Hàng loạt cửa hàng trên địa bàn TP. Hà Nội bày bán công khai các sản phẩm Cigar (xì-gà) và rượu ngoại được gắn mác “xách tay” nhưng có dấu hiệu không giấy tờ, mập mờ nguồn gốc…
Trong vài năm trở lại đây, hút xì-gà, uống rượu ngoại đang trở thành “mốt” ăn chơi thời thượng của người dân có thu nhập cao sống tại các thành phố lớn. Hầu hết bên trong các nhà hàng sang trọng tại Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh thời điểm này, không khó bắt gặp hình ảnh người này, người kia cầm trên tay điếu xì-gà rất sành điệu.
Theo tìm hiểu, xì-gà được nhập khẩu hoặc xách tay về Việt Nam đa số đều có nguồn gốc từ Cu-ba, công ty sản xuất xì-gà hàng đầu thế giới Habanos S.A Cigars, những nhãn hiệu nổi tiếng khác như Cohiba, Montecristo, Romeo y Julieta, Partagas... đều có xuất xứ từ đây. Tuy nhiên, những sản phẩm xì-gà được đưa về Việt Nam và đang bán tràn lan trên thị trường lại đa phần là hàng xách tay, nhiều sản phẩm không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.
Theo khảo sát của phóng viên vào những ngày đầu tháng 12/2019, các cơ sở hệ thống cửa hàng xì-gà, rượu ngoại trên địa bàn thành phố Hà Nội đang hoạt động mua bán tràn và lan công khai rất sôi động những ngày cận Tết (Dương lịch và Âm lịch 2020).
Tại cửa hàng Thế Giới Cigar (số 51A Hàng Bài và 26 Nguyễn Khang), các loại xì-gà nổi tiếng được bày trong hộp gỗ tại đây nhưng đều không có tem mác rõ ràng, các nhân viên cũng tiết lộ, sản phẩm ở đây đều là hàng xách tay, không có giấy tờ.
Đặc biệt, tại cửa hàng “Thế giới Cigar & Wine Club” (198 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội), nhân viên bán hàng cũng tư vấn nhiệt tình về các sản phẩm đang bày bán tại đây. Nhưng điều lạ lùng, sau khi khách hàng đặt mua 1 hộp xì-gà hãng TOSCANELO mini, nhân viên xuất hóa đơn bán lẻ với giá 250,000 đồng, địa chỉ ghi trong hóa đơn tại số 158 Kim Mã mà không phải ở 198 Trung Kính như vị trí đặt cửa hàng.
Ngoài phương thức bán hàng trực tiếp tại các cửa hàng, nhiều nhà phân phối cũng sử dụng các mạng xã hội như Zalo, Facebook để buôn bán, giới thiệu sản phẩm, hoạt động rất sôi động.
Ông Trịnh Bá Quang - Quyền Trưởng phòng Liên ngành, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cho biết: “Thực tế, nhiều khi đoàn liên ngành phối hợp kiểm tra vừa xong hôm nay thì ngày mai, họ lại bày bán nên việc xử lý dứt điểm rất khó. Còn giờ để thực hiện kiểm tra những mặt hàng đó, chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo để có phương án phối hợp với bên cơ quan chức năng vào cuộc”.
Theo quy định, hiện nay, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam là đơn vị duy nhất được phép nhập khẩu và phân phối, bán sản phẩm xì-gà nhập khẩu chính ngạch tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, người tiêu dùng vẫn rất khó tiếp cận các sản phẩm nhập khẩu chính ngạch. Trong khi đó, công tác quản lý cho thấy nhiều vấn đề bất cập. Nếu giám sát thiếu chặt chẽ thì xì-gà không rõ nguồn gốc, xì-gà trôi nổi, kém chất lượng, thậm chí hàng giả vẫn có “đất sống”.
Để tránh tình trạng mất tiền oan, mỗi cá nhân khi mua xì-gà và rượu phải thật tỉnh táo. Lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không nên mua hàng trôi nổi được gắn mác “xách tay”, điều này không chỉ vô tình tiếp tay cho những đối tượng buôn bán hàng lậu, hàng giả mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe khi sử dụng những điếu xì gà kém chất lượng.
Báo Đời sống và Tiêu dùng sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!
“Hàng xách tay” là hàng trốn thuế
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì hàng hóa nhập lậu bao gồm:
- Hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật;
- Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường;
- Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
- Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;
- Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.
Đối chiếu với các quy định trên cho thấy, “hàng xách tay” chính là hàng hóa trốn thuế, nhập lậu.
Linh Linh
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng