Hòa mình vào ánh bình minh cùng với niềm vui và sự phấn khởi của ngư dân xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh bởi cái nghề oằn tay, mỏi lưng, chùn gối, nghề kéo lưới rừng.
Những ngày này, ngư dân xã Thịnh Lộc đang hồ hởi với những mẻ lưới bội thu. Ngay từ sáng sớm bà con làng chài nơi đây đã thức dậy mang ghe thúng đi ra biển rải lưới rùng vây cá.
Kéo lưới rùng là nghề truyền thống do cha ông truyền lại ở Thịnh Lộc dùng để khai thác các loại tôm, cá, mực, cua, ghẹ... ở vùng nước nông.
Lưới ngư dân dùng để kéo rùng có dạng hình cánh cung thon dần về phía sau, mắt lưới nhỏ. Sau khi thả lưới, gần 20 con người oằn lưng, hai bàn chân “xuống tấn” trên cát, kéo từ từ hai đầu lưới từ biển vào bờ.
Để kéo lưới kịp lúc trời sáng, ngư dân phải dậy từ 4h sáng. Đội kéo lưới gồm 16-20 người, chia thành 2 tổ kéo 2 đầu dây. Khi kéo lưới phải di chuyển ngày càng sát vào với nhau để khép lưới. Từ sáng sớm đến chiều muộn, các thành viên trong tổ liên tục thực hiện 5 đợt kéo lưới, mỗi chuyến phải từ 90-120 phút.
Sau nhiều giờ kéo lưới, mẻ cá đầu tiên đã nằm trên cát trắng, nhiều loại cá cùng tôm, cua, mực… được ngư dân gỡ ra, tập trung lại một nơi để chuẩn bị đem bán.
Nghề kéo lưới rùng đã có từ rất lâu, được ngư dân ven biển duy trì đến ngày hôm nay. Nghề này tuy vất vả và không khá giả nhưng cũng mang lại thu nhập ổn định cho ngư dân nơi đây.
Mỗi ngày kéo lưới ngư dân được từ 300.000 - 500.000 đồng/người. So với lênh đênh đánh bắt xa bờ, ngư dân sống bằng nghề này an toàn tính mạng hơn. Vì vậy có không ít gia đình theo nghề cha truyền con nối.
Anh Hoàng Công Đành (45 tuổi, Nam Sơn, xã Thịnh Lộc) cho biết: “Tiếp nối theo nghề truyền thống của ông cha và hiện là tổ trưởng tổ lưới rùng của xóm. Đã 30 năm tham gia tổ đánh cá bằng lưới rùng gần bờ, bà con chúng tôi nơi đây rất phấn khởi khi thu được những mẻ lưới bội thu. Đây là một trong những nghề cần được tiếp nối và gìn giữ bởi mang lại thu nhập khá cao”.
Theo ngư dân, từ Tết Nguyên Đán đến tháng 4 (âm lịch) hàng năm là thời điểm biển ít sóng lớn, họ dễ dàng đánh cá bằng lái cao. Ngư dân thường trúng các luồng các đù, cá trích, mực, tôm… mang về nguồn thu nhập khá cho bà con. Sau tháng 4 (âm lịch) ngư dân sẽ chuyển sang đi câu mực đêm.
Nhiều ngư dân cho biết, Hải sản ven bờ mỗi ngày một giảm. Ngày trước kéo một mẻ lưới kiếm vài tạ cá. Vậy mà giờ, mỗi mẻ chỉ còn khoảng vài chục ký, nên việc đánh bắt theo phương thức này ngày càng ít…
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thịnh Lộc cho biết, trên địa bàn xã Thịnh Lộc hiện có 6 tổ lưới rùng ở các thôn ven biển như: Nam Sơn, Yên Định, Hòa Bình và Yên Điềm. "Thời gian đánh bắt của các tổ từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch hằng năm. Mỗi tổ lưới chỉ có khoảng 15 lao động, nghề khá vất vả nhưng cũng mang lợi được nguồn thu nhập khá ổn định cho bà con ngư dân nơi đây”, ông Thành nói.
Hoài Thanh
Theo KT&ĐU