Theo nhận định của một số chuyên gia phân tích, gói cứu trợ 86 tỷ euro vừa qua sẽ không thể mang lại một phép nhiệm màu cải thiện cuộc sống của người dân trước mắt, đảm bảo tương lai chính trị cho Thủ tướng Alexis Tsipras và đảng Syriza cầm quyền.
Người được hưởng trợ cấp và lĩnh lương hưu xếp hàng chờ đợi bên ngoài trụ sở Ngân hàng quốc gia Hy Lạp đã đóng cửa ở Thessaloniki. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Châu Âu có nguy cơ sẽ tiếp tục mâu thuẫn và rơi vào vòng luẩn quẩn của những món nợ công và các gói cứu trợ không biết đến ngày hoàn trả.
Tuần trước, các chủ nợ đã đồng ý cho Hy Lạp vay thêm 86 tỷ euro. Để đổi lại, Athens sẽ phải tăng thuế và thúc đẩy việc tư hữu hóa. Điều đó dẫn đến nguy cơ xung đột và mâu thuẫn trong xã hội nước này ngày càng cao, và cái giá phải trả có thể là sự sụp đổ của chính phủ của Thủ tướng Tsipras.
Tăng thuế nhiều khả năng sẽ càng khiến xã hội Hy Lạp trở nên căng thẳng và người dân thêm bất mãn, do những năm tháng "thắt lưng buộc bụng" để vay nợ đã khiến họ bị bần cùng hóa và đẩy hàng triệu người ra đường vì thất nghiệp. Trong khi đó, việc thúc đẩy tư hữu hóa, với việc cổ phần hóa các cảng biển lớn cũng như hệ thống đường sắt quốc gia Hy Lạp được cho là một hình thức phụ thuộc chặt chẽ hơn nữa về chính sách kinh tế của chính phủ nước này vào Liên minh châu Âu (EU).
Giới bình luận kinh tế ở Italy cũng tỏ ra lo ngại về việc cứu Hy Lạp khỏi kịch bản phải rời Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) bằng những khoản vay. Châu Âu tiếp tục đổ tiền của cho Athens và không biết đến khi nào mới nhận lại tiền. Về lâu về dài, việc một khi Hy Lạp không trả nợ đúng kỳ hạn có thể dẫn đến những bất đồng trong EU và Eurozone.
Dù đã đạt được thỏa thuận vay nợ, nhưng Thủ tướng Tsipras có khả năng phải trả giá đắt: đảng Syriza đang mất đa số ở Quốc hội và một cuộc bầu cử trước thời hạn có khả năng sẽ diễn ra vào đầu năm tới, đẩy tình hình chính trị Hy Lạp vào tình trạng xáo trộn nghiêm trọng và khiến đất nước này chìm sâu hơn trong suy thoái. Điều đó đe dọa sự ổn định và phát triển của chính EU, mà Hy Lạp là một thành viên trong đó.
Trong khi đó, nhà kinh tế học Bruno Colmant, giáo sư tại trường đại học Solvay Business School (Bỉ) nhận định rằng các nhà lãnh đạo châu Âu và các chủ nợ của Hy Lạp chỉ mang đến cho Athens một giải pháp tạm thời, với mục đích tránh cho quốc gia này nguy cơ phải ra khỏi Eurozone.
Giáo sư Bruno Colmant cho rằng gói cứu trợ tài chính thứ ba mà Eurogroup vừa thông qua cho Hy Lạp “không phải một kế hoạch tốt." Hơn một chục tỷ euro sẽ được sử dụng để tái cấp vốn cho các ngân hàng đang kiệt quệ. Kế hoạch này cũng cung cấp cho các ngân hàng Hy Lạp khả năng tiếp tục sử dụng khoản nợ quốc gia như một “tài sản thế chấp” cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Theo giáo sư Bruno Colmant, hệ thống ngân hàng của Hy Lạp đã tạm thời được cứu vãn khỏi nguy cơ đổ vỡ, nhưng điều cốt lõi của vấn đề đặt ra hiện nay là GDP của Hy Lạp (trừ quý 2 năm nay) có xu hướng suy giảm.
Khi được hỏi về việc liệu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có xóa một phần nợ cho Athens không, giáo sư Bruno Colmant khẳng định chắc chắn là có với ba lý do. Thứ nhất, nợ công của Hy Lạp hiện nay tương đương 170% GDP. Tỷ lệ này vẫn còn cao. Sau khoản giảm nợ đầu tiên của các chủ nợ, nợ công của Hy Lạp vẫn cao trong khi GDP không tăng. Thứ hai, khoản tiết kiệm của quốc gia không bao giờ đủ để tiếp tục trả nợ mà điều này phải được các quốc gia Eurozone, ECB, IMF liên tục tái cấp vốn. Như vậy có một sự phụ thuộc của Hy Lạp vào các định chế tài chính này. Thứ ba, nợ được tính bằng đồng euro.
Anh Ngọc - Quang Thanh - Hương Giang
theo Vietnam+