Trong gần 10 năm qua, hầu hết các ông chủ ngân hàng trong khối cổ phần (không có yếu tố nhà nước) đều ngả mũ trước ACB. Thế nhưng...
Trong gần 10 năm qua, hầu hết các ông chủ ngân hàng trong khối cổ phần (không có yếu tố nhà nước) đều ngả mũ trước ACB. Thế nhưng...
Sau sự kiện người dân nghe tin đồn kéo đến rút tiền hàng loạt năm 2003, ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) đã phục hồi và tiến tới duy trì vị thế như một nhà tạo lập lớn trên thị trường, trong gần 10 năm.
Nhưng rồi đến ngày 20/8/2012, ngân hàng này đã gặp phải sự cố, với vụ bắt giữ “bầu Kiên”. Từ đây, nảy sinh một câu hỏi: liệu cơ quan quản lý đã sẵn sàng rọi sáng xuống phần tối ngay dưới chân đèn?
Đại hội cổ đông bất thường của ACB, diễn ra hôm 26/12/2012.
Khi tiền mặt là vua
Trong gần 10 năm qua, hầu hết các ông chủ ngân hàng trong khối cổ phần (không có yếu tố nhà nước) đều ngả mũ trước ACB, trước khi nghĩ đến Sacombank, DongAbank hay Eximbank.
Bởi ở ngân hàng này, hội tụ nhiều yếu tố mà bất cứ ngân hàng nào khác cũng thèm muốn: tiềm lực tài chính, quy mô mạng lưới, hình ảnh thương hiệu, quản trị rủi ro, và cả những cá nhân xuất sắc trong ban điều hành.
Thế nên, vụ bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên, tức “bầu Kiên”, người được coi là có nhiều ảnh hưởng tại ACB - dù lượng cổ phần nắm giữ của ông không lớn, cũng khiến nhiều người bất ngờ.
Có lẽ cơ quan quản lý đã tiên lượng ít nhiều về tác động xấu của vụ bắt giữ, nhưng ít ai ngờ tới sự phản ứng của thị trường: hai sàn chứng khoán đỏ rực, thanh khoản của ACB và các ngân hàng có dan díu cổ phần với “bầu Kiên” căng như dây đàn, giá mua - bán vàng miếng thì tăng chóng mặt...
Nhưng, đó mới chỉ là những gì hiện ra trên bề mặt của thị trường như một bức ảnh chụp cắt lớp, còn phía sau sự cố đó thì sao?
|
"Với hình thức đan chéo cổ đông giữa các ngân hàng như thế này, Ngân hàng Nhà nước không bao giờ quản lý nổi dòng vốn trên thị trường 2 thực hư như thế nào, bởi số liệu vay giả và vay thật rất khó kiểm soát. "
Ý kiến của một Vụ trưởng của Ngân hàng Nhà nước
|
|
Trước hết, về năng lực tài chính, khả năng huy động nguồn của ACB thì không phải bàn cãi, khi luôn dồi dào thanh khoản. Với năng lực tài chính như vậy, ACB khó có thể thể tiêu hóa vốn ở mức cần thiết trên thị trường 1, vì thế, buộc phải đẩy vốn ra trên thị trường 2 (liên ngân hàng) và các danh mục đầu tư tài chính khác.
Năm 2008 so với 2007, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 19,89%, CPI bình quân năm đó tăng 22,97%, Chính phủ buộc phải thắt chặt tiền tệ. Và thời của ACB đã đến.
Hệ quả của thắt chặt là từ người dân đến doanh nghiệp và ngân hàng bị đè nặng bởi tâm lý “kẹt tiền” nên găm giữ lại trong tài khoản hoặc két sắt, làm cho vòng luân chuyển vốn bị xơ cứng, thậm chí tê liệt. Bất cứ đâu, ở giao dịch nào, tiền mặt là vua! ACB với thế mạnh tiềm lực tài chính như nói trên, cộng với nguồn tiền gửi duy trì đều đặn, đã đẩy vốn ra cho các tổ chức tín dụng khác vay với lãi suất rất cao.
Đã có dị nghị rằng, để cho vay được nhiều hơn, đắt hơn trên thị trường 2, ACB còn vươn tay nắm giữ cổ phần ở nhiều ngân hàng khác, rồi rót tiền cho các ngân hàng này dưới hình thức vay giả với mục đích thổi giá đối với với các tổ chức tín dụng cần tiền.
Một vụ trưởng của Ngân hàng Nhà nước thời đó chia sẻ với người viết: “Với hình thức đan chéo cổ đông giữa các ngân hàng như thế này, Ngân hàng Nhà nước không bao giờ quản lý nổi dòng vốn trên thị trường 2 thực hư như thế nào, bởi số liệu vay giả và vay thật rất khó kiểm soát”.
