Sự kiện hot
5 năm trước

Hà Nội: Không ép học sinh học lực yếu, kém không dự thi lớp 10

Tham dự Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập là quyền lợi của tất cả các học sinh, nếu phát hiện có đơn vị vi phạm điều này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ xử lý nghiêm khắc.

Thời điểm này, học sinh lớp 12 đang tập trung ôn tập để bước vào Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 sẽ diễn ra vào tháng 8 tới. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Trước thông tin phụ huynh phản ánh nhà trường gây áp lực, yêu cầu học sinh có học lực yếu, kém viết đơn tự nguyện không đăng ký dự thi lớp 10 Trung học Phổ thông công lập năm học 2020-2021 tại Hà Nội, chiều 1/7, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết, Sở đã nhận được thông tin này và yêu cầu các đơn vị, cá nhân liên quan xác minh.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang khẳng định, Sở không đưa kết quả Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào tiêu chí đánh giá thi đua đối với các đơn vị.

Chủ trương của thành phố Hà Nội được duy trì nhiều năm nay là tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi học sinh đủ điều kiện và có nguyện vọng đều được tham dự Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Trung học Phổ thông công lập.

Nếu phát hiện có đơn vị vi phạm điều này và để ảnh hưởng đến quyền lợi học tập của học sinh, Sở sẽ xử lý nghiêm khắc.

Cùng ngày, bà Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Phú La (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, không có việc Ban giám hiệu hoặc giáo viên nhà trường ép học sinh viết đơn tự nguyện không đăng ký dự thi lớp 10 Trung học Phổ thông công lập năm học 2020-2021.

Nhà trường có năm lớp 9 với 223 học sinh, trong đó có 29 học sinh không đăng ký dự thi lớp 10 công lập (gồm 3 học sinh không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, số còn lại có nguyện vọng đi học nghề, học trường ngoài công lập).

Trước khi học sinh làm đơn đăng ký dự thi, nhà trường đã tổ chức họp với 100% phụ huynh học sinh, thông tin toàn bộ về các quy định liên quan đến công tác tuyển sinh lớp 10 để phụ huynh nắm rõ việc lựa chọn nguyện vọng là quyền của gia đình.

Nhà trường luôn hỗ trợ, tạo điều kiện để mọi học sinh đủ điều kiện đều được dự thi.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai Phạm Đàm Thục Hạnh cho biết, thông tin Trường Trung học Cơ sở Thanh Trì gây áp lực, không cho học sinh kém đăng ký dự thi lớp 10 Trung học Phổ thông công lập là không chính xác.

Phòng đã yêu cầu nhà trường họp với 100% giáo viên chủ nhiệm lớp 9; họp với phụ huynh của các học sinh có đơn xin không đăng ký dự thi lớp 10 Trung học Phổ thông công lập.

Tổ công tác của Phòng đã trực tiếp dự cuộc họp với cha mẹ học sinh. Tại đây, 100% phụ huynh dự họp đều phát biểu ý kiến, khẳng định giáo viên của các lớp đều quan tâm, động viên học sinh học tập, không ép buộc học sinh, cha mẹ học sinh làm đơn xin không đăng ký dự thi lớp 10 Trung học Phổ thông công lập.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Thanh Trì thông tin thêm, nhà trường đã rà soát cụ thể về nguyện vọng của từng học sinh, có xác nhận của phụ huynh. 59 em trong tổng số 222 học sinh lớp 9 không đăng ký dự thi lớp 10.

Trong số này, 8 em không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội nên không đủ điều kiện dự thi, một em thuộc diện tuyển thẳng. Số còn lại mong muốn học năng khiếu, học nghề, học trường ngoài công lập.

Kỳ thi vào lớp 10 Trung học Phổ thông năm học 2020-2021 của Hà Nội sẽ diễn ra trong hai ngày 17-18/7/2020.

Nhà trường, gia đình cũng như các học sinh đều lo lắng và mong giành được một suất vào lớp 10 công lập. Tỷ lệ tuyển sinh vào các trường Trung học Phổ thông công lập của Hà Nội chỉ khoảng 62%. Số học sinh còn lại sẽ được phân luồng học tại các trường nghề, trường ngoài công lập...

Thực tế, học hết lớp 9, học sinh có rất nhiều lựa chọn khác nhau như có thể vào học tiếp ở trường Trung học Phổ thông công lập hoặc dân lập, trung tâm giáo dục thường xuyên hay đi học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng…

Đây cũng chính là chủ trương phân luồng, hướng học sinh vào các luồng giáo dục phù hợp năng lực, điều kiện của bản thân học sinh và gia đình.

Tuy nhiên, để công tác này được thực hiện hiệu quả, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, từ việc thay đổi định kiến của phụ huynh, định hướng đúng cho học sinh, đến nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề trong các trường trung cấp, cao đẳng./.

Nguyễn Cúc
Theo TTXVN/Vietnam+

Từ khóa: