Sự kiện hot
11 năm trước

Hà Nội: Phủi bụi đồ gỗ, ngóng khách

3 năm gần đây, thị trường đồ gỗ cứ giảm dần sức mua. Những ngày cuối tháng Chạp năm nay, thị trường này quả là èo uột. Những chủ buôn bán đồ gỗ trên các phố La Thành, Lê Duẩn, Minh Khai... đều có chung niềm nuối tiếc. Thời hoàng kim của nghề sản xuất, buôn bán tủ thờ, giường, tủ, tủ bếp... đã qua rồi, giờ chỉ đứng phất trần phủi bụi cho đống đồ gỗ vô hồn và ngắm thiên hạ qua đường.


Hoa sen được chế tác từ gỗ mít tinh xảo được nhiều khách chọn mua. Ảnh: Thế Lữ

Thời phất lên nhờ sản xuất, buôn bán đồ gỗ

Năm 2010 trở về trước, thời đi đâu bất động sản cũng nóng hôi hổi, cũng là câu chuyện thường ngày của nhiều người. Thời ấy, mỗi năm có hàng chục ngàn căn hộ và nhà đất mới có người đến ở, đó là những chủ nhà đích thực hoặc cho thuê. Trong những căn hộ mới, căn nhà mới, hạng mục được đầu tư mua sắm đầu tiên là chiếc bàn thờ hoặc tủ thờ, tiếp đến là bộ tủ bếp. Tiếp nhận nhà mình, người nào cũng phải sắm hai hạng mục đó, sau đó mới đến sắm giường, tủ, bàn, ghế phòng khách, phòng làm việc... Tính trung bình, chi phí đồ gỗ cho một căn hộ bình thường cũng ngót nghét 100 triệu đồng. Với hàng nghìn căn hộ, nhà mới được giao trong một năm, rõ ràng chi phí mua sắm đồ gỗ là rất lớn. Đó là chưa tính đến nhiều gia đình khác đang sống ổn định, cuối năm lại muốn thay một vài thứ giường, tủ, bàn ghế... cho đỡ lỗi mốt.

Như vậy, cả "núi tiền" của thiên hạ phải chi trả cho mua sắm đồ gỗ. Đó là lý do trên các con phố La Thành, Lê Duẩn, Minh Khai... có cả trăm cửa hàng buôn bán đồ gỗ. Ngoài ra, nhiều con phố khác cũng có các cửa hàng kinh doanh đồ gỗ tầm cỡ. Cũng phải tính đến nhiều showroom đồ gỗ như nội thất Nhà Xinh, Nhà Đẹp... chuyên sản xuất và nhập khẩu những mặt hàng đồ gỗ cao cấp từ nước ngoài. Đó là lý do các huyện Từ Sơn (Bắc Ninh), Phú Xuyên, Thanh Oai, Hoài Đức, Quốc Oai... (Hà Nội) có nhiều công xưởng sản xuất đồ gỗ. Chỉ riêng Từ Sơn (Bắc Ninh), mỗi năm cũng tiêu hết hàng ngàn m3 gỗ. Nhiều đại gia trong lĩnh vực buôn bán, sản xuất kinh doanh đồ gỗ đã xuất hiện.


Vận chuyển đồ gỗ đến nhà khách hàng. Ảnh: Thế Lữ

Song, thời hoàng kim đó đã qua rồi. Lý do rất đơn giản, bất động sản vẫn tiếp tục bất động, rất ít người mua nhà mới, thuê nhà mới để ở, làm văn phòng nên nhu cầu mua sắm đồ gỗ rất thấp.

Đồ gỗ không giảm giá như bất động sản

Đỗ gỗ là mặt hàng ăn theo bất động sản, ế hàng nhưng không giảm giá. Bất động sản tăng giá là do thị trường đẩy lên giá ảo, cao hơn nhiều lần so với giá đích thực. Còn đồ gỗ không có giá ảo. Theo tiết lộ của nhiều chủ buôn gỗ, chủ sản xuất kinh doanh đồ gỗ, thì chủ buôn gỗ lãi ở chỗ mua được gỗ lậu, gỗ cấm, gỗ trốn thuế. Người sản xuất ngoài việc tính giá gỗ mua vào cộng với 50 - 70% giá mua thì bằng giá thành. Giá thuê cửa hàng, thuê nhân công bán, vận chuyển bằng 10 - 20% giá thành. Tổng các chi phí các công đoạn thành giá bán của mỗi sản phẩm.

Trong bối cảnh khó tiêu thụ đồ gỗ như hiện nay, các mặt hàng đều giảm giá khoảng 10 - 20% so với giá bán các năm trước. Theo công thức tính trên thì tháng Chạp năm nay, chủ hàng đã giảm lợi nhuận từ 10 - 20%. Thực chất họ tiết giảm chi phí trong khâu sản xuất tại xưởng và giá thuê các cửa hàng bán sảm phẩm trên phố La Thành, Minh Khai, Lê Duẩn... cũng giảm 10 - 15%. Như vậy, ở mỗi công đoạn đều chia sẻ khó khăn chung và người mua được hưởng lợi.


Chế tác bức tranh gỗ theo tích cổ. Ảnh: Thế Lữ

Mặc dù giá đồ gỗ được giảm từ 10 - 20%, thậm chí có mặt hàng giảm tới 30%, nhưng sức mua rất hạn chế. Nhiều cửa hàng đồ chạm khảm trên đường Lê Duẩn cả tháng chỉ bán được 1 - 2 bộ bàn ghế trị giá khoảng 30 triệu đồng. Với cách tính như trên, rõ ràng lợi nhuận không hề cao như trước và khách mua cũng tạnh vắng.

Thế Lữ
theo Thanh tra

Từ khóa: