Hà Nội kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”. Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197; số 02/KH-BCĐ197 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023, bước vào giai đoạn 3.
Theo đó, các cơ quan chức năng BCĐ 197 Thành phố Hà Nội sẽ kiểm tra quyết liệt, đồng bộ, toàn diện về những nội dung trên trong phạm vi toàn địa bàn Thành phố; phát hiện, xử lý 100% hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng để tạo tính răn đe. Kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”.
Bám sát chương trình hành động quyết liệt của Ban Chỉ đạo 197 thành phố về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023, Ban chỉ đạo 197 quận Ba Đình đã ra quân tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn quận năm 2023. Đồng thời, triển khai kịp thời và hiệu quả Kế hoạch số 86/KH-BCĐ, BCĐ 197 quận xây dựng Kế hoạch số 05/ KH-BCĐ-CABĐ về “Tổ chức Lễ ra quân tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn Quận Ba Đình năm 2023” đã đạt được những kết quả khả quan.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an các phường thuộc quận Ba Đình đã thường xuyên thực hiện, chỉ đạo quyết liệt và tổ chức phát động toàn lực lượng ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn phường. Tuy nhiên, vi phạm trật tự đô thị, trật tự công cộng, kinh doanh buôn bán trên vỉa hè, chiếm dụng sân chơi chung tại các khu tập thể vẫn tồn tại mỗi khi vắng bóng lực lượng chức năng.
Sân chơi chung ở giữa các khu tập thể cũ đã bị chiếm dụng lấn chiếm vỉa hè, khu vui chơi công cộng, sinh hoạt cộng đồng… làm nơi kinh doanh ăn uống buôn bán, dừng đỗ phương tiện vẫn diễn ra khá phổ biến gây bức xúc trong dư luận.
Trao đổi với phóng viên, bà N.V.Đ, phường Giảng Võ (quận Ba Đình) cho biết, nhằm tạo cảnh quan, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, hàng loạt các hạng mục phụ trợ không gian sinh hoạt chung, khu vực tập thể dục thể thao… đã được xây dựng. Thế nhưng, những bất cập trong công tác quản lý đã khiến những khu vực công cộng, trở thành “tài sản riêng” của những hộ kinh doanh, tôi thấy lãng phí tiền của Nhà nước.
Theo một số người dân trong khu vực, tình trạng biến sân chung thành của riêng đã diễn ra trong một thời gian dài từ trước giai đoạn phòng chống dịch Covid 19, người dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền phường nhưng đến nay, các vi phạm vẫn chưa được xử lý triệt để. Tình trạng các hộ kinh doanh lấn chiếm sân chơi, sân chung làm kinh doanh cũng diễn ra khá phổ biến khiến người dân vô cùng lo lắng nếu chẳng may hỏa hoạn xảy ra, đã rất nhiều đêm chúng tôi mất ngủ, trẻ em không thể ngủ đảm bảo sức khỏe học tập.
Xung quanh vấn đề này, lãnh đạo UBND – BCĐ 197, Công an tại một số phường cho biết, đều đã nắm được thực trạng, nhưng việc xử lý gặp không ít khó khăn, hầu hết những trường hợp chiếm dụng sân chung làm nơi kinh doanh đều là các hộ dân sinh sống ngay trong khu tập thể. Vì thế, mỗi khi lực lượng chức năng tới dẹp bỏ thì đồ đạc được dọn ngay vào nhà. Khi các lực lượng chức năng rút đi, họ lại bày ra như cũ.
Trong lĩnh vực quản lý đô thị, TTĐT công cộng, một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hầu hết các khu tập thể cũ không có nhà để xe, khu mua bán nên tình trạng lấn chiếm sử dụng diện tích, không gian công cộng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để xảy ra tình trạng trên có một phần trách nhiệm của chính quyền phường sở tại trong việc xử lý, ngăn chặn các hành vi tái vi phạm. "Để giải quyết triệt để tình trạng này, cần có giải pháp tổng thể. Trước mắt, giải quyết được bài toán về trông giữ phương tiện, có nơi mua sắm tiện lợi nhằm đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho người dân trong khu vực đó" - một chuyên gia bày tỏ.
Theo Phong Vũ/KTĐU