Những ngày đầu năm, thời tiết nắng ấm nên thuận lợi cho du khách về với đền Bà Hải vừa viễn cảnh, vừa cầu bình an.
Di tích Đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (thường gọi là đền Bà Hải) ở xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh thu hút rất nhiều du khách thập phương lễ chùa và tìm hiểu lịch sử văn hóa. Nơi đây là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, là nơi lưu giữ những chiến tích chiến tranh cổ xưa của thời nhà Trần.
Chị Trương Thị Huyền (TP. Hà Tĩnh) cho biết: “Năm nào gia đình tôi cũng dành thời gian để hành hương tại ngôi đền này. Vừa du xuân đầu năm, vừa cầu mong một năm thật nhiều sức khỏe, may mắn và kinh doanh khấm khá.”
Không chỉ du khách trong tỉnh, anh Nguyễn Long trú tại Cầu Giấy (Hà Nội) cũng có mặt tại nơi đây với hy vọng một năm đủ đầy. Anh Long cho biết, là người con quê hương Hà Tĩnh hẳn ai ai cũng biết đến sự linh thiêng của ngôi đền này, cho dù giờ gia đình anh đã chuyển ra sinh sống tại Hà Nội, tuy nhiên đầu năm dù bận rộn đến mấy cũng cố gắng sắp xếp đến đây thắp hương. “Đây là dịp để gia đình vừa có chuyến đi chơi đầu năm và đồng thời là dịp để các con hiểu thêm về lịch sử dân tộc. Nơi đây đã trở thành một địa chỉ tâm linh mà gia đình chúng tôi luôn hướng đến mỗi dịp xuân về.”
Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm nay, đền Bà Hải đón lượng du khách đông đảo trở lại. Theo thông tin từ BQL Khu di tích Đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, từ mùng 1 đến mùng 10 tết Nguyên đán, khu di tích đã đón gần 65.000 lượt du khách tới thắp hương, vãn cảnh.
Đền Bà Hải được xây dựng trên bãi đất pha cát biển rộng khoảng 4.500m2, hướng Đông Nam, phía trước đền từ trái sang phải là núi Ô Tôn có đền Eo Bạch được xây dựng cuối đời Trần.
Bà Nguyễn Thị Bích Châu là con gái của đại thần Nguyễn Tướng Công, sinh ra ở Hải Hậu, Nam Định. Bà nổi tiếng là cô gái vừa xinh đẹp lại giỏi giang nên được mọi người hết mực yêu mến. Đến năm 1373, bà được vua Trần Duệ Tông yêu thương và tuyển làm cung nhân gọi là ái phi Bích Châu, lấy hiệu là Phù Dung.
Lúc nhà Trần suy vong, Quý phi Bích Châu đã soạn thảo “Kê Minh Thập Sách” với đường lối quân sự, chính trị, văn hóa thiết thực, trọng yếu, phù hợp với giai đoạn lúc bấy giờ. Đến năm 1377, bà hộ giá nhà vua đem quân đánh Chiêm Thành nhưng không may bị trúng độc và mất vào ngày 12 tháng 2.
Vào năm 1991 ngôi đền vinh dự đã được Bộ Văn hoá cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá danh lam thắng cảnh. Trải qua nhiều lần tôn tạo, trùng tu và nâng cấp, hiện nay đền có được quy mô khang trang, mặt Đền hướng ra cảng biển, lưng tựa vào núi.
Hoài Thanh/KTĐU