Sự kiện hot
12 năm trước

GP Bank và Đại Tín trước giờ tái cơ cấu

Thống đốc NHNN cho biết, từ đầu năm tới nay, NHNN đã tiến hành thanh tra toàn diện các ngân hàng yếu kém, cùng với 27 tổ chức tín dụng khác.

Thống đốc NHNN cho biết, từ đầu năm tới nay, NHNN đã tiến hành thanh tra toàn diện các ngân hàng yếu kém, cùng với 27 tổ chức tín dụng khác.

Kết quả thanh tra toàn diện 6 ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần yếu kém thuộc dạng phải tái cơ cấu lại cho thấy: Theo số liệu sổ sách thì hầu hết các nhà băng này đều có lãi, nhưng sau khi tiến hành thanh tra, đánh giá lại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định lại lỗ, cá biệt có những ngân hàng lỗ nặng và mất cả vốn điều lệ.

Trong 6 NHTM cổ phần đó thì NHTM cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank) đã sáp nhập vào với NHTM cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB); NHTM cổ phần Tiên Phong (TienPhongBank) và NHTMCP Nam Việt (Navibank) đã có phương án tự cơ cấu lại. NHTM cổ phần Phương Tây (WesternBank) dự kiến cũng sẽ đưa ra phương án tái cơ cấu tại đại hội cổ đông vào tháng này hoặc tháng sau. Còn hai ngân hàng là NHTM cổ phần Đại Tín (TrustBank) và NHTM cổ phần Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank) hiện vẫn chưa có phương án tối ưu nào.

GP.Bank có tiền thân là NHTM cổ phần Nông Thôn Ninh Bình gồm 5 phòng giao dịch và kinh doanh vàng bạc tại tỉnh Ninh Bình. Năm 2005, ngân hàng chuyển đổi thành NHTM cổ phần đô thị hoạt động tại Hà Nội với tên gọi là NHTM cổ phần Toàn Cầu. Năm 2006, ngân hàng công bố cổ đông chiến lược là Tập đoàn Petro Việt Nam (PVN), chuyển hội sở về Hà Nội. Năm 2007, chính thức đổi tên thành NHTMCP Dầu Khí Toàn Cầu (GP.Bank).

GP.Bank được đánh giá là ngân hàng khá “kín tiếng” khi các thông tin đều rất ít. Thông tin đầy đủ nhất về nhà băng này là báo cáo kết quả kinh doanh năm 2010. Theo đó, lợi nhuận ròng sau kiểm toán năm 2010 đạt 205,7 tỷ đồng, tăng 60,3% so với năm 2009, tổng doanh thu tăng 127,2% lên 2.027,5 tỷ đồng. Tổng tài sản của GP.Bank tăng 61% lên 27.731 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu cũng tăng 48,2% lên 3.156,8 tỷ đồng. Vốn điều lệ tại thời điểm cuối 2010 đạt 3.018 tỷ.

Năm 2011, tại ĐHCĐ thường niên, GP.Bank đã thông qua kế hoạch nâng tổng tài sản lên 35.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 405 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%. Mạng lưới chi nhánh được mở rộng lên con số 100 (từ 64 trong năm 2010).

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, những thông tin về hoạt động kinh doanh năm 2011 vẫn chưa được công bố rộng rãi. Trên website chính thức của ngân hàng cũng xuất hiện khá ít thông tin, trong đó có con số chi nhánh/phòng giao dịch là 80. Như vậy, ít nhất về số địa điểm giao dịch vẫn chưa đạt được theo kế hoạch đề ra.

Cổ đông lớn của GP.Bank hiện là công ty cổ phần quản lý quỹ đầu tư FPT, chiếm 5,84% hay 17.625.100 cổ phần. Cổ đông pháp nhân chiếm 72,58% và 100% cổ đông của ngân hàng này là nhà đầu tư trong nước.

“Soi” 2 ngân hàng yếu kém chưa có phương án tái cơ cấu (1)

Ngân hàng TrustBank có tiền thân là Ngân hàng nông thôn Rạch Kiến, thành lập năm 1989, trở thành ngân hàng đô thị vào năm 2007.

Cho đến thời điểm này, TrustBank vẫn chưa có báo cáo nào về hoạt động của năm 2012, mà chỉ mới có báo cáo tài chính hết năm 2011. Theo đó, tổng doanh thu năm ngoái tăng gần 120% lên 3.606 tỷ đồng, song chi phí hoạt động lại tăng mạnh tới 156% lên 3.129,6 tỷ đồng, kết quả là lợi nhuận ròng sụt giảm 30,5% xuống 164 tỷ đồng. Tổng tài sản của TrustBank tại thời điểm cuối 2011 đạt 27.129,5 tỷ đồng. Vốn điều lệ của ngân hàng đạt 3.000 tỷ đồng.

Các tài liệu hiện nay không cho biết cổ đông lớn của TrustBank nắm giữ tỷ lệ bao nhiêu. Song các nguồn tin chính thức cho biết, hiện ngân hàng có 535 cổ đông, trong đó có 6 cổ đông pháp nhân bao gồm: 3 cổ đông thuộc khối Văn phòng Nhà nước; Ngân hàng NN&PTNT (Agribank); Công ty Lương thực Long An và công ty CP Đầu tư Phát triển Phú Mỹ.

Tại kỳ họp thứ Tư Quốc hội khóa XIII bế mạc ngày 23/11 vừa qua, Quốc hội đã yêu cầu Thống đốc NHNN năm 2013 phải tạo cho được chuyển biến tích cực trong tái cơ cấu ngân hàng. Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2012, Chính phủ cũng đã yêu cầu NHNN phải xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém trong năm 2013. Chỉ thị số 06/CT-NHNN của NHNN về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013 cũng nêu rõ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là xử lý các ngân hàng yếu kém.

Như vậy, thời gian tới, các ngân hàng yếu kém còn lại chắc chắn sẽ phải đưa ra các phương án tái cơ cấu tối ưu, có thể là xin tự cơ cấu, có thể chọn đối tác để sáp nhập hoặc bán lại, nhằm góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.

Theo TTVN

Từ khóa: