Sự kiện hot
3 năm trước

Gói thầu EPC dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3-4: Cần đảm bảo minh bạch trong đấu thầu

Trước ý kiến của nhà thầu cho rằng, tiêu chí mà chủ đầu tư gói thầu EPC nhà máy điện Nhơn Trạch 3-4 đưa ra có điểm chưa đảm bảo về tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả của dự án… Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản trao đổi với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

goi thau epc du an nha may dien nhon trach 3 4 lieu co dam bao minh bach trong dau thau
Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 (Ảnh minh họa).

Gói thầu Thiết kế, mua sắm, xây dựng, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu (EPC) Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 do Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power) làm chủ đầu tư có giá 24.147,637 tỷ đồng. Phương thức lựa chọn nhà thầu là 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ; Bảo đảm dự thầu 370 tỷ đồng. Sau khi được phê duyệt, Hồ sơ mời thầu của gói thầu EPC được phát hành ngày 28/3/2021 và đóng thầu vào ngày 6/7/2021. Tuy nhiên, do đề nghị của một số nhà thầu, PV Power đã gia hạn thời gian đóng thầu vào lúc 13h30 ngày 6/8/2021 và thời điểm mở thầu vào lúc 14h00 cùng ngày. Dẫu vậy, đến thời điểm đóng thầu hôm 6/8/2021, đã có ít hơn 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Do đó, PV Power lại quyết định gia hạn thời điểm đóng thầu tới 13h30 ngày 23/8/2021 và thời điểm mở thầu là 14h cùng ngày.

Được biết, đến nay có 16 nhà thầu trong nước và quốc tế quan tâm đến dự án này. Tuy nhiên, rất nhiều công ty lớn như Mitsubishi, Siemens và Huyndai…  đã có có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đề nghị xem xét lại gói thầu, bởi các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu đang khiến các doanh lớn trên sẽ sớm bị loại do không đáp ứng được.

Cụ thể, qua tìm hiểu, hồ sơ mời thầu dự án nêu trên yêu cầu nhà cung cấp phải có kinh nghiệm trong việc sản xuất tua-bin khí giống như thiết bị của gói thầu, cung cấp ít nhất 02 tổ máy trên toàn cầu, trong đó có ít nhất 01 tổ máy đã đưa vào vận hành thương mại. Theo ghi chú thì các tua-bin khí này phải giống với các tua-bin khí được đề xuất cho gói thầu, cụ thể có 6 tiêu chí: Có cùng phiên bản tua-bin khí; Có cùng lớp lót buồng đốt và nguyên lý đốt giống nhau; Có cùng nhiệt độ đầu vào tua-bin; Có phần lưu lượng giống nhau đối với máy nén và tua-bin khí; Có cùng số lượng tầng cánh máy nén, cánh động và cánh tĩnh tua-bin; Có cùng kiểu làm mát buồng đốt”. 6 tiêu chí này chỉ có duy nhất nhà thầu sử dụng thiết bị của GE là Samsung C&T Corporation đảm bảo yêu cầu. Như vậy, nếu tổ chức đấu thầu thì Samsung C&T Corporation sẽ “một mình một ngựa” chiến thắng.

Qua đó, dư luận cho rằng tính cạnh tranh, hiệu quả kinh tế khó có thể được đảm bảo, còn có nguyên nhân xuất phát từ vị thế độc quyền của nhà cung cấp thiết bị chính (OEM) mà chủ đầu tư PV Power chưa quan tâm xử lý, mặc dù được nhiều nhà thầu kiên trì kiến nghị trong suốt thời gian dài kể từ khi phát hành hồ sơ mời thầu.

Được biết gói thầu EPC có phần thiết bị chính được cung cấp bởi các OEM - chiếm khoảng dưới 40% giá trị trong khi có hơn 60% còn lại là do tổng thầu EPC (cùng với các nhà thầu phụ trong nước) đảm nhận, và đây cũng là pháp nhân tham dự thầu, chịu trách nhiệm duy nhất trước Chủ đầu tư trong quá trình đấu thầu và thực hiện dự án nếu trúng thầu.

Ngày 17/5/2021, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 638/QLĐT-CS hướng dẫn thỏa thuận độc quyền (như mô tả ở trên) là một trong những hành vi thông thầu, bị cấm theo Điều 89, Khoản 3, Điểm c của Luật Đấu thầu, có thể dẫn đến việc phải hủy thầu, đồng thời cũng là dấu hiệu của hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo Điều 11 của Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14. Do vậy, Cục Quản lý đấu thầu đã khuyến cáo “để tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, hạn chế việc từ chối bán hàng hóa của nhà cung cấp thiết bị gốc, gây khó khăn cho các nhà thầu tham dự thầu, thì trong hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư cần đưa ra quy định cụ thể về việc xử lý đối với hành vi hạn chế cạnh tranh nói trên”.

Một chuyên gia trong lĩnh vực Điện khí cho rằng, ở đây nên tham khảo các quy định về đấu thầu cho các gói thầu tương tự (cùng lĩnh vực, cùng các OEM) ở các nước trên thế giới, theo đó, chủ đầu tư dự án thường đặt ra yêu cầu trong hồ sơ mời thầu về việc nghiêm cấm hành vi thỏa thuận độc quyền giữa OEM và nhà thầu EPC; nếu có thỏa thuận như vậy, thì cả OEM và nhà thầu EPC đều bị loại. Quy định tưởng chừng rất đơn giản này nhưng lại có tác dụng làm gia tăng mạnh mẽ tính cạnh tranh, và người hưởng lợi đương nhiên là Chủ đầu tư khi có giá cả tốt nhất, kỹ thuật đảm bảo và cuối cùng, người tiêu dùng điện và tổng thể nền kinh tế được lợi.

Liên quan đến vấn đến những vấn đề phản ánh, kiến nghị của nhà thầu đối với dự án Nhơn Trạch 3-4, ngày 04/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức xem xét, xác minh và giải quyết nhằm đảm bảo tính cạnh tanh, hiệu quả của gói thầu và dự án, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà thầu, tránh để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.

PV

Từ khóa: