Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Hà Tĩnh: Dành hơn 9 tỷ đồng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm với nguồn lớn được Hà Tĩnh phân bổ để hỗ trợ các địa phương xây dựng các sản phẩm OCOP. Theo đó, phân bổ các đơn vị cấp tỉnh 532 triệu đồng, cấp huyện 8,478 tỷ đồng.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải vừa ký ban hành Quyết định số 1872/QĐ-UBND ngày 7/8/2023 về việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023.

Theo đó, tổng kinh phí phân bổ là hơn 9 tỷ đồng, phân bổ các đơn vị cấp tỉnh 532 triệu đồng, cấp huyện 8,478 tỷ đồng.

Các đơn vị cấp huyện được hỗ trợ gồm: Hương Sơn 1,643 tỷ đồng, Đức Thọ 935 triệu đồng, Kỳ Anh 935 triệu đồng, Thạch Hà 850 triệu đồng, Can Lộc 786 triệu đồng, Cẩm Xuyên 744 triệu đồng, Nghi Xuân 489 triệu đồng, Lộc Hà 489 triệu đồng, Vũ Quang 460 triệu đồng, Hương Khê 234 triệu đồng, TP Hà Tĩnh 510 triệu đồng, TX Kỳ Anh 212 triệu đồng và TX Hồng Lĩnh 191 triệu đồng.

Chủ động cân đối bố trí ngân sách cấp huyện, lồng ghép với ngân sách Trung ương và huy động tối đa nguồn lực tài chính hợp pháp khác để thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn, đảm bảo không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung hỗ trợ.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kịp thời giải ngân nguồn vốn ngay khi có khối lượng nghiệm thu, không tập trung thanh toán vào cuối năm; định kỳ (ngày 15, ngày 30 hằng tháng) soát xét, tổng hợp kết quả giải ngân trong kỳ và lũy kế kết quả thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đến thời điểm và báo cáo bằng văn bản gửi Sở Tài chính, Sở NN& PTNT và Văn phòng Điều phối NTM tỉnh để theo dõi, đôn đốc thực hiện kịp thời.

Nước mắm Phú Khương - Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN& PTNT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh và các cơ quan liên quan thông báo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị được giao kế hoạch vốn khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ thủ tục theo quy định để tổ chức triển khai thực hiện và quản lý, sử dụng kinh phí đúng quy định.

Thường xuyên nắm bắt tình hình thực hiện ở địa phương, đơn vị; đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn được giao đúng kế hoạch; kiểm tra, giám sát và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo đúng quy định hiện hành về quản lý, điều hành thực hiện chương trình MTQG.

Kế hoạch đặt chỉ tiêu đến năm 2025, có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; tập trung phát triển, nâng hạng các sản phẩm OCOP, phấn đấu có tối thiểu 20% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, 5% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao.

Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phấn đấu có ít nhất 50% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử, website, facebook, zalo,...); phấn đấu mỗi huyện, thành phố, thị xã có tối thiểu 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đảm bảo Quy chế quản lý Điểm giới thiệu, bán sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh Hà Tĩnh được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tại Quyết định số 4086/QĐ-UBND ngày 01/12/2020.

Đến nay, Hà Tĩnh có 217 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 11 sản phẩm 4 sao và 206 sản phẩm 3 sao (đã công nhận 284 sản phẩm, trong đó có 67 sản phẩm (gồm 3 sản phẩm 4 sao và 64 sản phẩm 3 sao) đã hết thời hạn sử dụng chứng nhận OCOP).

Hoài Thanh

KT&ĐU

Từ khóa: