Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang cho biết, Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) có quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho chè Shan tuyết Hà Giang.
Hà Giang là tỉnh nằm ở cực Bắc của Việt Nam, có diện tích đất trồng chè lớn thứ ba cả nước sau tỉnh Lâm Đồng và Thái Nguyên. Hà Giang được biết đến với những điểm du lịch nổi tiếng, lễ hội văn hóa độc đáo và giống chè đặc sản Shan tuyết.
Cây chè Shan tuyết ở đây mọc thành rừng, có nhiều cây chè cổ thụ vài trăm tuổi, không cần chăm sóc, bón phân và phun thuốc. Những búp chè Shan tuyết Hà Giang rất mập, căng tràn nhựa sống, bề mặt phủ lớp lông sáng bạc.
Sinh trưởng và phát triển dọc theo dãy núi Tây Côn Lĩnh, quanh năm sương phủ, nơi sinh sống của cộng đồng người Dao và người H’Mông, vì vậy, cây chè Shan tuyết gắn bó chặt chẽ với sự tồn tại và phát triển của người dân địa phương.
Quần thể 220 cây chè Shan tuyết cổ thụ tiêu biểu cho vùng chè Cao Bồ, Hà Giang đã được công nhận là các cây Di sản Việt Nam có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ nguồn gen của giống chè vùng cao nổi tiếng thơm ngon. Người dân địa phương ở Hà Giang cho rằng, chè ngon vì có sương mù, chè ngậm sương mù thành tuyết nên gọi là chè tuyết, việc chế biến chè Shan tuyết hội tụ đủ tinh túy của đất, nước và hơi ấm của bếp lửa nên khi uống không chỉ thấy hương thơm mà còn giúp người thưởng thức tỉnh táo, tươi mát, sảng khoái và khỏe khoắn hơn.
Được biết, chè Shan tuyết Hà Giang có đặc điểm: Búp chè xoăn chặt, non, thô, bạc cánh (tuyết), cánh chè to, tròn; pha nước có màu xanh vàng, sánh; có mùi thơm tự nhiên và vị chát, có nhiều hàm lượng sinh hóa tốt cho sức khỏe.
Theo đó, chè Shan tuyết Hà Giang thường phân bố khu vực vùng núi cao trên 600m so với mực nước biển, cấu trúc địa hình phức tạp, độ dốc từ 8-30 độ. Loại chè này thường được trồng ở khu vực có thổ nhưỡng là đất đỏ vàng trên đá sét (Fs), đất mùn vàng đỏ trên đá granit (Ha), đất đỏ vàng trên đá granit (Fa)…
Đặc biệt, chè Shan tuyết được phân bố ở vùng khí hậu nhiệt đới ẩm, chịu ảnh hưởng của chế độ gió mùa. Nhiệt độ trung bình năm từ 15,7 – 22,6 độ C; Biên độ giao động ngày đêm trung bình từ 6,8 – 8,6 độ C; Lượng mưa trung bình năm từ 1.692 - 2.430mm; Độ ẩm trung bình từ 80 -86%.
Loại chè này chủ yếu phân bố ở các xã: Tân Lập, Tân Thành, Tiên Kiều, Đức Xuân (huyện Bắc Quang); Tiên Nguyên, Xuân Minh, Tân Trịnh, Tân Bắc, Tân Nam, Yên Bình, Bản Rịa, Yên Thành (huyện Quang Bình; Nà Trì, Quảng Nguyên, Khuôn Lùng, Cốc Rế, Chế Là, Bản Ngò, Nấm Dẩn, Tả Nhìu, Nàn Xỉn, Ngán Chiên (huyện Xín Mần); Túng Sán, Nậm Khòa, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Nậm Dịch, Tả Sử Choóng, Bản péo, Bản Nhùng (huyện Hoàng Su Phì) và một số xã thuộc huyện Vị Xuyên và TP Hà Giang.
Ông Giang Đức Hiệp, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang) cho biết, đây là nội dung nằm trong chuỗi giá trị chè của tỉnh Hà Giang. Kinh phí được hồ trợ từ Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) được phê duyệt từ năm 2016, dự kiến hoàn thành năm 2020.
Việc chè Shan tuyết Hà Giang được chứng nhận chỉ dẫn địa lý không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế địa phương mà còn có ý nghĩa thiết thực trong việc gìn giữ và bảo tồn cây chè cổ thụ của tỉnh Hà Giang./.
Sơn Thủy
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng