Phát hiện máy xúc đang đào đất tại khu vực bãi nổi sông Hồng do mình quản lý, UBND xã Phương Độ đã có văn bản báo cáo cơ quan cấp trên để được khẩn trương giải quyết.
Ngày 24/11, UBND xã Phương Độ đã có văn bản báo cáo, đề nghị Huyện ủy, UBND huyện Phúc Thọ sớm có báo cáo, xin ý kiến TP. Hà Nội để sớm giải quyết việc khai thác tài nguyên trái phép tại bãi nổi sông Hồng thuộc địa bàn mình quản lý.
Mặc cho UBND xã Phương Độ yêu cầu dừng, máy xúc vẫn tiếp tục hoạt động tại khu vực bãi nổi sông Hồng. Ảnh chụp chiều 24/11/2017.
Theo UBND xã Phương Độ, chiều 22/11, tổ công tác gồm đại diện UBND xã Phương Độ phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện Phúc Thọ tiến hành kiểm tra thực tế tại bãi nổi sông Hồng.
Kết quả kiểm tra cho thấy, tại khu vực này đang có 2 chiếc máy xúc công suất lớn đang thực hiện hoạt động múc đất. Kiểm tra trên hệ thống định vị GPS, tổ công tác khẳng định, vị trí 2 chiếc máy xúc hoạt động nằm hoàn toàn trong địa giới hành chính xã Phương Độ quản lý.
Giải thích với tổ công tác, đơn vị vận hành 2 chiếc máy xúc trên cho biết, “đơn vị được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép và được giao mốc giới. 2 máy xúc của đơn vị đang thi công đúng trong phạm vi mốc giới được giao vì vậy đơn vị thi công tiếp tục thi công”.
“UBND Phương Độ nhận thấy đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến vấn đề địa giới hành chính giữa TP. Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc” nên “đề nghị lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Phúc Thọ có văn bản báo cáo thành phố chỉ đao các phòng ban chức năng của huyện phối hợp với UBND xã Phương Độ để giải quyết”, UBND xã Phương Độ kiến nghị.
Theo UBND xã Phương Độ, khu vực bãi nổi thuộc xã quản lý được UBND huyện Phúc Thọ giao cho ông Ngô Xuân Cường (ở đội 4 thôn Yên Đình, xã Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội) cùng một số hộ dân thực hiện dự án “chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất chưa sử dụng sang đất nông nghiệp làm kinh tế trang trại” với tổng diện tích là 624.838 m2 thuộc các tờ bản đồ số 01, số thửa 35; tờ bản đồ số 02, số thửa 170; tờ bản đồ số 03, số thửa 01 tại khu Bãi Nổi sông Hồng thuộc xã Phương Độ. Thời hạn sử dụng đất là 20 năm, từ tháng 01/2011 đến hết tháng 01/2031.
Công văn “kêu cứu” của UBND xã Phương Độ trước tình trạng đất bãi nổi bị khai thác trái phép
Trên thửa đất này, gia đình ông Cường đã cùng với một số bà con nông dân trồng cây nông nghiệp, rau màu… mang lại hiệu quả kinh tế, tạo công việc và thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Liên quan đến khu đất này, ông Cường và một số bà con đã nhiều lần gửi đơn kêu cứu đến cơ quan chức năng về tình trạng sạt lở, mất diện tích đất do khai thác trái phép. Ông Cường cho rằng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng khai thác cát trái phép trên là do UBND tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện việc cấp giấy phép khoáng sản cho doanh nghiệp thuộc địa bàn tỉnh quản lý nhưng chồng lấn sang địa giới hành chính của Hà Nội, phần chồng lấn đó nằm gọn trong khu vực đất ông Cường và bà con được UBND huyện Phúc Thọ giao quản lý, sử dụng.
Ads by AdAsia
You can close Ad in {40} s
“Tại thửa đất của tôi đang được huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội cho thuê đất thì phía UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng cấp chồng lấn sang dự án khai thác cát cho Công ty Cổ Phần TMS Khoáng Sản và Vật liệu xây dựng tại điểm mỏ xã các xã Đại Tự, Hồng Châu, Trung Kiên của huyện Yên Lạc và xã Vĩnh Ninh huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Từ đó, dẫn đến việc các tàu cuốc khai thác sát bờ sông làm sạt lở, biến dạng và hủy hoại đất nông nghiệp của cá nhân tôi nói riêng và của xã Phương Độ, huyện Phúc Thọ nói chung, làm sạt lở hàng chục héc ta đất nông nghiệp của người dân đã canh tác từ bao đời nay”, đơn thư cho biết.
Được biết, ngày 11/4/2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định số 1312/QĐ-UBND do ông Nguyễn Văn Chúc - Phó Chủ tịch UBND ký về điều chỉnh giấy phép số 374/GP-UBND ngày 10/2/2015 về việc khai thác cát Sông Hồng cho Công ty CP TMS Khoáng sản và Vật liệu xây dựng. Lý do điều chỉnh nhằm đảm bảo phạm vi, ranh giới khai thác nằm trong địa giới hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc (không chồng lấn sang địa giới hành chính TP Hà Nội).
Theo đó, nội dung điều chỉnh diện tích của khu I thuộc địa phận xã Đại Tự, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc từ 15ha xuống còn 10,1 ha; Điều chỉnh diện tích của khia IV thuộc địa phận xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc từ 23,5 ha xuống còn 17,3 ha. Tổng diện tích của 4 khu au khi điều chỉnh là 47,53 ha.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Công ty cổ phần TMS Khoáng sản và vật liệu xây dựng có trách nhiệm thực hiện khai thác khoảng sản theo đúng nội dung điều chỉnh và các nội dung khác theo Giấy phép số 374/GP-UBND ngày 10/2/2015 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Trước tình hình trên, ông Cường và các hộ dân xã Phương Độ đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc sớm làm rõ trách nhiệm việc cấp phép chồng lấn hơn 11.1 ha cho Công ty Cổ Phần TMS Khoáng sản và Vật liệu xây dựng; đồng thời xác định rõ ràng ranh giới, vị trí trên thực địa để các hộ dân có cơ sở bảo vệ, xây dựng thế trận an ninh, yên tâm tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh đúng với pháp luật.
Đơn thư kêu cứu được gửi đến Báo Gia đình Việt Nam
Ngoài ra, ông Cường đề nghị cơ quan chức năng phải có biện pháp đình chỉ hoạt động khai thác cát của Công ty CP TMS Khoáng sản và Vật liệu xây dựng để đánh giá lại tác động môi trường; xác định rõ ranh giới, vị trí dự án; xác định khối lượng đất nông nghiệp bị sạt lở để có phương án bồi thường thỏa đáng cho hộ gia đình bị mất đất.
Có mặt tại khu vực bãi nổi sông Hồng (đoạn thuộc địa phận xã Phương Độ) chiều 24/11, nhóm phóng viên đã chứng kiến và ghi lại hình ảnh 2 chiếc máy xúc vẫn tiếp tục hoạt động đào đất cát, vị trí hoạt động gần mép sông. Các đó không xa, một bè nổi được cho là nơi phục vụ hậu cần cho hoạt động thi công cũng được đơn vị thi công neo đậu vững chãi. Trong khi đó, cảnh sạt lở bên mép sông tiếp tục hiện hữu…
“Vấn đề bây giờ là rất khó, đơn vị thi công bảo là tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép nên không dừng nhưng khu vực đất thì rõ ràng là đất thuộc địa phận của Hà Nội!”, ông Nguyễn Văn Lâm – Chủ tịch UBND nêu vấn đề và cho biết, đang tích cực báo cáo, chờ ý kiến của cơ quan cấp trên để khẩn trương xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Theo Báo Gia đình Việt Nam