Ngày 3/2 (13 tháng Giêng), tại xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, chính quyền và nhân dân địa phương long trọng tổ chức Lễ giỗ vua Mai Hắc Đế năm Quý Mão 2023.
Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch covid 19 không thể tổ chức, năm nay từ sáng sớm, hàng ngàn người dân xã Mai Phụ và các xã lân cận đã có mặt tại đền thờ vua Mai Hắc Đế để tham dự lễ giỗ, tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc.
Được biết chính quyền và người dân xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà đã thành kính chuẩn bị trước cả tháng cho việc tổ chức ngày giỗ thứ 1.300 của vị Vua này.
Lễ giỗ vua Mai Hắc Đế bắt đầu vào các ngày 12 và 13 tháng giêng hằng năm, nhân dân tỏ lòng thành kính dâng lễ vật lên trên, đặc biệt người dân ở các thôn trong địa bàn xã Mai Phụ còn tổ chức gói, nấu hơn 1.800 chiếc bánh chưng để cung tiến vua Mai Hắc Đế.
Lễ vật dâng lên còn có những cỗ gà thế bay được người dân tỉ mỉ uốn nắn, cung tiến trong ngày giỗ Vua Mai Hắc Đế. Khoảng 200 cỗ gà được tạo hình, trang trí theo nhiều kiểu dáng khác nhau như gà bay, gà leo cây tre, gà cưỡi mình rùa, gà chầu phục cỗ…
Mai Hắc Đế, tên thật là Mai Thúc Loan, quê gốc ở xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Mai Thúc Loan càng lớn càng thông minh, khoẻ mạnh, là một đô vật nổi tiếng của vùng Sa Nam (huyện Nam Đàn, Nghệ An) ngày nay.
Nhìn thấy được cảnh người dân cực khổ dưới ách thống trị của nhà Đường, ông đã chiêu mộ anh tài đánh đuổi ngoại xâm. Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo diễn ra vào năm 713, giải phóng vùng đất rộng lớn ở Nghệ An. Mai Thúc Loan xưng Đế và chọn thành Vạn An (Nam Đàn, Nghệ An) làm quốc đô. Dưới sự trị vì của Mai Hắc Đế, nước ta đã giành được độc lập, tự chủ trong gần 10 năm (713 - 722).
Đến năm 722, quân Đường quay trở đàn áp cuộc khởi nghĩa, bị vây hãm, Mai Hắc Đế trốn vào rừng rồi mất ở đó vào năm 723.
Đền thờ Mai Hắc Đế được xây năm 2010, công trình được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh năm 2011.
Hoài Thanh/KTĐU