Mỗi khi mưa lớn Hà Nội lại xảy ra ngập úng cục bộ, gây khó khăn xáo trộn đời sống, ảnh hưởng đến sự phát triển của Thủ đô.
Thông tin về ảnh hưởng bão số 5 gây mưa lớn ở nhiều nơi khiến nhiều người dân ở Thủ đô lo lắng.
Bởi lẽ, mỗi khi mưa lớn Hà Nội lại xảy ra ngập úng cục bộ, gây khó khăn xáo trộn đời sống, ảnh hưởng đến sự phát triển của Thủ đô.
Hậu quả của ngập úng đã được chỉ ra, song bao giờ có thể khắc phục được tình trạng “phố biến thành sông” còn đang chưa có câu trả lời cụ thể.
Ví dụ như trận mưa lớn đầu tháng 8/2019 khiến toàn bộ tầng hầm hàng vài chục hộ dân khu liền kề, cùng hệ thống đường giao thông khu đô thị Geleximco (An Khánh-Hoài Đức) bị ngập chìm trong nước. Có đoạn bị ngập sâu khoảng 30-40cm.
Các hộ dân sống trong khu vực này phải dùng đất, bao tải cát đắp bờ ngăn không cho nước tràn vào nhà. Do nước rút chậm, người dân phải dùng máy bơm, xô, chậu nhựa... để tát nước ra ngoài. Nước ngập trong hai ngày, để tương tác với bên ngoài, có người dân đã phải dùng thuyền để đi lại.
Đây là một trong những điểm ngập ở Hà Nội mà từ nhiều năm nay chưa thể giải quyết. Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội, với hệ thống hạ tầng thoát nước của thành phố như hiện nay, các trận mưa nhỏ dưới 50mm/2 giờ, Hà Nội sẽ không xảy ra úng ngập. Trên địa bàn cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do cao độ mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố.
Còn trường hợp, cường độ mưa trong khoảng 50-100mm/2 giờ, các tuyến phố chính vẫn tồn tại 12/16 điểm úng ngập. Đây là những điểm ngập cố hữu, có thể kể đến như Bùi Xương Trạch, Hoàng Tích Trí, Trần Thánh Tông, Lê Duẩn, đường Hoàng Mai, Trần Cung, Thụy Khuê, Thợ Nhuộm, Bát Đàn, Đường Thành, Nhà Hỏa, Đinh Liệt, Cao Bá Quát, ngã tư Tạ Hiện-Lương Ngọc Quyến, Phan Bội Châu-Lý Thường Kiệt..., thuộc các quận: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hoàng Mai và Hai Bà Trưng. Sở dĩ xảy ra tình trạng này, nguyên nhân không nhỏ là do hệ thống thoát nước chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa.
Cũng theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội, hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội gồm 12 quận với có chiều dài khoảng 1.000km, được phân chia thành 3 khu vực chính gồm: Lưu vực sông Tô Lịch (77,5km2); lưu vực sông Nhuệ (110km2) và lưu vực sông Cầu Bây - đoạn qua quận Long Biên (62km2)…
Những năm trước đây, khu vực quận Tây Hồ, Hai Bà Trưng và nhiều quận, huyện khác còn có khá nhiều ao hồ. Đó không chỉ là cảnh quan, sinh thái mà còn là nơi chứa nước mỗi khi Hà Nội có những trận mưa lớn. Nhưng nay, do áp lực tăng dân số, nhiều ao hồ trên đã bị lấp lại để nhường chỗ cho các cao ốc.
Có thể thấy, không gian đô thị chật hẹp, cộng với hệ thống thoát nước như hiện nay việc Hà Nội bị úng ngập sau những cơn mưa trên 100mm trong 2 giờ liên tiếp là điều khó tránh khỏi.
Theo ông Phan Hoài Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội, nhằm hạn chế tình trạng ngập úng tại Thủ đô ngay từ đầu quý 1 năm nay, công ty đã chủ động kịch bản phòng chống ngập úng mùa mưa.
Đồng thời, công ty còn ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác duy tu, duy trì, nhất là công tác duy trì hệ thống cống ngầm, cống ngang, ga thu để đưa nhanh nước về nguồn tiêu. Vào mỗi trận mưa lớn, phía công ty đều nhanh chóng triển khai lực lượng, phương tiện để “chiến đấu” nhằm giảm thiểu ngập lụt trên địa bàn Thủ đô.
Dù có nhiều cố gắng và nỗ lực để chống ngập lụt từ phía các cơ quan chức năng, chính quyền Hà Nội nhưng có một thực tế, ý thức của người dân còn hạn chế cũng là nguyên nhân khiến cho ngập lụt kéo dài hơn sau mỗi cơn mưa lớn.
Ông Phan Hoài Minh trăn trở, Hà Nội hiện có hàng nghìn hàng quán, trung tâm sửa chữa cơ khí, hàng ngày xả thẳng dầu mỡ, dầu ăn cùng nhiều loại khác nữa xuống cống rãnh. Lâu dần, gây ách tắc, “bóp nghẹt” dòng chảy. Cùng với đó là nhiều hộ dân đặt tấm chắn, xây bục bệ chặn đường chảy của nước mưa trên một số tuyến phố.
“Những việc làm trên của người dân dù nhỏ nhưng lại tác hại lớn đến việc tiêu thoát nước trong mỗi trận mưa. Bởi lẽ, nước chậm được đưa đến ga thu, sẽ dềnh lên khiến cho một số tuyến phố ứ đọng và ngập úng,” vị Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội nhìn nhận.
Hiện nay, tốc độ đô thị hóa ở Hà Nội diễn ra nhanh chóng, nhiều tuyến đường, nhiều khu nhà được xây dựng. Điều này đã làm giảm đi sự thẩm thấu tự nhiên của nước mưa xuống đất, lại càng tạo áp lực cho tiêu thoát nước. Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng về lâu dài, cần thiết phải có quy hoạch tổng thể, đa ngành có tầm nhìn dài hạn hơn trong việc tiêu thoát nước.
Nhiều tuyến phố ngập trong biển nước tại Thủ đô. (Ảnh: Lâm Phan/Vietnam+)
Theo một số chuyên gia, Hà Nội là thành phố có địa hình trũng thấp, cao độ trung bình khu vực nội thành chỉ từ 6-6,5m so với mực nước biển, độ dốc dưới 10% chiếm 54,5% diện tích toàn thành phố.
Vào các tháng mùa mưa, mực nước sông Hồng vượt mức báo động 1, không thể thoát tự chảy, phải bơm cưỡng bức ra sông dẫn đến nguy cơ ngập lụt. Do vậy, thành phố cần phải quản lý tốt xây dựng cốt nền ở những khu chung cư.
Hiện nay, các chủ đầu tư chưa quan tâm đến công tác tiêu thoát nước chung mà mạnh ai nấy làm. Hạ tầng kỹ thuật được xây dựng theo kiểu “xôi đỗ,” thiếu sự đồng bộ. Chủ đầu tư không quan tâm đến tiêu thoát nước ngoài hàng rào khu đô thị mà để nước mưa đổ trực tiếp ra chung quanh, hoặc có đấu nối vào hệ thống thoát nước nhưng không đầu tư nâng cấp các đường ống, dẫn đến tình trạng quá tải khi mưa lớn.
Thế nên nhiều chuyên gia quy hoạch chỉ ra, thành phố cần thiết phải có quy định về cốt nền đô thị đối với những khu chung cư mới xây. Cùng với đó, quản lý tốt việc cấp phép xây dựng giữa cấp thành phố và cấp quận, để hạn chế tình trạng úng ngập.
Nhìn nhận ở góc độ khác, kiến trúc sư Nguyễn Huy Ánh, hội Kiến trúc sư Hà Nội phân tích, thành phố cần phải phát triển không gian ngầm để giảm bớt gánh nặng cho hạ tầng nổi. Không gian ngầm ở đây không chỉ có đường giao thông, điểm trông giữ xe mà cả không gian ngầm để chứa nước khi mưa lớn.
Sau khi nước mưa được đưa xuống không gian ngầm theo quy hoạch sẽ có thể sử dụng làm nước tưới cây, nước rửa xe, nước cứu hỏa, góp phân giảm chi phí tiết kiệm ngân sách Nhà nước và hạn chế được úng ngập.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội nêu quan điểm, trước đây, dự án thoát nước trên địa bàn chỉ tính lượng mưa khoảng 200mm, còn nay Hà Nội có những trận mưa 300-400mm, do vậy Hà Nội cần thiết phải điều chỉnh các dự án thoát nước cho phù hợp với thực tế.
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, cùng với việc đầu tư hạ tầng thoát nước trong tương lai, để chống ngập úng trên địa bàn thành phố vẫn phải tận dụng triệt để những phương tiện, nhân lực, vật lực có sẵn để phát huy hiệu quả cao nhất có thể chống ngập úng.
Về lâu dài, sở sẽ nghiên cứu đề xuất điều chỉnh những điểm chưa phù hợp với tình hình thực tế trong việc tiêu thoát nước trên địa bàn. Và như vậy, có thể hiểu rằng trong một vài năm tới, tình hình “phố biến thành sông” ở Hà Nội vẫn có thể xảy ra trong mỗi trận mưa lớn./.
Mạnh Khánh
Theo TTXVN/Vietnam+