“Vấn đề quan trọng là Hà Nội hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất đạt 500 triệu đồng/ha rau an toàn (RAT)/năm. Trong đó, khoảng 2.000 ha RAT đạt 1 tỷ đồng/ha/năm”. Đây là khẳng định của Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội Nguyễn Duy Hồng.
Sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX Yên Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Ảnh: T-H
Kiểm soát 90% diện tích RAT
Theo Quyết định số 474/QĐ-UBND ngày 28/1/2010 “Phê duyệt định hướng Quy hoạch mạng lưới sản xuất RAT trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020” diện tích canh tác RAT là 16.277 ha.
Tính đến cuối năm 2015, Chi cục BVTV Hà Nội đã cấp 208 giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất rau cho 192 cơ sở (HTX, doanh nghiệp) của 130 xã, phường, thị trấn với 5.100 ha.
Hiện, RAT của Hà Nội đạt sản lượng 400 nghìn tấn/năm đáp ứng 40% nhu cầu, đến năm 2020 khả năng đáp ứng 45% nhu cầu.
Trong khi đó, với dân số khoảng 10 triệu người, nhu cầu rau khoảng 1 triệu tấn/năm. Với số lượng dự kiến sản xuất được 600 nghìn tấn/năm trong giai đoạn tới sẽ tương đương với 60% (trong đó, dự kiến sẽ xuất đi tỉnh ngoài khoảng 100 nghìn tấn/năm, tiêu thụ tại TP khoảng 500 nghìn tấn/năm), còn lại khoảng 500 nghìn tấn/năm phải nhập từ các tỉnh, các nước (50%).
“Hiện, Chi cục đang rà soát, điều chỉnh, bổ sung qui hoạch RAT đến năm 2020. Song, theo Chi cục BVTV Hà Nội, Hà Nội phấn đấu chứng nhận điều kiện ATTP trong sản xuất rau tăng thêm 3-4 nghìn ha và kiểm soát được 90% diện tích RAT có dư lượng thuốc BVTV dưới ngưỡng qui định”, Chi cục Trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng hy vọng.
Ban hành 30 quy trình sản xuất RAT
Chi cục BVTV tham mưu cho Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Nội ban hành 30 qui trình sản xuất RAT. Đồng thời, nhiệm vụ chính, giúp nông dân nâng cao kiến thức kỹ năng sản xuất RAT từ canh tác, sâu bệnh, sử dụng thuốc BVTV. Theo đó, đã mở 987 lớp học đồng ruộng (FFS), 990 lớp ngắn hạn về an toàn thực phẩm và 325 thử nghiệm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật không sử dụng thuốc BVTV,…
Theo Chi cục BVTV Hà Nội, ruộng của nông dân, của doanh nghiệp,… cho nên các tổ chức, cá nhân cần chủ động và chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như chất lượng sản phẩm và phải cam kết với chính quyền địa phương về an toàn thực phẩm theo Thông tư số 51/2013/TT-BNNPTNT mà cơ quan quản lý nhà nước không làm thay.
“Vấn đề quan trọng là Hà Nội sẽ nâng cao giá trị sản xuất để giúp đạt được giá trị 500 triệu đồng/ha RAT/năm, trong đó khoảng 2.000 ha RAT đạt 1 tỷ đồng/ha/năm và nâng cao giá trị thu nhập bằng cách giảm chi phí giống, phân bón, thuốc BVTV, công lao động... Cùng với đó, triển khai các giải pháp đồng bộ để tăng sản lượng; diện tích; tăng vụ; tăng năng suất thông qua nâng cao sức khỏe của đất giúp giảm thiệt hại do sâu bệnh, thiên tai”, ông Hồng khẳng định.
Để đạt được hiệu quả về kiểm soát chất lượng cũng như tăng giá trị RAT thì biện pháp quản lý chặt chẽ các công đoạn từ sản xuất đến lưu thông và tiêu thụ RAT cũng cần được chú trọng. Bởi theo tìm hiểu của phóng viên tại vùng RAT vào loại lớn bậc nhất của Hà Nội, hiện tượng RAT và rau đại trà đang khá “gần” nhau cả về giá cả tiêu thụ lẫn lợi nhuận. Trung bình: giá bán tại ruộng đổi với rau đại trà là: 10.000đ/kg rau cải; 12.000đ/kg đỗ dài. Còn với RAT chỉ cao hơn 1 chút ở mức: 12-13.000đ/kg rau cải, 13-15.000đ/kg đỗ dài. Do đó, cần có giải pháp đặc thù để khuyến khích người dân trồng RAT.
|
Tràng An - Lê Hoàng
theo Thanh tra