Vở kịch Dưới ánh đèn do NSND Trần Nhượng làm đạo diễn phơi bày những góc khuất nghiệt ngã của người theo đuổi đam mê nghệ thuật, sẽ chinh phục khán giả Thủ đô vào ngày 22/7 tới tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt Xô.
Phía sau ánh hào quang, những góc khuất của giới showbiz Việt luôn là đề tài được nhiều khán giả quan tâm. Điện ảnh Việt đã có nhiều bộ phim lột tả được sự khắc nghiệt, thị phi phía sau ánh đèn sân khấu, giải đáp phần nào những tò mò của khán giả, có thể kể đến: Những cô gái chân dài (2004), Scandal – Bí mật thảm đỏ (2012), Âm mưu giày gót nhọn (2013), Thần tượng (2013), Chàng trai năm ấy (2014), Chờ em đến ngày mai (2016), Siêu sao siêu ngố (2018)…
Lần đầu tiên trên sân khấu kịch nói, bí mật phía sau ánh đèn sân khấu, sau thảm đỏ được hé lộ trong vở kịch Dưới ánh đèn. Nước mắt, đắng cay, những nỗi xót xa tủi nhục sẽ được các nghệ sĩ “phơi bày” trên sân khấu.
Vở kịch Dưới ánh đèn kể về cuộc đời chàng ca sĩ Bảo Long (ca sĩ Long Nhật thủ vai). Vì quá đam mê nghệ thuật và ánh đèn sân khấu, Bảo Long quyết tâm dấn thân vào con đường làm nghề ca hát, bất chấp sự phản đối của cha - kép Bền (nghệ sĩ Quang Tèo).
Vở kịch Dưới ánh đèn kể về cuộc đời chàng ca sĩ Bảo Long (ca sĩ Long Nhật thủ vai)
Lý do kép Bền cấm con trai theo đuổi nghệ thuật bởi trước đây, chính ông cũng đi con đường đó nhưng gặp quá nhiều chông gai và nghiệt ngã. Kép bền là một diễn viên tuồng gặp tai nạn nghề nghiệp và gặp sự ghen ghét đố kị của đồng nghiệp, ông đã mang nỗi hận nghề cả đời và luôn tìm mọi cách cấm con trai theo nghiệp của mình.
Đúng như lời cha, Bảo Long sau đó đã phải nếm trải những cay đắng phía sau ánh đèn lung linh của sân khấu. Anh bị ép đi hát trong tất cả các đám hiếu – hỉ, mừng thôi nôi, sinh nhật, và phải hát các thể loại nhạc thị trường như khán giả yêu cầu…
Khi Bảo Long phản đối lại lời của bầu show, rơi vào cạm bẫy của ông bầu Nghệ (đạo diễn Nguyễn Công Vượng) và sự hãm hại của đồng nghiệp Lộc (Mạnh Kiên), Bảo Long mất tất cả: mất tình cảm của gia đình, mất người yêu và con đường đường sự nghiệp nghệ thuật sụp đổ vì vướng phải tin đồn góp mặt trong đường dây bán dâm xuyên quốc gia…
Thông qua câu chuyện cuộc đời ca sĩ Bảo Long, những góc tối phía sau ánh đèn sân khấu với sự cạnh tranh, ganh đua khắc nghiệt từ từ được phơi bày. Trái ngược với vẻ lộng lẫy, hào nhoáng trên sân khấu, người nghệ sĩ phải nếm trải biết bao cay đắng, tủi nhục… dưới ánh đèn.
Vở kịch Dưới ánh đèn do NSND Trần Nhượng là đạo diễn, nhà văn-nhà viết kịch Chu Thơm là tác giả kịch bản.
Điểm hấp dẫn của Dưới ánh đèn là câu chuyện, tình huống trong vở diễn rất gần gũi với hiện thực đời sống mà hầu như nghệ sĩ nào cũng từng trải qua. Chẳng hạn như việc để kiếm tiền, đôi khi người nghệ sĩ phải làm cả những điều mình không mong muốn, những “trò bẩn” trong giới showbiz, nghệ sĩ phải đối diện với những tin đồn ảnh hưởng danh dự uy tín và có thể phải từ giã con đường nghệ thuật…
Thêm vào đó, đạo đạo diễn - NSND Trần Nhượng đã làm cho sân khấu trở nên rất thật, rất gần gũi, rất đời khi mời “ông bầu” Nguyễn Công Vượng, nghệ sĩ Quang Tèo và ca sĩ Long Nhật thủ vai vai chính… Các nghệ sĩ như được “đo ni đóng giày” với nhân vật mình đảm nhiệm nên họ diễn mà như không diễn, diễn mà như đang kể lại cuộc đời mình.
Cũng theo NSND Trần Nhượng, các nghệ sĩ này sở hữu một lượng fan khá lớn ở ngoài đời, nên sẽ có ưu thế trong việc “lôi kéo” fan của họ đến với vở diễn. Thưởng thức vở kịch, khán giả cũng phần nào hiểu được câu chuyện nghề, chuyện đời của các nghệ sĩ họ yêu mến.
Nói thêm về những ý tưởng táo bạo của mình khi đưa vào vở diễn, NSND Trần Nhượng chia sẻ: “Chúng tôi cũng muốn thử nghiệm một cái gì đó mới mẻ và táo bạo một chút, để thăm dò thị hiếu của khán giả xem bây giờ họ cần gì? Khán giả đến xem kịch nhưng được nghe Long Nhật hát thì họ có thích không? Xem kịch mà được thưởng thức cả vũ công belly dance biểu diễn, họ có thấy hào hứng?
Tôi cũng biết, sự thử nghiệm đó là liều lĩnh, nhưng khi đón nhận phản hồi tích cực từ khán giả, tôi thấy tự tin hơn nhiều, không thử thách thì làm sao phát hiện được những điều mới mẻ”.
Với sự tìm tòi và không ngại thử thách này, tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018 vừa qua, Dưới ánh đèn đã giành được 4 huy chương: 2 HCV và 1 HCB cho diễn viên, 1 HCB cho vở diễn.
Nhà phê bình nghệ thuật PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Thái, thành viên Ban giám khảo, chia sẻ sự kinh ngạc khi xem vở diễn Dưới ánh đèn. Bà nhận xét, đây là vở diễn đầy cảm xúc, đáng xem bởi các nghệ sĩ đã rất thăng hoa trên sân khấu. Nữ giám khảo đánh giá cao sự kết hợp giữa âm nhạc, ánh sáng và xử lý sân khấu với nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau trong vở diễn.
Nhà viết kịch, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Lê Quý Hiền khẳng định, thành công của vở diễn là có những tìm tòi đóng góp vào sự phát triển của kịch nói. Vở diễn đã đưa các loại hình nghệ thuật khác vào làm phong phú sân khấu, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của nhiều tầng lớp khán giả.
Sau khi đã “chinh phục” ban giám khảo Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018 và lưu diễn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, Dưới ánh đèn tiếp tục được gửi tới khán giả Thủ đô lúc 20h ngày 22/7 tới tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt Xô. Các nghệ sĩ tham gia vở diễn đang rất háo hức được đem đến cho khán giả Hà Nội một đêm thưởng thức nghệ thuật nhiều cảm xúc.
Thanh Hoa
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng