Sự kiện hot
13 năm trước

Góp đất lập hợp tác xã kiểu mới

Thông qua mô hình Hợp tác xã (HTX), hộ nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sẽ góp đất lại để tích tụ thành cánh đồng mẫu lớn, tạo ra thị trường nông sản quy mô lớn...

Thông qua mô hình Hợp tác xã (HTX), hộ nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sẽ góp đất lại để tích tụ thành cánh đồng mẫu lớn, tạo ra thị trường nông sản quy mô lớn...

Đó là ý kiến của các đại biểu (ĐB) trong phiên thảo luận về Luật HTX sửa đổi tại Quốc hội (QH) sáng 19.6.

Cần "cởi trói" cho HTX

Mở đầu phiên thảo luận, ĐB Đinh Huy Chiến (Thái Nguyên), Chủ nhiệm HTX Chiến Công đi ngay vào vấn đề chưa thống nhất hiện nay là bản chất của HTX, "HTX khác gì mô hình doanh nghiệp (DN)"? "Giữa HTX và DN có sự khác biệt là trong đại hội xã viên, mỗi người một phiếu bầu, khác biệt ở mục đích thành lập, các nguyên tắc hoạt động, quyền và nghĩa vụ của xã viên đối với HTX và quy định về quản lý phân phối. Tuy nhiên, nếu không xác định HTX là DN lại tác động rất lớn đến tư duy kinh tế của HTX, đưa HTX về gần hơn với tổ chức xã hội, mất đi động lực phát triển theo chiều sâu, cuối cùng chất lượng phục vụ của thành viên không được nâng cao" - ĐB Chiến nói.

Đại biểu Đinh Huy Chiến (Thái Nguyên) phát biểu tại hội trường sáng 19.6.

Nhất trí với quan điểm HTX là loại hình DN đặc thù như trên, song nhiều ĐB cho rằng, do HTX thành lập ra để tạo cơ hội cho những người yếu thế, nông dân và công nhân sản xuất nhỏ lẻ, sức cạnh tranh kém nên các quy định cần cởi mở hơn. ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) cho rằng, dự thảo quy định Nhà nước quản lý tỷ lệ hàng hóa, dịch vụ bán ra ngoài cộng đồng xã viên là "vô lý" vì sẽ hạn chế nguồn thu của xã viên và đưa HTX quay lại với mô hình tự cung tự cấp trước đây.

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, quy định phân chia lợi nhuận được quy định cụ thể trong dự thảo là áp đặt đối với xã viên và HTX, lấy mất của họ các quyền cơ bản tối thiểu, định đoạt thành quả lao động về tài sản, không tương thích với những quy định về quyền kinh doanh, quyền sở hữu, quyền quyết định, định đoạt tài sản của công dân và tổ chức.

Hầu hết các ĐB đồng thuận với chủ trương cho phép HTX được góp vốn, liên kết thành lập DN để tạo đà phát triển cho HTX. Về tỷ lệ góp vốn, ĐB Đinh Huy Chiến cũng đề nghị vẫn giữ ở mức cao nhất cho một xã viên là 30% như hiện nay chứ không nên giảm đột ngột xuống 20% như dự thảo để tránh gây khó khăn về vốn và mất ổn định cho HTX.

Ưu tiên trước hết cho HTX nông nghiệp

Khẳng định đây là mô hình kinh tế mang bản sắc của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, thể hiện sự quan tâm đến các thành phần "yếu thế", các ĐB đề nghị Nhà nước cần có những hỗ trợ cụ thể hơn về vốn, tín dụng ưu đãi, đất đai, đào tạo cán bộ và khoa học công nghệ... ĐB Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định) cho rằng, nông dân đang phải chịu nhiều rủi ro trong sản xuất, khó khăn về kinh tế. Dự thảo phải có một chương riêng về HTX nông nghiệp quy định các ưu đãi đối với HTX nông nghiệp. Thông qua HTX, nông dân sẽ được hưởng thụ các dịch vụ, chính sách ưu đãi.

Theo ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), việc thành lập HTX kiểu mới theo phương thức góp đất nông nghiệp sẽ nhanh chóng hình thành nên các cánh đồng mẫu lớn. Từ đó tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, đồng nhất, nâng cao hiệu quả cạnh tranh bằng việc áp dụng khoa học, công nghệ và máy móc. Cuối cùng, "nông dân tiêu thụ được hàng hóa dễ dàng thông qua HTX với giá cả hợp lý, tránh được nguy cơ được mùa mất giá, được giá mất mùa như hiện nay" - ĐB Tuấn nói.

Nhiều ĐB cũng cho rằng, một "thiếu sót" của dự thảo là chưa quy định các điều khoản để kiểm soát các DN núp bóng các HTX để hưởng chính sách ưu đãi.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát: Các HTX rất khát vốn

Hiện nay, cả nước ta có 14.500 HTX, trong đó có tới 9.085 HTX nông nghiệp với 6,7 triệu xã viên là các hộ nông dân nhỏ, lẻ. Về cơ bản, xã viên vào HTX nông nghiệp, ruộng đất nhà ai vẫn của nhà ấy. Xã viên chỉ góp vốn để mua sắm một số tài sản chung cần thiết để làm dịch vụ cho chính mình mà một hộ không làm được hoặc làm kém hiệu quả. Thay vì chủ yếu làm dịch vụ cho người khác như các HTX dịch vụ, thậm chí 95% các HTX chuyển đổi thì xã viên không góp vốn thêm mà chỉ tiếp tục khai thác các hệ thống thủy lợi và cơ sở vật chất đã có từ trước.

Do vậy, đa số các HTX nông nghiệp hiện nay có rất ít vốn, bình quân chỉ có 816 triệu đồng. Trong đó 31% là vốn lưu động và thực tế 80% HTX đang làm dịch vụ thủy lợi, 30% làm dịch vụ cung ứng vật tư, 97% làm dịch vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, 20% làm dịch vụ làm đất... Do vậy, quy định về điều kiện thành lập, vận hành, và chính sách của Chính phủ đối với HTX nông nghiệp phải khác so với HTX dịch vụ và DN.

Chính sách ưu đãi cho HTX nông nghiệp thực chất là chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hộ nông dân nên phải khác so với HTX dịch vụ và DN. Những đặc thù đó nên được thể hiện trong luật này, sau khi Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ có nghị định hướng dẫn thi hành...

Bảo An (ghi)

theo Dân Việt

Từ khóa: