Ngân hàng thương mại nào không giảm lãi suất nợ cũ xuống tối đa 15%/năm, hoặc có giảm nhưng lại “vẽ” ra các tiêu chí ngáng đường khách hàng, thiếu thái độ chia sẻ, Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) sẽ xử lý.
Ngân hàng thương mại nào không giảm lãi suất nợ cũ xuống tối đa 15%/năm, hoặc có giảm nhưng lại “vẽ” ra các tiêu chí ngáng đường khách hàng, thiếu thái độ chia sẻ, Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) sẽ xử lý.
Doanh nghiệp đang nóng lòng được giảm lãi suất nợ - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trao đổi với Thanh Niên, Phó thống đốc NHNN - Lê Minh Hưng - cho biết đợt giảm LS lần này, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo từ trên xuống dưới, toàn hệ thống phải làm quyết liệt. Kể từ ngày 15.7 tới thời điểm hiện tại, các NH đều tuyên bố hạ LS hợp đồng tín dụng xuống còn tối đa 15%/năm. Một số NH đã có hướng dẫn, triển khai cụ thể, đặc biệt là các NH lớn nằm trong nhóm G14 (14 NH lớn chiếm 90% thị phần như: Vietcombank, Agribank, BIDV, ACB, SHB...). Hội sở các NH này đã ban hành văn bản chỉ đạo các chi nhánh nhanh chóng giảm LS cho khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận vẫn còn NH chưa triển khai vì thời gian mới bắt đầu và với mỗi một chính sách đều khó tránh khỏi “trường hợp này, trường hợp kia” ngoài ý muốn. Đối với mỗi trường hợp như thế, ông cho biết dù NHNN chưa có chế tài nhưng sẽ có nhiều cách khác, kể cả cứng và mềm để xử lý. “NHNN sẽ có biện pháp xử lý các NH không chia sẻ, đó là quan điểm chung đã được Thống đốc chỉ đạo tại hội nghị”, ông nói.
Thực hiện sai
Về trường hợp có NH thương mại đưa ra một số điều kiện như chỉ hỗ trợ cho DN “sức khỏe” tốt thuộc nhóm 1, ông Lê Minh Hưng cho biết quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, NHNN là phải hỗ trợ đối tượng khó khăn, dựa vào khả năng điều kiện và khả năng của từng tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, việc NH chỉ hỗ trợ cho các DN có “sức khỏe” tốt chưa thực sự thỏa đáng, chưa đúng với tinh thần chỉ đạo. “Quan điểm của NHNN là phải chia sẻ hỗ trợ với các đối tượng, DN khó khăn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng. Nếu NH không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng lại hỗ trợ không đúng đối tượng, NHNN cũng sẽ có biện pháp để xử lý. Tới đây, khi vào làm việc với chi nhánh TP.HCM, NHNN sẽ yêu cầu đưa các trường hợp này ra để xem xét và giải quyết”, ông Hưng nói.
Về những giải pháp để các NH thực hiện nghiêm túc hơn trong thời gian tới, lãnh đạo NHNN cho biết ngoài việc yêu cầu các NH phải báo cáo dư nợ cho vay với LS trên 15%/năm để giám sát, NHNN sẽ cử nhiều đoàn cán bộ xuống trực tiếp các địa phương để cùng với chính quyền, NHNN chi nhánh và DN tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Hưng, điều quan trọng trong lần triển khai này là các NH phải nhận thấy đây là thời điểm hợp lý nhất để hạ LS nợ cũ xuống 15%/năm, bởi nếu khách hàng khó khăn mà NH vẫn để LS cao sẽ không giải quyết được khó khăn của cả hai bên.
Công khai danh tính
Cho tới ngày hôm qua, trên thị trường ghi nhận đa phần các NH thực hiện giảm LS thông qua ban hành văn bản chỉ đạo và có báo cáo trực tiếp NHNN tập trung tại nhóm G14, số còn lại chưa có động thái, hoặc có nhưng chưa rõ ràng rơi vào các NH nhóm 2, nhóm 3 và NH đang trong diện phải tái cơ cấu.
Nhận định về động thái giảm LS của các NH, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư Võ Trí Thành cho rằng bản thân mỗi NH nên thấy đây là câu chuyện hy sinh lợi ích trước mắt, chia sẻ khó khăn với DN vì một lợi ích lâu dài và bền vững. Vì vậy, quan trọng là các DN và NH nên ngồi lại với nhau, tìm hiểu lại nhau để cùng nhau khắc phục.
Nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm của NHNN phải bằng nhiều cách xử lý nghiêm những NH nói nhưng không làm, tuyên bố rồi lại né tránh. Tuy nhiên, hầu hết đều cho rằng NHNN nên công khai, nêu rõ danh tính của NH đã giảm và chưa giảm. “Không cần phải ép, chỉ cần nêu tên các NH này ra để dư luận biết, khách hàng biết NH đó có chia sẻ không, làm ăn có đàng hoàng không thì tự khắc NH sẽ phải sợ mất uy tín, thương hiệu, mất khách hàng mà thực hiện”, một gia chuyên đề xuất.
Giải ngân vốn vay lãi suất thấp
Ông Phan Huy Khang - TGĐ NH TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) - cho biết: “Sau 1 ngày ký kết với 16 doanh nghiệp khoản tín dụng 1.110 tỉ đồng (trong gói hỗ trợ ưu đãi 2.000 tỉ đồng và 50 triệu USD) với LS vay 13%/năm, tính đến 15 giờ ngày 18.7, Sacombank đã giải ngân thêm 412 tỉ đồng, nâng tổng số tiền đã giải ngân lên 850 tỉ đồng; còn số ngoại tệ tăng thêm 8,1 triệu USD, lên 38,1 triệu USD. Các hồ sơ vay với LS thấp hiện nay vẫn đang tiếp tục được giải ngân”.
Chỉ trong 2 ngày đầu triển khai thực hiện giảm LS cho khoản vay cũ về dưới 15%/năm (từ ngày 15-17.7), NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã giảm LS cho gần 400 khoản vay cũ với tổng giá trị trên 460 tỉ đồng. Dự tính tổng dư nợ tất cả các khoản vay cũ sẽ được điều chỉnh giảm LS vào khoảng 10.000 tỉ đồng. Ông Lý Xuân Hải - TGĐ NH TMCP Á Châu (ACB) - cho biết ACB đã giảm tất cả các khoản nợ vay cũ đối với khách hàng DN và cá nhân không thuộc nợ nhóm 2 trở lên, sử dụng vốn đúng mục đích, không thuộc lĩnh vực hạn chế, thực hiện đầy đủ các cam kết pháp lý với NH trước đây. Đối với khách hàng đang thuộc các nhóm nợ khác, ACB sẽ thực hiện tái cấu trúc cho khách hàng để chuyển họ sang nhóm 1 và hưởng các ưu đãi.
T.Xuân
|
Anh Vũ
Theo Thanhnien