Sự kiện hot
7 tháng trước

Hà Tĩnh: Đặc sản hồng Yên Du vào mùa hút khách

Hồng giòn năm nay vừa được mùa, lại được giá khiến bà con thôn Yên Du, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh phấn khởi.

Hồng năm nay được mùa người dân rất phấn khởi.

Hồng giòn đặc sản hút khách

Vào khoảng giữa tháng 8 đến 10 âm lịch hàng năm, người dân thôn Yên Du, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) lại bận rộn thu hoạch hồng giòn, năm nay vì là năm nhuận nên hồng thu hoạch sớm hơn.

Trước đây, vì là đất đồi núi, cằn cỗi người dân trồng hồng chỉ để phủ xanh, che bóng mát, nhưng sau này hồng giòn được người dân ưa chuộng, giờ chính cây hồng giúp nông dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Những quả hồng chín vàng, nhìn đã mắt.

Những gốc hồng giòn được người dân làng Yên Du trồng ở khu vực quanh nhà, dưới chân đồi, mỗi mùa hái quả thu về hàng trăm triệu đồng.

Bà Nguyệt, một hộ dân trồng hồng cho biết, gia đình bà có khoảng hơn 200 gốc hồng, những gốc có tuổi đời hàng chục năm sẽ cho thu hoạch trên 3 tạ quả, còn những gốc mới trồng tầm 5-7 năm thì cho quả bói khoảng 5-6kg. Năm nay hồng được mùa nên sai quả. Dự tính cuối vụ thu khoảng hơn 200 triệu đồng.

Giá hồng năm nay thương lái mua tại vườn từ 35-40 ngàn đồng/kg. Có bao nhiêu là họ mua bấy nhiêu nên người dân phấn khởi.

Hồng sau khi hái phải ngâm qua nước sạch 2 ngày 2 đêm mới có thể ăn được.

Hồng có hương vị đặc biệt

Hồng có rất nhiều nơi trồng nhưng vị hồng ở Yên Du nó khác hơn nhiều hồng ở các nơi khác. Quả hồng khi hái ở trên cây còn có vị chát để ăn được ngâm hoàn toàn bằng nước lạnh, không sử dụng hóa chất để kích thích quả chín. Mỗi ngày thay nước một lần, nếu không thịt quả sẽ có vị chát. Khoảng 2 ngày 2 đêm vớt quả ra để ráo là ăn được.

Hồng Yên Du quả không lớn, khi chín ruột chuyển màu vàng đậm, vị ngọt, thơm và rất giòn, lại không có hạt như những loại hồng khác nên được rất nhiều người ưa thích. Ngoài ra, chính khí hậu, chất đất và nguồn nước ở Yên Du đã khiến cho những quả hồng nơi đây có vị giòn đặc trưng mà những vùng miền khác không có được.

Hồng chín ruột chuyển màu vàng đậm, vị ngọt, thơm và rất giòn.

Để thu hoạch, người dân mang theo làn và cây sào dài chừng 2m có móc phía trên để hái quả. Những gốc lớn phải dùng thang trèo lên cây, lật từng nhành cây để hái quả. Thông thường cây sau 5 năm cho quả bói, đến năm thứ 10 mới bắt đầu thu hoạch đại trà.

Hồng Yên Du dễ trồng, không mất thời gian chăm sóc nhiều. Mỗi năm khi thu hoạch xong người dân sẽ bón phân chuồng ở từng gốc. Tháng 2 ra hoa, tháng 9 cho thu hoạch.

Toàn thôn Yên Du có 80 hộ trồng trên khoảng 40 ha năm nay với thời tiết thuận lợi, hồng cho trái to, màu sắc đẹp, tổng sản lượng đạt khoảng gần 50 tấn. Mỗi vụ, trung bình một gia đình thu 100-200 triệu đồng. Hồng được người dân bán cho thương lái trong tỉnh, nhập tại các chợ trên địa bàn hoặc gửi vào miền Nam, ra Hà Nội tiêu thụ.

Năm 2021, hồng Yên Du được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, giúp loại đặc sản này tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.

Hồng Yên Du được trồng xen canh với cam mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Diễm Phước

Theo KT&ĐU

Từ khóa: