hội, ông Tín nhiều lần nhấn mạnh việc minh bạch các vấn đề của TTF, nhìn nhận thẳng vào sự thật về những tồn đọng của công ty và giải thích rõ ràng để cổ đông tường tận.
Ông Hồ Anh Dũng nêu biết quyết tâm của Ban điều hành về việc tái cấu trúc TTF, phấn đấu xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp sạch, sạch về nợ ngân hàng, sạch về hàng tồn kho. Việc tái cấu trúc toàn diện TTF giống như xây một ngôi nhà, ông Dũng kỳ vọng năm sau sẽ thấy một TTF chuyển mình.
Khổng Chiêm
Theo Kinh tế & Tiêu dùng