Với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ cao của cả nước, tạo ra các sản phẩm chất lượng và giá trị cao, có khả năng cạnh tranh, đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn của các nước trong khu vực và thế giới, Thành phố Hà Nội đã đặt ra nhiều mục tiêu phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ cao của cả nước, tạo ra các sản phẩm chất lượng và giá trị cao, có khả năng cạnh tranh, đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn của các nước trong khu vực và thế giới, Thành phố Hà Nội đã đặt ra nhiều mục tiêu phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Hoạt động sản xuất tại khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội).
(Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Theo đó, mục tiêu đến năm 2015 số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội dự kiến đạt 300 doanh nghiệp và đến năm 2020 đạt khoảng 700 doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực này có thể cung ứng được 50% nhu cầu nội địa hóa trên địa bàn Hà Nội ở các lĩnh vực khác nhau của ngành công nghiệp chế tạo; đồng thời đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ thuật cao cho các doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập; nâng cao trình độ kỹ thuật quản lý, cải tiến năng suất chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Với những mục tiêu trên, thành phố sẽ ưu tiên, khuyến khích phát triển các ngành như cơ khí chế tạo, thiết bị điện, sản xuất và lắp ráp thiết bị phương tiện vận tải, điện tử-tin học, công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp, công nghệ cao.
Bên cạnh việc thu hút tối đa các nguồn vốn đầu tư nước ngoài và tranh thủ trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến từ các nước, thành phố sẽ có chính sách hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và vốn cho sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay đầu tư cho phát triển…
Hà Nội cũng sẽ chú trọng các giải pháp như khuyến khích các cơ quan nghiên cứu triển khai nghiên cứu, thực hiện các đề tài, dự án gắn với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; xây dựng cơ sở dữ liệu quảng bá sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của vùng Thủ đô; xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội theo đúng tiến độ để sớm kêu gọi đầu tư; đẩy nhanh việc gia hạn, miễn và giảm thuế, hỗ trợ nguồn lực tài chính để giảm chí phí vay vốn, hỗ trợ khó khăn sản xuất…
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch cấp kinh phí để đào tạo nhân lực, trong năm 2013 sẽ mở 100 lớp đào tạo về quản trị doanh nghiệp và khởi sự doanh nghiệp cho 4.000 học viên để cung cấp những kiến thức cần thiết trong công tác quản lý, kinh doanh cho doanh nhân và người lao động.
Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/Home/Ha-Noi-se-co-300-DN-vua-va-nho-ve-cong-nghiep-ho-tro/20138/212296.vnplus
Nguyễn Văn Cảnh
theo TTXVN