Những năm qua, việc sản xuất và chế biến chè tại làng nghề truyền thống chè Phú Yên, xã Yên Bài, huyện Ba Vì (Hà Nội) đã tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho hàng nghìn nông dân, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp địa phương phát triển.
Hiện nay, trên địa bàn thôn Phú Yên, xã Yên Bài có 283 hộ gia đình với 1.009 nhân khẩu, gồm 7 dân tộc, đa số có nguồn gốc là người lao động thuộc các xã Tòng Bạt, Phú Châu, Minh Châu của huyện Ba Vì, và một số xã của huyện Phúc Thọ, vào xây dựng kinh tế mới tại Nông trường Ba Vì (nằm trên địa bàn xã Yên Bài) từ năm 1989. Năm 2006 thực hiện chủ trương cổ phần hóa của Nhà nước, Nông Trường Ba Vì giải thể, các hộ gia đình chính thức được chuyển về trở thành công dân xã Yên Bài. Kinh tế hộ gia đình chủ yếu dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi, trong đó cây chè vốn là cây truyền thống của địa phương xã Yên Bài và người dân Phú Yên từ hàng chục năm qua.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đăng Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài cho biết: “Xã Yên Bài về đích Nông thôn mới năm 2020, giai đoạn năm 2021 - 2023 xây dựng Nông thôn mới nâng cao. Hiện nay tại làng nghề truyền thống chè Phú Yên có khoảng gần 300 hộ dân, chủ yếu các hộ đó đều làm chè và phát triển thương hiệu chè, trong việc trồng chè có trồng đan xen cây ăn quả như bưởi, mít. Thương hiệu chè Phú Yên đã được công nhận sản phẩm chè đạt OCOP 3 sao, hiện nay sản phẩm OCOP của xã chỉ có sản phẩm chè và bưởi, bình quân thu nhập trên đầu người đạt trên 50 triệu/người/năm với tổng dân số gần 10 nghìn người”.
Trong đó, xã Yên Bài sẽ tập trung hỗ trợ phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng vùng chè; tổ chức sắp xếp cơ sở chế biến và sản xuất chè; xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại. Xây dựng, mở rộng vùng sản xuất chè hàng hóa, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tạo sự ổn định trong phát triển sản xuất, chế biến chè trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Bảy - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Yên Bài, trực tiếp phụ trách làng nghề truyền thống chè Phú Yên cho biết: “Làng nghề truyền thống chè Phú Yên đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận vào năm 2015, đến năm 2020 dưới sự chỉ đạo của các cấp ban ngành trên địa bàn huyện Ba Vì và xã Yên Bài đã đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ nhãn hiệu chè tập thể, HTX làm chè có 183 hộ làm chè trên tổng hơn 200 hội viên thực hiện chương trình hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội có được hướng dẫn thủ tục hành chính, tập huấn để làm thương hiệu chè OCOP để chấm điểm. Năm 2021, sản phẩm chè Phú Yên được UBND thành phố Hà Nội chấm điểm đạt sản phẩm chè OCOP 3 sao”.
“Bên cạnh đó, đến tháng 7 năm 2022 mới chính thức được Cục sở hữu trí tuệ công nhận là sản phẩm chè Phú Yên đạt tiêu chuẩn, hỗ trợ cho sản phẩm chè Phú Yên lên sàn điện tử. Nguồn gốc của chè Phú Yên đó là ngày xưa người dân sinh sống gốc ở Yên Bài đã trồng chè, đặc biệt năm 1989 - 1990 khi còn là tỉnh Hà Tây đã đưa các hộ dân vào thôn Phú Yên làm kinh tế mới và được cấp đất ở, đất vườn cho bà con nhân dân, đa số các hộ đều trồng chè và cũng chính từ đó cây chè Phú Yên mới được nhân rộng và có nhiều. Tổng diện tích cây chè của thôn Phú Yên hiện có 70ha, còn trước đó khi mới trồng chưa xen canh cây bưởi thì có trên 100ha, còn tổng diện tích của làng chè Phú Yên gần 300ha, diện tích chè 70ha chiếm khoảng 40% diện tích, thu nhập của bà con Phú Yên năm 2021 theo báo cáo tổng kiểm tra toàn xã 67 triệu/người/năm” - ông Bảy cho biết thêm.
Đặc biệt, làng nghề truyền thống chè Phú Yên trong những năm gần đây khi chính thức được công nhận làng nghề năm 2015 việc giám sát trồng chè đều có theo hướng dẫn cụ thể về quy trình, HTX Phú Yên đã ra quy chế rõ ràng đối với 183 hộ trồng chè phải tuân thủ theo an toàn đảm bảo tập huấn cho các hộ dân trồng chè đều phải xử dụng phân hữu cơ, như đậu tương, phân chuồng ủ mục. Nói không với các loại thuốc nằm trong danh sách cấm về sản xuất nông nghiệp. Hướng đi trong tương lai đối với cây chè Phú Yên là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt sẽ phát triển trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng gắn liền với cây chè, trên địa bàn xã hiện nay có 7 dân tộc chính nhưng chiếm chủ yếu là dân tộc Kinh, Mường, Tày…
Hộ gia đình trồng chè ông Nguyễn Công Thanh tại làng nghề truyền thống chè Phú Yên chia sẻ: “Nói về quy mô trồng chè của gia đình vẫn làm thủ công gần như 100%, thiết bị khoa học chưa được đầu tư, chè chủ yếu gia đình đang làm là chè nõn 1 tôm 2 lá. Quy trình chè thì đa dạng và chất lượng ngay từ khi chăm sóc cây chè toàn bộ là phân hữu cơ, thuốc sinh học. Đầu ra sản phẩm chè của gia đình thì trên địa bàn các tỉnh thành cả nước, trước đó là bán hàng xuất khẩu, nhưng giờ chủ yếu là nội tiêu. Hiện nay, gia đình 1 tháng bán khoảng 20 đến 30 tấn chè khô, tính trung bình 1 năm đạt 100 tấn”.
Bà Nguyễn Thị Thiết - Thành viên trong HTX Yên Bài cho biết: “Việc thu hái chè đều thủ công đến công đoạn sao, vò làm chè đều hoàn toàn thủ công để hương chè đạt chuẩn nguyên vị ban đầu.Việc thu hái chè phải buổi sáng, tinh sương và tươi không để héo, nếu sản phẩm chè mà héo là diệt men chỉ là hàng xuất khẩu, còn hàng nội tiêu phải tươi”.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được triển khai trên địa bàn huyện Ba Vì không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, mà còn là cơ hội để các địa phương xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, nâng cao đời sống nhân dân và góp phần giúp huyện Ba Vì đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội./.
Sơn Thủy/KTĐU