Diễn biến lãi suất và chỉ số chứng khoán thường có liên hệ chặt chẽ và tác động tức thời, tuy nhiên, quyết định hạ lãi suất điều hành từ 10/7/2017 của Ngân hàng Nhà nước, theo giới chuyên gia phân tích, ít có tác động tới thị trường chứng khoán trong ngắn hạn.
Hạ lãi suất: Chưa thẩm thấu ngay tới thị trường chứng khoán
Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã công bố quyết định hạ lãi suất điều hành 0,25%/năm, bao gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng.
Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) cũng được cắt giảm 0,5%/năm.
Quyết định cắt giảm lãi suất điều hành, theo Ngân hàng Nhà nước, căn cứ trên điều kiện tình hình thanh khoản hệ thống dồi dào và lạm phát đang ở mức thấp.
Động thái chính sách này nhằm phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay.
"Việc giảm các lãi suất trên khó có thể coi là động thái nới lỏng tiền tệ. Thay vào đó, cần nhìn nhận đây là nỗ lực của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho các lĩnh vực ưu tiên, để phần nào hỗ trợ tăng trưởng kinh tế".
- Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích SSI
Ngay sau khi thông tin này phát đi, đã có những ước tính “nhanh nhảu” rằng với dư nợ toàn ngành vào khoảng 5,5 triệu tỷ đồng, việc giảm 0,5%/năm lãi suất của ngành ngân hàng sẽ giúp cho cả nền kinh tế tiết giảm được trên 27.500 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán vốn dĩ rất nhạy cảm với diễn biến tăng, giảm lãi suất. Tuy nhiên, thông tin về đợt hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước lần này lại không giúp chỉ số chứng khoán tránh được chuỗi điều chỉnh sau khi đã tăng điểm liên tục suốt một thời gian dài.
Nhận định về tác động của đợt hạ lãi suất điều hành, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, sẽ không có tác động đáng kể đến thị trường chứng khoán.
Theo ông Linh, việc hạ lãi suất chỉ áp dụng với các khoản vay cho các lĩnh vực ưu tiên ở kỳ hạn ngắn, nên mức độ ảnh hưởng tới thị trường chung là rất ít. Ngay cả với các lĩnh vực ưu tiên, mức độ tác động của chính sách này cũng còn tùy thuộc vào hành động của từng ngân hàng thương mại, dựa trên quan điểm kinh doanh của họ.
Nhóm ngân hàng quốc doanh với hệ thống mạng lưới rộng và chi phí vốn rẻ sẽ tiếp tục là nòng cốt thực thi các chính sách này.
“Việc giảm các lãi suất trên khó có thể coi là động thái nới lỏng tiền tệ. Thay vào đó, cần nhìn nhận đây là nỗ lực của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho các lĩnh vực ưu tiên, để phần nào hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, ông Linh nói.
Trong khi đó, ông Trần Đức Anh, phụ trách mảng Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, việc hạ lãi suất điều hành 0,25% của Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng tiếp cận vốn từ Ngân hàng Nhà nước khi cần thiết với chi phí thấp hơn, qua đó tạo điều kiện để các ngân hàng thuận lợi hơn trong việc giảm lãi suất cho vay ra nền kinh tế. Chính sách trên sẽ ảnh hưởng không quá lớn đến nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Về lâu dài, việc giảm lãi suất sẽ giúp kênh đầu tư chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn trong mối tương quan giữa lợi nhuận và rủi ro
Theo ông Đức Anh, mức giảm lãi suất 0,25%/năm là khá khiêm tốn trong bối cảnh các mức lãi suất tái cấp vốn, chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng hiện đều đang ở mức cao, lần lượt là 6,5%/năm, 4,5%/năm và 7,5%/năm.
Thực tế thời gian qua, các ngân hàng thương mại chưa được Ngân hàng Nhà nước “bật đèn xanh” để có thể thực hiện các hoạt động này nhiều, mà chủ yếu chỉ áp dụng để phục vụ mục đích hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước vẫn chốt chặn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cả năm nay ở mức 18%, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Trong bối cảnh room tăng trưởng tín dụng bị giới hạn như trên, các ngân hàng sẽ có xu hướng tập trung vào các khoản vay cho hiệu quả cao hơn tương đối để đảm bảo hiệu quả kinh doanh của ngân hàng.
Như vậy, mặt bằng lãi suất cho vay ra của các ngân hàng sẽ không có nhiều thay đổi sau quyết định này của Ngân hàng Nhà nước.
Mặc dù vậy, chuyên gia của BVSC đánh giá, việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành là một tín hiệu cho thấy định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Trong thời gian tới, khi Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu có hiệu lực, khối lượng trái phiếu VAMC mà các ngân hàng nhận về nhiều hơn thì nhu cầu thực hiện các hoạt động tái chiết khấu, tái cấp vốn cũng tăng lên.
“Như vậy, mức độ tác động của chính sách này sẽ phụ thuộc vào hiệu quả thực tế của quá trình xử lý nợ xấu của từng ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước biết rõ điều này và đang tạo thêm “chất xúc tác” cho các ngân hàng để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu”, ông Đức Anh nhận định.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) cho rằng, trước mắt, hoạt động ngân hàng sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc lựa chọn các nguồn cho vay mang lại hiệu quả để an toàn hệ thống và một mặt cũng để xử lý nợ xấu. Đây có thể cũng là một trong những lực đẩy để hoạt động tín dụng mạnh hơn, nhanh hơn, kích thích tăng trưởng kinh tế để đạt mục tiêu GDP đề ra.
Về trung hạn, dù mức giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chưa đủ lớn để kích cầu thật sự, nhưng cũng mang lại sự thuận lợi cho một số ngành sản xuất hay sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng. Việc điều chỉnh lãi suất điều hành có thể còn tiếp tục trong thời gian từ nay đến cuối năm, tùy thuộc vào lạm phát và động thái của Fed trong các tháng cuối năm.
Việc giảm lãi suất, về lý thuyết, sẽ giúp giảm bớt gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc diện khuyến khích trong chính sách tín dụng, đồng thời việc giảm lãi suất giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy các kênh đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy vậy, trao đổi với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, Tổng giám đốc một doanh nghiệp đang niêm yết cho biết, quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước lần này mang ý nghĩa ủng hộ cho quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song về mặt thực tiễn lại không có nhiều ý nghĩa.
Theo vị lãnh đạo này, với những doanh nghiệp có nền tảng tài chính tốt, có dự án kinh doanh hiệu quả, việc tiếp cận vốn khá dễ dàng và ngay cả khi trần lãi suất chưa giảm thì họ đã được các ngân hàng áp dụng mức lãi suất tốt.
Ngược lại, những doanh nghiệp kinh doanh khó khăn luôn vất vả trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Ngoài ra, có khá nhiều khoản vay tín dụng lãi suất “siêu khủng”, được ẩn dưới các hình thức như ủy thác đầu tư, hợp tác đầu tư, hoặc với các khoản vay kỳ hạn ngắn thì hầu như không được lợi gì từ chính sách hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
Chưa kể, đối với các doanh nghiệp hiện nay, khó khăn chủ yếu vẫn nằm ở đầu ra, do đó, lãi suất dù có giảm thì nhiều doanh nghiệp khó có khả năng mở rộng thị trường sẽ không có nhu cầu vay thêm.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng kỳ vọng vào tác động tích cực trong trung và dài hạn của chính sách này, bởi việc giảm lãi suất cho vay cũng có thể là bước đệm trong việc giảm lãi suất trên thị trường mở (OMO), hoặc sẽ nới một số điểm trong Thông tư số 06/2016/TT-NHNN.
Về lâu dài, việc giảm lãi suất sẽ giúp kênh đầu tư chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn trong mối tương quan giữa lợi nhuận và rủi ro. Hơn nữa, lãi suất, lạm phát và tăng trưởng tín dụng vẫn là ba yếu tố căn bản quyết định tăng trưởng của nền kinh tế, từ đó quyết định sự đi lên bền vững của thị trường thị trường chứng khoán.
Hải Vân
Theo Đầu tư Chứng khoán