UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa chấp thuận cho Công ty CP Điện mặt trời Miền Trung MK thực hiện việc khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng 4 nhà máy điện gió tại Kỳ Anh.
Nhằm đảm bảo việc thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét thẩm định, phê duyệt Dự án Nhà máy Điện gió Kỳ Anh MK vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến 2030 (Quy hoạch Điện VII điều chỉnh).
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét thẩm định, phê duyệt Dự án Nhà máy Điện gió Kỳ Anh MK vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến 2030.
Nội dung cần điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch gồm: chủ đầu tư dự án là Công ty CP điện mặt trời Miền Trung MK; địa điểm thực hiện tại khu vực trên đất liền và trên biển các xã Kỳ Khang, xã Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh); diện tích đất cho khảo sát, nghiên cứu đầu tư khoảng 2.800ha; diện tích đất sử dụng có thời hạn để xây dựng dự án là 34,25ha (chiếm 1,2% diện tích khảo sát, nghiên cứu)...
Dự kiến tổng công suất lắp đặt của dự án là 403,2MW, bao gồm 4 nhà máy, mỗi nhà máy có công suất 100,8MW; sản lượng điện phát lên lưới của toàn bộ dự án là 1.139 GWh/năm.
Hiện tại, vị trí khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy Điện gió Kỳ Anh MK chưa có trong danh mục nguồn điện thuộc Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến 2030 nên chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Hà Tĩnh và huyện Kỳ Anh được phê duyệt.
Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là 16.206,9 tỷ đồng.
Về thời gian vận hành, Nhà máy Điện gió Kỳ Anh MK1 bắt đầu vận hành từ tháng 6/2022, Nhà máy Điện gió Kỳ Anh MK2 vận hành tháng tháng 12/2022, Nhà máy Điện gió Kỳ Anh MK3 vận hành tháng tháng 6/2023, Nhà máy điện gió Kỳ Anh MK4 vận hành tháng 12/2023.
Nhà máy điện gió Kỳ Anh MK với ưu điểm sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường, phù hợp với chủ trương và phát huy được tiềm năng tự nhiên của tỉnh, sau khi đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng thu ngân sách cho tỉnh và cung ứng một phần cho nguồn điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Trước đó, vào tháng 4/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng cũng đã có văn bản trình Chính phủ, Bộ Công thương đề xuất cụm dự án điện gió 4.915 tỷ đồng của Công ty CP Năng lượng Phước Trung vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).
Huy Đức
Theo KTDU