Sau 6 năm xây dựng, ngày 20/10 tới, Chợ Mơ truyền thống sẽ chính thức đi vào hoạt động tại khu vực tầng bán hầm thuộc Trung tâm thương mại Chợ Mơ.
Các quầy hàng nhộn nhịp trước ngày khai trương chợ Mơ mới. (Ảnh: Thu Hằng/Vietnam+)
Đây là một trong những mô hình chợ truyền thống kết hợp với trung tâm thương mại theo hướng hiện đại, tiện lợi và đảm bảo văn minh thương nghiệp.
Ngay trước ngày chính thức khai trương, nhiều tiểu thương đã bố trí, sắp xếp xong quầy hàng và không khí mua bán diễn ra khá nhộn nhịp.
Phóng viên có mặt tại chợ Mơ lúc 6 giờ sáng, lại vào đúng ngày chợ phiên (6 ngày 2 và 7 âm lịch trong tháng), nên có thể nhận thấy sự sầm uất được nhân lên gấp bội.
Gìn giữ và duy trì các buổi chợ phiên cũng chính là bản sắc và tạo nên sức hút riêng của chợ Mơ.
Ông Đỗ Văn Ngọc (70 tuổi) - người đã có cả đời gắn với chợ Mơ cho hay bà con tiểu thương luôn mong ngày giá từ khu chợ tạm và được quay trở lại khu chợ truyền thống này.
Với những người dân gốc quanh khu vực này, chợ Mơ không chỉ là nơi mưu sinh mà nó còn là nơi giao lưu văn hóa được duy trì của người kẻ Mơ xưa.
Còn với ông Nguyễn Công Đoàn, 75 tuổi, cư dân tại quận Hai Bà Trưng thì những người cao tuổi đi chợ như một thú vui, nhất là dịp chợ phiên bởi vừa được ngắm hàng hóa, mua vài cây cảnh về chăm sóc vừa được gặp bạn bè để giao lưu.
Phiên chợ truyền thống họp trong khuôn viên Trung tâm thương mại Chợ Mơ. (Ảnh: Thu Hằng/Vietnam+)
Người mua háo hức, người bán cũng nao lòng không kém nhất là khi thấy chợ truyền thống được hoạt động tại chỗ cũ nhưng cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ và đàng hoàng hơn.
Phó Ban quản lý chợ Mơ, ông Phùng Mạnh Tuấn cho biết hiện các gian hàng đã được lấp đầy để chờ ngày khai trương chính thức 20/10.
Các quầy được quy hoạch khoa học, hợp lý, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ, giao thông thông thoáng, thuận tiện và phù hợp với thực tế địa bàn chợ.
Chủ đầu tư cũng đã xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy, thông gió, chiếu sáng, cấp điện, cấp nước đến từng điểm kinh doanh và có đồng hồ đo đếm điện năng, lượng nước tiêu thụ cho từng vị trí để đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua bán của người dân.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Phát triển thương mại Vinaconex (VCTD) Đoàn Châu Phong, đại diện chủ đầu tư cho biết Hà Nội đã thực hiện đầu tư và xây dựng một số điểm theo mô hình chợ truyền thống nằm trong trung tâm thương mại.
Tuy nhiên, cũng có dự án chưa hiệu quả và gặp nhiều khó khăn. Rút kinh nghiệm từ các dự án trước, chủ đầu tư đã có nhiều phương án nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các hộ kinh doanh tại đây.
Đó là các chính sách ưu đãi về mặt bằng, điều kiện mở các kiốt bán hàng, thậm chí tổ chức trông xe miễn phí cho khách khi đến chợ. Nhờ đó, khách hàng sẽ được tiếp cận một cách thuận lợi nhất với những địa điểm mua hàng.
Trong giai đoạn này, Công ty VCTD sẽ cùng chia sẻ khó khăn với tiểu thương để cùng đưa chợ Mơ truyền thống vào hoạt động hiệu quả, giúp các hộ kinh doanh yên tâm làm ăn và gắn bó với khu chợ này.
Theo ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, chợ Mơ trước đây là chợ đầu mối gắn bó với cư dân vùng này và ít nhiều mang tính chất chợ vùng nông thôn nên duy trì họp theo phiên.
Cùng với việc phát triển mạnh mẽ của đô thị, nếu giữ được các mô hình truyền thống và tập quán như chợ phiên tại Chợ Mơ truyền thống chính là cách duy trì nét đẹp của di sản văn hóa Thủ đô.
Thu Hằng
theo Vietnam+