Hà Giang - mảnh đất biên giới cực Bắc của Tổ quốc, nơi có Cột cờ Lũng Cú sừng sững hiên ngang và Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn với những dãy núi đá tai mèo trập trùng.
Hà Giang - mảnh đất biên giới cực Bắc của Tổ quốc, nơi có Cột cờ Lũng Cú sừng sững hiên ngang và Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn với những dãy núi đá tai mèo trập trùng.
Không chỉ nổi tiếng bởi các địa danh du lịch, Hà Giang còn được du khách biết đến bởi các làng nghề truyền thống mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Các sản phẩm thổ cẩm của bà con Pà Thẻn, Hà Giang. (Nguồn: VNP)
Độc đáo các nghề thủ công truyền thống
Hà Giang nổi tiếng với các làng nghề truyền thống của 22 dân tộc nơi đây, tiêu biểu như nghề dệt lanh truyền thống của dân tộc H'Mông, làng nghề thổ cẩm của dân tộc Lô Lô, dân tộc Pà Thẻn, làng nghề chạm bạc, nghề làm giấy bản của dân tộc Dao, nghề làm khèn H'Mông, nghề rèn dao, nghề rèn lưỡi cày...
Cao nguyên đá Đồng Văn nơi có tới trên 90% đồng bào dân tộc H'Mông sinh sống. Đến nay, bà con vẫn từ sản xuất nhiều đồ dùng để phục vụ đời sống sinh hoạt.
Nếu có dịp lên tới Cổng trời Quản Bạ, đi khoảng hơn 20km từ trung tâm huyện đến xã Lùng Tám, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến nghề dệt lanh, nhuộm chàm của đồng bào dân tộc H'Mông ở đây.
Bà Vàng Thị Mai, dân tộc H'Mông, Chủ nhiệm Hợp tác xã Lanh Lùng Tám cho biết đồng bào H'Mông quan niệm chỉ có mặc vải lanh mới không bị lạc tổ tiên. Loại vải này có đặc tính là ấm về mùa Đông, mát về mùa Hè và bền đẹp. Bởi thế người H'Mông rất ưa chuộng những sản phẩm được làm từ cây lanh.
Các công đoạn để hoàn thành sản phẩm đều được làm thủ công, không hề có sự can thiệp của máy móc hay phụ phẩm công nghiệp. Mô hình hợp tác xã dệt lanh nơi đây luôn hấp dẫn các khách du lịch trong và ngoài nước với nhiều sản phẩm trang trí hình tượng mang đậm phong cách văn hóa H'Mông.
Có thể nói, nghề dệt truyền thống của đồng bào H'Mông ở Hà Giang đã lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Sản phẩm lanh Lùng Tám (huyện Quản Bạ) đang từng bước phát triển và có mặt ở hơn 20 quốc gia trên thế giới, tạo công ăn việc làm cho đông đảo chị em phụ nữ dân tộc thiểu số với thu nhập ổn định.
Du khách cũng sẽ rất thích thú với nghề chạm bạc được dân tộc Dao lưu truyền hàng trăm năm nay tại các xã vùng sâu, xa của các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần. Sản phẩm của họ làm ra gồm các loại vòng bạc, hoa trang trí, xà tích, lắc, xuyến, hoa tai, nhẫn, chuông... với những thủ pháp kỹ thuật và nghệ thuật tinh xảo.
Nghề sản xuất giấy bản được bàn con Dao lưu truyền từ năm 1925 đến nay. Làng nghề giấy bản ở thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang (huyện Bắc Quang) đã được Sở Công thương Hà Giang đưa vào quy hoạch để bảo tồn, phát triển.
Bà con người Dao sản xuất giấy bản từ các nguyên liệu của thiên nhiên là cây vầu non, dây leo tạo keo liên kết, sử dụng vôi để ngâm ủ nguyên liệu, dùng nước suối, nước mưa để tráng. Chính vì thế sản phẩm có khả năng tái tạo và không gây ô nhiễm môi trường.
Bà con Dao thường tranh thủ thời gian nông nhàn để sản xuất giấy bản. Sản phẩm giấy bản sử dụng chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhiều dân tộc. Hiện nay sản phẩm giấy bản của bà con dân tộc Dao ở thôn Thanh Sơn được tiêu thụ rộng khắp tại 11/11 huyện, thành phố của địa phương và các tỉnh lân cận như Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái...
Đến với Cao nguyên đá Đồng Văn, du khách còn có cơ hội tìm hiểu nghề làm khèn H'Mông.
Với người H'Mông, cây khèn mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Không chỉ là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh, tiếng khèn còn là tiếng lòng, khúc tâm tình của các chàng trai, cô gái gửi tới người thương; giúp họ kết đôi, xây dựng nên một gia đình hạnh phúc.
Cuộc sống hôm nay không ít giá trị truyền thống bị mai một, nhưng đồng bào H'Mông vẫn giữ gìn được cây khèn với kỹ năng chế tạo công phu, chuẩn xác.
Ông Mua Sính Pó, một nghệ nhân làm khèn H'Mông ở thôn Tả Cổ Ván, xã Hố Quáng Phìn (huyện Đồng Văn) cho biết để làm một cây khèn, phải bỏ ra rất nhiều tâm sức. Bao nhiêu năm qua từ thời trai trẻ, đến nay đã gần 70 tuổi, nhưng ông vẫn luôn bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề làm khèn H'Mông.
Không chỉ truyền nghề cho con, cháu trong gia đình, ông còn thường xuyên dạy, bảo ban các cháu ở các bản làng gần xa biết cách làm khèn H'Mông. Các con, cháu của ông luôn tâm niệm là người H'Mông thì phải biết làm khèn H'Mông, như vậy mới lưu giữ được nghề truyền thống từ bao đời nay trên Cao nguyên đá.
Thúc đẩy du lịch từ các làng nghề truyền thống
Phát huy lợi thế và tiềm năng sẵn có, Hà Giang đang có những cơ hội lớn để phát triển nhanh, mạnh và bền vững "ngành công nghiệp không khói." Lãnh đạo các cấp của tỉnh Hà Giang đều chú trọng phát triển văn hóa du lịch phải gắn với phát triển kinh tế-xã hội của từng vùng, từng địa phương; xây dựng các làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng bảo tồn, phát huy các nghề thủ công truyền thống và các sản phẩm du lịch phong phú, độc đáo.
Ông Hoàng Văn Kiên, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ xây dựng phương án bảo tồn phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch làng nghề. Bên cạnh đó đầu tư có trọng điểm vào một số nghề có khả thi và hiệu quả khai thác cao, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch của Hà Giang phát triển.
Với mục đích khôi phục và phát triển những mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm phục vụ du lịch, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác quảng bá điểm đến, quảng bá xúc tiến du lịch của tỉnh.
Được sự quan tâm đầu tư của các Bộ, ngành Trung ương, hoạt động du lịch của tỉnh đang có bước phát triển đáng kể. Lượng du khách trong nước và quốc tế đến với Hà Giang ngày một tăng.
Để Hà Giang thực sự là điểm đến của mỗi du khách, ngay trong năm 2013 và những năm tiếp theo, cùng với sự phát triển nguồn nhân lực, ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch địa phương sẽ đẩy mạnh xây dựng các làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; khôi phục, bảo tồn và phát huy có trọng điểm các lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc thiểu số phục vụ du lịch; phát triển và nâng cao giá trị thương hiệu các mặt hàng truyền thống; đẩy mạnh các hoạt động mở rộng liên kết trong phát triển du lịch.
Đặc biệt, Hà Giang sẽ đầu tư khôi phục và duy trì một số làng nghề thủ công truyền thống tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì... góp phần khai thác, phát huy tốt các tiềm năng thế mạnh của địa phương, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII.
Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/Home/Ha-Giang-phat-trien-du-lich-lang-nghe-truyen-thong/20139/214970.vnplus
Minh Tâm
theo TTXVN