Sự kiện hot
7 tháng trước

Hà Tĩnh: Chè rộ mùa thu hoạch, bà con phấn khởi kéo nhau ra đồng

Những ngày này, trên đồi chè bạt ngàn xanh mướt, người dân Hương Sơn đang bắt tay vào thu hoạch lứa chè chính vụ. Thời tiết thuận lợi chè cho ra búp nhiều, lại được giá nên bà rất con phấn khởi.

Cứ vào độ tháng 2, khi những gốc chè mới đốn từ trong năm cho ra những búp non mơn mởn thì người dân hai xã Sơn Kim 2, Sơn Tây, ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh lại xúng xính dụng cụ đi thu hái chè.

Người dân kéo nhau đi hái chè từ tờ mờ sáng

Thời điểm này, người dân đang bắt tay vào thu hoạch lứa chè chính vụ. Đây là mùa chè đẹp nhất và cho sản lượng cao hơn những đợt thu hái khác trong năm.

Sáng sớm, các chị, các cô lại ý ới kéo nhau đi thu hoạch chè. Chị Bùi Thị Hiền, một hộ dân trồng chè ở thôn Khí Tượng, xã Sơn Tây cho biết, để tránh cái nắng gay gắt của ngày hè, cũng như việc thu hái được dễ dàng hơn thì chị em chúng tôi thường rủ nhau đi từ tờ mờ sáng, lúc mà những giọt sương còn đọng trên các cành lá.

CHè được mùa lại được giá, bà con phấn khởi thu hoạch

Nhìn những cánh tay thoăn thoắt cứ đưa đi đưa lại liên tục khiến cho tôi nhìn hoa hết cả mắt. Chị Hiền cho hay, “Chè thì hầu như cho thu hoạch quanh năm, chỉ nghỉ một thời gian ngắn khi đốn cành mà thôi. Tuy nhiên, đây là thời điểm vào chính vụ cho năng suất cao nhất trong năm. Cứ khoảng 4- 5 giờ sáng chúng tôi bắt đầu ra hái đến tầm 9 – 10 giờ về mang chè vào xí nghiệp nhập, buổi chiều tầm 3 -4 giờ lại tiếp tục công việc, một ngày tôi có thể hái được 40 -50 kg chè. Chè thu hoạch đến đâu được thu mua đến đó nên chúng tôi không phải lo lắng đầu ra của sản phẩm.

Một người trung bình có thể hái được 40 - 50 kg/ ngày

 Chị Hoa, một hộ dân đang hái chè gần đó cho biết, “Nhờ được chính quyền cũng như xí nghiệp hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc kỹ, cây chè phát triển tốt nên mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch 9 - 10 tấn chè búp tươi, cho thu nhập khoảng 60 - 65 triệu đồng. Đây được xem là nguồn thu nhập chính của cả gia đình”.

Những cánh đồng chè ở xã Sơn Tây được người dân chăm sóc kỹ lưỡng nên mang lại năng suất cao

Theo chị Hoa, vì chè đang vào chính vụ nên để thu hoạch cho kịp lứa nhiều gia đình phải thuê người hái hộ. Ở đây chè được thu hoạch hoàn toàn bằng thủ công nên chất lượng chè cao, chứ không phải như một số tỉnh khác họ thu hái bằng máy. Chè chúng tôi hái theo quy chuẩn 1 tôm gồm 2 - 3 lá non, khi hái phải trừ lại khoảng 2 lá của ngọn mới để chè có sức sinh trưởng cho lứa sau và tạo sự đồng đều cho tán chè. Hiện chè tươi đang được xí nghiệp thu mua với giá giao động từ 6.500 – 7000 đồng/kg, chính vì vậy giá chè chúng tôi nhập cho xí nghiệp cũng cao hơn các nơi khác. Sau đợt hái này là bước vào mùa hè, thời tiết không còn thuận lợi như những tháng đầu năm nên năng suất những lứa chè tới đây sẽ không bằng đợt này.

Nhìn những cánh đồng chè xanh bạt ngàn còn thu hút đông đảo khách du lịch đến đây tham quan, chụp ảnh

Theo ông Cao Văn Đức- Chủ tịch UBND xã Sơn Tây thì xã Sơn Tây có diện tích chè lớn nhất tỉnh, là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của xã. Thời điểm hiện tại đang là thời điểm thu hoạch chính vụ của cây chè.

Những xe chè hái xong sẽ được chở thẳng đến xí nghiệp chè để nhập

Toàn xã Sơn Tây hiện có 296 ha chè, trong đó có 286 ha đang mùa thu hoạch. Điều đáng mừng là đa phần các đồi chè ở Tây Sơn có độ tuổi từ 8 - 10 năm nên năng suất rất cao.

Năm nay thời tiết rất thuận lợi cho cây chè sinh trưởng và phát triển. Việc chăm sóc cũng được bà con chú trọng hơn từ việc bón phân cho đến tưới tiêu. Một tháng bình quân một hộ sẽ thu nhập từ 6- 8 triệu đồng.

Nhũng tay đua xe đạp cũng đặt chân đến đồi chè để ghi lại những hình ảnh đẹp của cánh đồng chè xanh bát ngát (Ảnh TNT)

Tuy nhiên, niềm trăn trở lớn nhất của địa phương là chè được hái hoàn toàn bằng thủ công nên cần lượng lớn lao động, trong khi đó hái chè chủ yếu chị em phụ nữ, nên lao động đang là một vấn đề khó giải quyết.

Diễm Phước

KT&ĐU

Từ khóa: