Du lịch bền vững không phải là vấn đề mới đối với Hà Nội nhưng hơn lúc nào hết, Thủ đô đang đặc biệt coi trọng yếu tố này bởi kỳ vọng trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp, xứng đáng là trung tâm du lịch của khu vực và cả nước không thể tách rời với sự phát triển bền vững. Đơn giản là sự “ăn xổi” trong đầu tư, khai thác du lịch đồng nghĩa với sự trả giá do những hệ lụy của nó mang lại và Hà Nội cũng không xa lạ gì với mâu thuẫn đó.
Du lịch bền vững không phải là vấn đề mới đối với Hà Nội nhưng hơn lúc nào hết, Thủ đô đang đặc biệt coi trọng yếu tố này bởi kỳ vọng trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp, xứng đáng là trung tâm du lịch của khu vực và cả nước không thể tách rời với sự phát triển bền vững. Đơn giản là sự “ăn xổi” trong đầu tư, khai thác du lịch đồng nghĩa với sự trả giá do những hệ lụy của nó mang lại và Hà Nội cũng không xa lạ gì với mâu thuẫn đó.
Tour du lịch khám phá phố cổ Hà Nội bằng xe điện. (Nguồn: cholontourist.com.vn)
Hội thảo “Du lịch – Nguồn sức mạnh để phát triển bền vững” do Hội đồng Xúc tiến Du lịch châu Á (Hà Nội là thành viên) tổ chức mới đây tại Hà Nội được xem là hoạt động nổi bật nhất trong vòng chục năm qua. Du lịch bền vững hay người ta quen gọi là "du lịch xanh," nếu thẳng thắn nhìn nhận lại, nó chưa định hình bằng những hoạch định, bằng những kế hoạch cụ thể của Hà Nội trong thời gian qua. Tuy nhiên, cũng không thể nói Hà Nội không xuất hiện loại hình du lịch xanh, duy chỉ có điều nó phát triển một cách tự phát do tự thân các doanh nghiệp gây dựng nên.
Ngay từ cuối những năm 90, du lịch sông Hồng xuất hiện như một thứ mới mẻ, lạ lẫm trên một chất liệu rất dân dã: Đi tàu dọc bờ sông ngắm mặt nước mênh mang, cảnh sắc, di tích và làng cổ ven bờ. Đến nay, du lịch sông Hồng vẫn tồn tại nhưng không còn được hấp dẫn như trước bởi nó không được đầu tư đúng mức về cơ sở vật chất tàu thuyền, hạ tầng bến bãi, các dịch vụ du lịch và sự phối hợp đầu tư tại điểm đến. Rồi tới sản phẩm du lịch sinh thái, đạp xe khám phá làng quê nông thôn và cuộc sống người dân ngoại thành Hà Nội; gần đây nhất, là các tour du lịch khám phá phố cổ Hà Nội, tham quan Hồ Tây bằng xe điện, bố trí cho khách đi tìm hiểu phong tục, tập quán, văn hóa, ẩm thực làng cổ Đường Lâm, du lịch nông nghiệp.
Có thể nói, các sản phẩm du lịch này khá hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách nước ngoài bởi, ngoài sự thân thiện với môi trường, với cuộc sống; du khách còn tự mình khám phá, cảm nhận những nét riêng của từng vùng miền. Tiến sỹ Ngô Kiều Oanh, Giám đốc Công ty ATC Việt Nam, đơn vị quản lý Trang trại du lịch Đồng quê Ba Vì cho biết: “Du lịch nông nghiệp đã chứng minh sự đóng góp to lớn không những về mặt kinh tế mà còn về các mặt xã hội, bảo vệ môi trường, tự nhiên, văn hóa và lịch sử.”
Tuy vậy, phát triển du lịch xanh mới được ghi nhận bước đầu ở việc xây dựng sản phẩm du lịch là chính; việc bảo vệ cảnh quan môi trường, di tích tại điểm đến cũng còn nhiều điều cần bàn. Bởi sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng liên quan chưa thực sự quyết liệt; còn xảy ra tình trạng rác thải bừa bãi, cảnh quan bị xâm hại, các dịch vụ du lịch lộn xộn…. Môi trường tại các cơ sở lưu trú, cho dù đã cải thiện nhưng chưa triệt để, đặc biệt là khối khách sạn vừa và nhỏ.
Nhìn sang Thủ đô các nước trong khu vực như Tokyo (Nhật Bản), Soeul (Hàn Quốc) Kualalumpur ( Malaysia ), Jakarta (Indonesia)… mới thấy, phát triển du lịch bền vững được chính quyền các thành phố quan tâm từ lâu với những chiến lược tầm cỡ. Đó là việc tận dụng các sản phẩm du lịch sinh thái để đầu tư và khai thác; là xây dựng những tuyến tiên đường, những phương tiện du lịch không khói; là phát triển những vùng du lịch xanh.
Bà Noraza Yosuf, Trưởng phòng Du lịch chính quyền thành phố Kualalumpur, khẳng định: “Hiện chúng tôi đang nâng cao nhận thức về du lịch cho người dân và chính quyền thành phố, vừa phát triển du lịch bền vững, vừa tạo ra sản phẩm du lịch dài hạn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng khu vực đi bộ, nâng cấp hạ tầng du lịch, tạo các công viên thực vật từ các khu vườn lâu đời, tận dụng đường sắt để nối các điểm du lịch, dự án phát triển hạ tầng bên sông, khuyến khích du khách trồng cây xanh trong các sản phẩm du lịch, xây dựng dự án trung tâm châu Á thực sự của Kualalumpur."
Nhận thức được tầm quan trọng của tính bền vững trong hoạt động du lịch, Hà Nội đã đưa yếu tố “thân thiện với môi trường” vào trong mục tiêu phát triển du lịch đến năm 2020 nhằm phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nhân văn, bảo vệ môi trường, sinh thái, xã hội. Đồng thời, thành phố sẽ ưu tiên phát triển hai khu du lịch quốc gia là khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng núi Ba Vì - hồ Suối Hai và khu du lịch Làng văn hóa-du lịch các dân tộc Việt Nam cùng với hai điểm du lịch quốc gia là Công viên văn hóa lịch sử Hoàng Thành Thăng Long và Khu du lịch văn hóa lễ hội và thắng cảnh Hương Sơn.
Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, cho biết: Trong thời gian tới, du lịch Thủ đô trình làng một số sản phẩm Du lịch xanh mới như du lịch sinh thái Sóc Sơn, du lịch tâm linh, ăn nghỉ tại nhà dân Ba Vì. Giá trị cảnh quan, sinh thái tại khu vực Vườn Quốc gia Ba Vì, khu danh thắng Hương Sơn, khu vực núi Sóc – hồ Đồng Quan… cùng được đầu tư khai thác.
Cùng với đó, Hà Nội còn xây dựng phát triển hai vành đai du lịch gồm vành đai sông Hồng, sông Đáy với sản phẩm chính là du lịch sinh thái ven sông. Thành phố khuyến khích phát triển du lịch bền vững nhưng yêu cầu các bên liên quan phải có trách nhiệm với môi trường, xã hội. Theo đó, thành phố sẽ xây dựng quy chế cụ thể khai thác du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường, liên kết với cộng đồng dân cư trong hoạt động bảo vệ môi trường. Với những giải pháp đó, Hà Nội không chỉ là điểm đến thân thiện mà còn có sức hấp dẫn tới du khách trong à ngoài nước./.
Theo TTXVN