Thời thế đổi thay
Hai năm 2008 - 2009, thị trường ghi nhận lãi suất liên ngân hàng cao ngất ngưởng, thậm chí vọt tới 43%/năm (2008). Trong bối cảnh đó, ACB và một số ngân hàng lớn đã bội thu nhờ thị trường 2.
Khi Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản siết lại trần lãi suất và quy mô giao dịch vay mượn trên thị trường liên ngân hàng, việc cho vay giữa các tổ chức tín dụng không thể "thoải mái" như trước, ACB và nhiều ngân hàng đã tìm ra cách giao tiền cho các nhân viên của mình mang tiền gửi ở các ngân hàng thiếu thanh khoản, dưới dạng các hợp đồng cá nhân.
Khi công an bắt giữ bà Huỳnh Thị Huyền Như, lãnh đạo phòng giao dịch của một ngân hàng lớn, thì mới lộ ra vụ việc 19 nhân viên ACB được cơ quan ủy thác gần 800 tỷ đồng gửi cho bà Như qua thị trường 1 và bị bà này chiếm đoạt. Đến nay, vụ việc đang trong vòng tố tụng.
Tiếp đó là câu chuyện "rút ruột" ngân hàng. Trong quy định Luật Tín dụng 2010, Nhà nước cấm cản việc “cho vay người liên quan”, tức: chủ tịch, thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành không được sử dụng tiền của ngân hàng mình cho vay người thân. Thế nhưng, nhiều ngân hàng trong đó có ACB đã nghĩ ra những cách để lách, mà câu chuyện chủ ngân hàng lập doanh nghiệp riêng và phát hành trái phiếu, sau đó, ngân hàng của mình mua là một ví dụ.
Còn doanh nghiệp đó sử dụng tiền ngân hàng để làm gì, thì chỉ có chủ ngân hàng đó biết mà thôi. Bởi, theo Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chỉ được phép lục sổ sách của dòng tiền trong hệ thống ngân hàng, còn khi tiền ra khỏi tổ chức tín dụng vào doanh nghiệp khác thì không có quyền biết chúng ở đâu.
Tất nhiên, nhiều ngân hàng cũng dùng cách này cho doanh nghiệp vay để lách quy định khống chế chỉ tiêu tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đã quy định cho các đơn vị trong hệ thống trong các năm 2010 và 2011.
|
"Trong tình cảnh cả làng phải mua vàng trả nợ, giá vàng đã vọt lên 48 triệu đồng/lượng và không một khoản lãi nào trước đó có thể bù đắp được thiệt hại này."
|
|
Mặt khác, nói đến sự cố ACB mà không đề cập đến mất thanh khoản vàng, dẫn đến tổng tài sản và lợi nhuận sụt giảm là một thiếu sót lớn.
Có lẽ, trong giới ngân hàng, ACB là đơn vị kinh doanh vàng sớm nhất, trước đó là vàng tài khoản và khi vàng tài khoản bị cấm thì vàng miếng là danh mục đầu tư mang lại nguồn lợi lớn cho ngân hàng này. Khi giá vàng chỉ có 42 triệu đồng/lượng, ACB và nhiều ngân hàng khác đã huy động vàng rất lớn và bán lấy VND kinh doanh trên liên ngân hàng và các danh mục đầu tư khác. Loại trừ giá vốn ước khoảng 5%/năm, gửi liên ngân hàng khoảng 17% - 20%/năm (tùy thời điểm), ACB và các ngân hàng lãi lớn.
Nhưng ít ai trong số họ tiên lượng được kết cục sắp bày ra trước mắt, đó là Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng. Hạn tất toán vàng đến và dù được lùi tới hai lần nhưng các ngân hàng vẫn không mua đủ số vàng trả lại cho người gửi. Trong tình cảnh cả làng phải mua vàng trả nợ, giá vàng đã vọt lên 48 triệu đồng/lượng và không một khoản lãi nào trước đó có thể bù đắp được thiệt hại này.
Kết thúc một năm hoạt động ngành ngân hàng, điểm lại những hoạt động của hệ thống, không thể không nhắc đến sự cố ACB. Nhưng xét cho cùng, không chỉ một mình ACB kinh doanh như vậy, đó cũng là tình trạng chung trong hệ thống ngân hàng, dù ở mức độ này hay mức độ khác. Cách làm ăn đó đã để lại thiệt hại lớn cho họ, từ sự trượt giá vàng đến câu chuyện “nợ đồng lần” với nhau trên thị trường liên ngân hàng như một “cục máu đông thứ hai” sau vấn đề nợ xấu, hay việc rút ruột ngân hàng cho công ty sân sau, hay đan chéo sở hữu…
Có người nói rằng: nhiều khi phần sáng của ngọn đèn chưa hẳn đã chiếm giữ một không gian lớn hơn phần bóng tối ngay phía dưới chân đèn! Vấn đề là cơ quan quản lý đã sẵn sàng rọi ánh đèn vào phần bóng tối đó, và rọi ở mức nào?
Theo VnEconomy